"Những người bố" mang quân hàm xanh
“Con chào bố” là câu chào quen thuộc của em Nông Tiến Mạnh, lớp 4A4, Trường tiểu học Nguyễn Du, xã Đắk Wil (Cư Jút) dành cho cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Nậm Na - những người bố nuôi của Mạnh.
Mạnh ở thôn Hà Thông, xã Đắk Wil, nhà không có đất sản xuất, bố bị bệnh nặng, không lao động được. Tất cả mọi sinh hoạt đều dựa vào đôi vai của người mẹ bị mù một bên mắt. Sau Mạnh còn có thêm 2 em nhỏ, cuộc sống hết sức khó khăn, vất vả, con đường đến trường của Mạnh gập ghềnh hơn.
Năm 2021, Đồn biên phòng Nậm Na đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, xin phép gia đình nhận cháu Nông Tiến Mạnh làm con nuôi của đơn vị.
Mỗi tuần từ thứ 2 đến thứ 6, Mạnh đều được cán bộ Đồn biên phòng Nậm Na đưa đón đi học |
Trung úy Cao Đức Cảnh, Đồn biên phòng Nậm Na cho biết: “Anh em chúng tôi xác định lo cho con từ bữa ăn, giấc ngủ, buổi tối lại cùng Mạnh ôn bài, kèm cặp giúp con trên hành trình tìm cái chữ”.
Còn Mạnh phấn khởi: “Thời gian đầu, cháu rất nhớ nhà, nhưng được các bố biên phòng động viên, quan tâm nên dần dần cũng quen. Ngoài thời gian học, cháu còn được các bố chỉ bảo một số công việc phù hợp với lứa tuổi như quét dọn nhà cửa, nấu cơm, tưới rau…”.
Mạnh là một trong 4 cháu được nhận nuôi từ Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”. Qua thực tế công tác tại các địa bàn biên giới, cán bộ, chiến sĩ biên phòng bắt gặp nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con em của họ đứng trước nguy cơ không thể được đến trường nên đã đề xuất thực hiện chương trình này để giúp đỡ các cháu.
Từ năm 2021, các cán bộ Đồn biên phòng Nậm Na đều trở thành bố nuôi của Mạnh |
Trung tá Lang Văn Năm, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Nậm Na cho hay: “Khi được nhận về nuôi, các cháu được quan tâm chăm sóc như những đứa con của gia đình. Những người lính đã trở thành người cha, người chú, người anh, cùng nhau sống và sinh hoạt trong không khí ấm áp nghĩa tình. Các cháu được bố trí nơi ăn, ngủ, góc học tập, mua sắm quần áo, chăn, màn, sách vở, đồ dùng học tập, cử cán bộ kèm cặp, giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần. Sau khi học xong THCS, vào THPT, các cháu sẽ chuyển qua Chương trình “Nâng bước em đến trường” để tiếp tục hỗ trợ học tập”.
Nâng bước em tới trường
Chị Trần Thị Sáu, bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà (Đắk Song) là một trong những hộ khó khăn có con được Đồn biên phòng Đắk Tiên, BĐBP tỉnh Đắk Nông nhận hỗ trợ nâng bước tới trường. Nhà chị Sáu có 4 người con thì 3 con đầu đều không được học hành đến nơi đến chốn, nên cả gia đình đặt hết niềm tin vào đứa con gái út.
Chị Sáu tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bàn cho con học hết lớp 9 rồi nghỉ. Nghe vậy, con nó buồn mà người làm mẹ như tôi càng buồn hơn. Khi đang chăm chồng ốm nặng ở bệnh viện, tôi nhận được cuộc điện thoại thông báo con tôi được các chú BĐBP hỗ trợ để tiếp tục tới trường đến khi học hết lớp 12, nên mừng vô cùng”.
Ở với "những người bố" biên phòng, Mạnh được chỉ bảo một số công việc phù hợp với lứa tuổi như quét dọn nhà cửa, nấu cơm, tưới rau... |
Đến nay, qua Chương trình “Nâng bước em tới trường”, các đơn vị trong BĐBP tỉnh Đắk Nông đã nhận đỡ đầu 62 học sinh, với số tiền 500.000 đồng/tháng/học sinh; trong đó có 12 học sinh Campuchia.
