Video: Dự báo thời tiết ngày 10/2
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, khu vực Nam Biển Đông tồn tại một rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp hình thành sáng 10/2. Ngày và đêm nay, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Ngoài ra, ở đảo Phú Quý đã có gió giật cấp 7-8; đảo Song Tử Tây gió giật cấp 7; trạm Huyền Trân gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8-10.
Ngày và đêm 10/2, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) gió mạnh cấp 6, ngày có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao 4-6m.
![Biển Đông xuất hiện vùng áp thấp. (Ảnh minh hoạ: Báo Nhân Dân)](https://cdn-i.vtcnews.vn/upload/2025/02/10/vung-ap-thap-13215019.jpg)
Khu vực giữa Biển Đông ngày gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, đêm gió giảm dần, sóng biển cao 3-5m. Từ Bà Rịa -Vũng Tàu đến Cà Mau gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 2-4m.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, ngày và đêm 11/2, vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận và vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 2-4,5m.
Trên đất liền, tác động của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp ở Nam Biển Đông, khu vực Phú Yên đến Bình Thuận có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông từ chiều 10/2.
Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, tháng 2 vẫn là tháng chính đông ở miền Bắc. Vì vậy, từ nay đến hết tháng 2, các tỉnh miền Bắc cũng như khu vực Trung Bộ còn chịu tác động của nhiều đợt không khí lạnh. Các đợt không khí lạnh này vẫn có khả năng gây ra rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ cũng như Bắc Trung Bộ.
Cũng theo ông Hưởng, nồm ẩm là hiện tượng thường xảy ra trong giai đoạn mùa xuân. Thời điểm này, khối không khí lạnh di chuyển lệch về phía Đông làm cho gió đông bắc đến đông ở khu vực Bắc Bộ hình thành, độ ẩm trong không khí ở Đông Bắc Bộ và Hà Nội tăng cao, nhiều thời điểm đạt đến mức bão hoà nên xảy ra tình trạng nồm ẩm.
Nồm ẩm thường xuất hiện vào cuối tháng 2, tháng 3 và 4. Theo nhận định, năm nay, hiện tượng nồm ẩm sẽ không "mạnh mẽ" như năm 2024.