Giáo dục - Đào tạo

Biến phế liệu thành đồ dùng, đồ chơi tạo hứng thú, sáng tạo cho trẻ

Nguyễn Hiền

Giáo viên tại các trường mầm non tỉnh Đắk Nông tự làm đồ dùng, đồ chơi bằng phế liệu để dạy học không chỉ khơi dậy sự sáng tạo, thu hút sự hứng thú của trẻ.

ADQuảng cáo

Tận dụng nguyên liệu sẵn có

Ngay từ đầu tháng 8, cán bộ, giáo viên Trường mầm non Họa Mi, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa đã đến trường để cùng nhau chuẩn bị làm đồ dùng, đồ chơi cho năm học mới 2024-2025. Người thì gọt tre, người cạo vỏ dừa, người tạo hình đồ chơi, người sơn sản phẩm... Bụi bặm từ các nguyên liệu như tre, vỏ dừa, gỗ tận dụng bám đầy quần áo giáo viên.

img_2814.jpg
Giáo viên Trường mầm non Họa Mi ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa tận dụng nguyên liệu có sẵn, dễ kiếm để làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ

Cô giáo Phan Thị Bích Thủy chia sẻ: "Việc làm đồ dùng, đồ chơi đã được giáo viên trường duy trì nhiều năm nay. Chúng tôi thường tận dụng các nguyên liệu sẵn có để làm như lõi giấy vệ sinh, hộp bánh kẹo, túi, lon, hũ đựng đồ, báo cũ, vỏ hộp sữa, chai lọ, xốp, tre, nứa, giấy, bìa cứng, len sợi...".

Giáo viên nhà trường có nhiều ý tưởng rất phong phú, tùy theo chủ đề học mà giáo viên sẽ sáng tạo đồ dùng phù hợp hoặc tham khảo từ mạng xã hội. Làm đồ chơi từ nguyên liệu tái chế khá mất nhiều thời gian, công sức từ việc lên ý tưởng, tìm kiếm đến xử lý nguyên liệu và hoàn thiện sản phẩm. Tuy nhiên, mỗi tiết học thấy trẻ hứng thú, chủ động và tò mò khám phá tạo động lực cho giáo viên trong việc làm đồ dùng, đồ chơi dạy học.

img_3300.jpg
Làm đồ dùng, đồ chơi để dạy và trang trí lớp học trở thành hoạt động thường xuyên của giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu phó Trường mầm non Họa Mi cho hay: "Mỗi năm, trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên làm đồ dùng, đồ chơi chung cho các lớp khoảng 1-2 lần. Tuy nhiên, giáo viên các lớp gần như làm thường xuyên để phù hợp với chủ đề bài học, giúp tạo hứng thú và khuyến khích trẻ khám phá. Từ việc biết làm những sản phẩm đơn giản, giờ đây giáo viên đã có kỹ năng làm các sản phẩm phức tạp, thẩm mỹ hơn”.

Nhà trường không có giáo viên nam nên mọi công đoạn như cưa, cắt, chặt cây, trang trí đều do giáo viên nữ tự tay làm. Việc tận dụng nguyên liệu sẵn có không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn mang lại giá trị giáo dục cao. Ví dụ, từ tất hoặc giấy màu, giáo viên có thể làm con rối kể chuyện, phát triển khả năng nghe và tưởng tượng cho trẻ. Hay từ vỏ chai, hộp bìa, giáo viên có thể sáng tạo ra các mô hình động vật, cây cối, ngôi nhà, phục vụ các bài học về tự nhiên...

Tạo giờ học thu hút trẻ

Việc tạo ra các đồ chơi và đồ dùng dạy học sáng tạo không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện mà còn thể hiện sự tận tâm và sáng tạo của giáo viên.

