* Dải ven biển
Là không gian chuyển tiếp giữa lục địa và biển, dải ven biển luôn chịu tác động tương tác qua lại giữa các quá trình lục địa và biển. Năng lực nội sinh và nhu cầu nội vùng ở dải ven biển nước ta rất đáng kể: tập trung đa dạng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ thống tài nguyên và hệ sinh thái quan trọng bậc nhất tạo tiền đề cho phát triển đa ngành, đa mục tiêu. Nơi đây tập trung khoảng trên 50% dân số cả nước (tính cho các tỉnh ven biển) và khoảng 30% (tính cho các huyện ven biển); khoảng 50% các độ thị lớn với kết cấu hạ tầng ngày càng hiện đại và nhiều khu công nghiệp lớn đang được đầu tư phát triển mạnh, trong đó có ba vùng kinh tế trọng điểm quốc gia.
Một dải đất hẹp với bờ biển dài như vậy (trên 3.260 km) vừa có lợi thế trong phát triển kinh tế vừa là khu vực phòng thủ đất nước mang tính chiến lược. Để phát huy thế mạnh và hạn chế điểm yếu, việc đa dạng hóa các loại hình phát triển đối với các vùng tự nhiên – sinh thái ven biển khác nhau về bản chất là một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Nói cách khác phải tạo ra lợi thế và “đặc sản” vùng miền trong quá trình phát triển để tránh các “hội chứng xấu” trong phát triển nói trên.
Dải ven biển được xem là vùng kinh tế động lực, có khả năng phát triển nhiều ngành, nghề khác nhau (du lịch, cảng biển, thủy sản, khai khoáng,…). Dải ven biển còn là “bàn đạp” tiến ra biển, là hậu phương hỗ trợ các hoạt động ở các vùng biển xa bờ thông qua các trung tâm kinh tế trên các hải đảo.
Vùng nước lợ cũng là mảng không gian thuộc dải ven biển có diện tích hẹp, nhưng cực kỳ quan trọng đối với phát triển “quỹ đất dự phòng quốc gia” và thủy sản bền vững. Đây là nơi cư trú tự nhiên, nơi sinh đẻ và ươm nuôi ấu trùng của nhiều loại thủy sinh vật không chỉ ở ngay vùng này mà còn từ ngoài khơi vào theo mùa.
(Còn nữa)