Từ châu Á đến châu Âu, nhiều nước đang phải vật lộn với hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng khắc nghiệt, khô hạn kéo dài… Người dân châu Á phải trải qua những ngày nắng nóng như "đổ lửa", ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt.
Tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, nhiệt độ có lúc lên tới mức cao kỷ lục là 54 độ C ở quận Bangna. Nhà chức trách nước này kêu gọi người dân tránh đi ra ngoài do nắng nóng có thể gây chết người. Bangladesh cũng chứng kiến mức nhiệt cao nhất trong gần 60 năm qua.
Từ châu Á đến châu Âu, nhiều nước đang phải vật lộn với hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng khắc nghiệt, khô hạn kéo dài… Người dân châu Á phải trải qua những ngày nắng nóng như "đổ lửa", ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt.
Còn tại Ấn Ðộ, hàng chục người đã phải nhập viện vì nắng nóng. Trước đây, những đợt nắng nóng ở Ấn Ðộ vẫn thường diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7, song gần đây, những đợt nắng nóng ngày càng trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn.
Biến đổi khí hậu cũng tác động mạnh tới châu Âu, châu lục vốn được biết đến là có khí hậu ôn hòa, làm gia tăng nguy cơ hạn hán. Hạn hán kéo dài đã khiến các hồ chứa nước của Tây Ban Nha chỉ đạt 50% công suất chứa. Mới đây, quốc gia này phải đề nghị Liên minh châu Âu (EU) viện trợ khẩn cấp cho nông dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng.
Trong khi đó, Cơ quan địa chất BRGM của Pháp dự báo, tình trạng khô hạn của nước này trong mùa hè năm 2023 có thể nghiêm trọng hơn mùa hè năm ngoái khi mực nước ngầm đang ở mức rất thấp. Việc bổ sung nước đang là một thách thức bởi Pháp vừa trải qua một mùa đông tương đối hanh khô.
Nhiều cuộc họp về khí hậu đã được tổ chức, nhiều lời kêu gọi và cam kết về khí hậu đã được đưa ra. Ðây là tín hiệu tốt, cho thấy nhận thức chung của con người về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, hàng loạt thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu, như những đợt sóng nhiệt cao kỷ lục hay các trận siêu bão, là hồi chuông cảnh báo con người rằng cần phải hành động nhanh chóng và táo bạo hơn nữa.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) dự báo, khả năng hiện tượng El Nino sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 tới là 60% và cuối tháng 9 tới là 80%. Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas (P.Ta-lát) nhấn mạnh, hiện tượng này sẽ dẫn tới sự thay đổi các hình thái thời tiết và khí hậu trên toàn thế giới nên các nước cần chuẩn bị hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả để bảo đảm an toàn cho người dân.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định, tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến các điều kiện sinh sống trên Trái đất trở nên khó khăn hơn.
Theo ông Antonio Guterres, chỉ cần mỗi một năm con người thiếu hành động kiềm chế mức độ nóng lên của Trái đất là thế giới sẽ tiến gần hơn tới bờ vực thẳm, đối mặt nhiều rủi ro mang tính hệ thống hơn và có khả năng chống đỡ kém hơn trước các thảm họa khí hậu.
Mới đây, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) Sultan Al Jaber kêu gọi các bên tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như thúc giục các nước phát triển cung cấp gói tài chính khí hậu trị giá 100 tỷ USD/năm đã cam kết để hỗ trợ các nước đang phát triển. Vấn đề tài chính luôn là điểm tắc nghẽn, gây nhiều tranh cãi trong các cuộc đàm phán khí hậu thời gian qua.
Cái giá phải trả cho tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng đắt, với các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra khắc nghiệt, thường xuyên hơn, đe dọa nghiêm trọng tính mạng con người. Sau những lời cam kết, hứa hẹn, các quốc gia cần bắt tay vào hành động một cách thực chất, nhanh chóng và có trách nhiệm để chạy đua với thời gian bảo vệ Trái đất trước khi quá muộn.