Theo Đại tá Bùi Đức Chính, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, từ hiệu quả của Chương trình “Nâng bước em tới trường”, hiện nay, thực hiện chủ trương chung của Bộ Quốc phòng, các đơn vị đang tiến hành khảo sát, lập danh sách và tiếp tục triển khai Đề án “Quân đội nâng bước em đến trường” trong toàn quân. Riêng tỉnh Đắk Nông, qua khảo sát, toàn tỉnh có khoảng 100 cháu sẽ được hỗ trợ tới trường. Kinh phí để hỗ trợ các em học sinh, ngoài nguồn từ Đề án, cán bộ, chiến sĩ biên phòng sẽ đóng góp thêm để việc giúp đỡ được liên tục.
Gia đình chị Trần Thị Sáu, xã Thuận Hà (Đắk Song) một trong những hộ gia đình được BĐBP hỗ trợ |
Hỗ trợ sinh kế cho người nghèo
Nhiều năm qua, hình ảnh người lính mang quân hàm xanh đến từng thôn, bon giúp đỡ, chia sẻ khó khăn của các hộ gia đình nghèo không còn xa lạ với người dân nơi biên cương Tổ quốc.
Vào Đắk Nông từ năm 2011, nguồn thu nhập chính của gia đình bà Nguyễn Thị Loan, thôn Đắc Thọ, xã Đắk Lao (Đắk Mil) chỉ từ 5 sào cà phê và ít cây ngắn ngày trồng xen. Do hai vợ chồng thường xuyên đau ốm, nên làm ra bao nhiêu thì cũng ra đi hết bấy nhiêu, nhiều lúc còn không đủ. Năm 2016, Hội phụ nữ xã phối hợp Đồn biên phòng Đắk Lao hỗ trợ gia đình bà 1 con bò để nuôi theo hình thức chuyển giao con bê đầu tiên cho phụ nữ nghèo khác, còn con thứ hai trở đi là thuộc sở hữu của gia đình. Từ ngày có con bò này, vợ chồng bà luôn chăm sóc cẩn thận nên bò nhanh lớn. Hiện nay, bò mẹ đã sinh được 4 con bê và chuyển cho hội viên khác.
Cán bộ Đồn Biên phòng Đắk Lao thường xuyên xuống các gia đình trên địa bàn xã Đắk Lao (Đắk Mil) hướng dẫn làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc bò |
Bà Loan phấn khởi: “Nhờ có con bò do hội phụ nữ xã và các chú bộ đội biên phòng hỗ trợ mà cuộc sống cũng tươi mới hơn. Mỗi tháng, tôi bán phân bò kiếm thêm thu nhập và tận dụng bón cho cây trồng trong vườn. Gia đình tôi không chỉ thoát được nghèo mà còn xây được căn nhà kiên cố để ở”.
Được biết, năm 2013, Hội phụ nữ xã Đắk Lao đã phát động phong trào quyên góp hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo và thu được 15 triệu đồng. Từ đó, Hội đã mua 1 con bò gửi Đồn biên phòng Đắk Lao đứng chân trên địa bàn nuôi. Đến năm 2014, khi bò mẹ đẻ, hội chuyển giao bò con cho hội viên nghèo nuôi. Đồn biên phòng không chỉ nuôi bò để gây dựng nguồn giống cho người dân nghèo mà còn thường xuyên xuống các gia đình hướng dẫn, giúp đỡ làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc để bò ngày càng phát triển tăng đàn.
Bà Loan xúc động: “Ngoài hỗ trợ bò chăn nuôi, các chú bộ đội biên phòng thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tình hình thực tế chăn nuôi và kịp thời giúp đỡ gia đình lúc cần thiết”.
BĐBP tỉnh Đắk Nông đã có nhiều cách thức hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn vươn lên trong phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững |
Tương tự, gia đình anh Nông Văn Lang, thôn 2, xã Đắk Wil (Cư Jút) được Đồn biên phòng Nậm Na giúp đỡ phát triển kinh tế theo hình thức “Nuôi bò rẽ”. Chưa nuôi bò lần nào nhưng sau khi được trao tặng, anh Lang xác định đây là tài sản quý của gia đình nên đã học hỏi kinh nghiệm của các hộ khác ở địa phương.
Trong quá trình nuôi, gia đình anh còn thường xuyên nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của cán bộ Đồn biên phòng Nậm Na và địa phương. Đến nay, bò mẹ đã sinh sản thêm được 1 con. Anh Lang cho biết: “Tôi luôn cố gắng chăm sóc tốt để bò sinh sản, phát triển đàn, có thêm sinh kế phát triển kinh tế gia đình”.
Thiếu tá Đặng Văn Thông, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Đắk Lao cho biết: “Chúng tôi giúp đỡ Nhân dân cũng như giúp đỡ anh em, gia đình mình. Bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ cũng hạnh phúc theo”.
>> Kỳ 3: Chắc tay súng giữ vững biên cương