Cô giáo H’Lang, Trường mầm non Họa Mi, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Trường có khoảng 45% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đồ chơi và đồ dùng dạy học tự làm giúp phát triển kỹ năng và khuyến khích trẻ học hỏi thông qua hoạt động tương tác, trải nghiệm thực tế. Việc sử dụng đồ dùng, đồ chơi tự tạo giúp trẻ phát triển toàn diện từ kỹ năng vận động thô và tinh đến khả năng tư duy, sáng tạo và kỹ năng xã hội. Khi giáo viên tạo ra đồ chơi phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu của trẻ không chỉ thu hút sự chú ý mà còn làm cho các tiết học trở nên thú vị và hiệu quả hơn. Hầu hết các nguyên liệu đều quen thuộc với trẻ nên việc tiếp thu của trẻ dễ dàng hơn”.

img_8867.jpg
Giáo viên làm đồ dùng dạy học trực quan giúp trẻ hứng thú và thích khám phá hơn

Còn theo bà Lê Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng Vàng, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa thì để khích lệ phong trào làm đồ dùng, đồ chơi, hàng năm trường đều tổ chức thi giữa giáo viên các lớp. Các cuộc thi làm đồ dùng, đồ chơi cấp thành phố, cấp tỉnh trường đều tham gia để tạo điều kiện cho giáo viên học hỏi, nâng cao hơn kỹ năng, sáng tạo của mình.

Việc sử dụng đồ chơi và đồ dùng dạy học tự làm thật sự tạo sự chuyển biến mạnh trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giúp trẻ phát triển một cách toàn diện các kỹ năng thẩm mỹ, trí tuệ, xã hội, vận động, khuyến khích tính sáng tạo và độc lập ở trẻ. Điều dễ nhận thấy nhất là giáo viên sử dụng đồ dùng, đồ chơi tự làm luôn tạo môi trường học tập sinh động và thu hút trẻ. Trẻ không chỉ học qua sách vở mà còn qua những trò chơi trực quan, sinh động, kích thích các giác quan và trí tưởng tượng. Giáo viên có thể tạo ra các góc học tập khác nhau trong lớp, chẳng hạn như góc âm nhạc với các nhạc cụ tự làm, góc khoa học với các thí nghiệm đơn giản hay góc sáng tạo với các nguyên liệu thủ công…

Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Theo thống kê, hiện nay, 100% trường mầm non trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều áp dụng làm đồ dùng, đồ chơi để phục vụ giảng dạy. Sự sáng tạo của giáo viên mầm non không chỉ thể hiện ở việc giảng dạy mà còn ở khả năng tạo ra các sản phẩm phục vụ cho quá trình học tập của trẻ.

Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa, các thiết bị dạy học có sẵn, giáo viên có thể tận dụng những vật liệu đơn giản, tái chế như giấy, bìa cứng, chai nhựa hay len sợi để làm đồ chơi, đồ dùng dạy học. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn mang lại giá trị giáo dục cao đối với trẻ cũng như giúp giáo viên phát triển tư duy sáng tạo hơn.

img_3294.jpg
Lãnh đạo UBND TP. Gia Nghĩa luôn khuyến khích, động viên các nhà trường mầm non làm được những đồ dùng, đồ chơi phù hợp, đẹp và thu hút trẻ

Ông Lê Bá Cường, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cho rằng, việc làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên liệu sẵn có đã trở thành phong trào và là hoạt động thường xuyên của giáo viên, các trường mầm non. Từ thực tế cho thấy, những trường mầm non có phong trào làm đồ dùng, đồ chơi phát triển thì chất lượng giáo dục luôn có sự nổi trội hơn, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đã thu hút được tỷ lệ trẻ đến trường ngày càng cao.

Cũng theo ông Cường, thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục đa dạng hóa hơn nữa các hoạt động, cuộc thi, phong trào thi đua nhằm động viên, khích lệ, phát huy tinh thần tự giác tích cực, lòng yêu nghề, sự say mê sáng tạo của đội ngũ giáo viên. Các nhà trường tăng cường sự phối hợp, thu hút sự chung tay của phụ huynh, cộng đồng đối với phong trào làm đồ dùng, đồ chơi để tạo ra sản phẩm mang lại hiệu quả trong việc tổ chức cho trẻ học và chơi.

"Ngành Giáo dục định hướng tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm đồ dùng, đồ chơi cho đội ngũ giáo viên mầm non nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ theo chương trình giáo dục phổ thông mới", ông Cường thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến phế liệu thành đồ dùng, đồ chơi tạo hứng thú, sáng tạo cho trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO