Biển cảnh báo giúp giữ rừng tốt hơn

Thanh Hà| 12/09/2022 08:49

Cắm biển cảnh báo có ý nghĩa quan trọng trong quản lý đất đai, bảo vệ rừng. Nó cũng thể hiện chủ quyền của Nhà nước đối với tài nguyên rừng, cảnh báo đối với những hành vi vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng.

Sau khi nhận lại diện tích đất rừng bị phá dọc quốc lộ 28, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (Đắk Glong) đã triển khai trồng thông để phục hồi lại rừng. Công ty cũng đóng nhiều biển cảnh báo phá rừng màu đỏ.

Trên tấm biển, Công ty ghi rõ khu vực trồng rừng khắc phục hậu quả, người dân không lấn chiếm, trồng tỉa trên đất lâm nghiệp; không chăn thả gia súc và không hủy hoại rừng…

Theo ông Đinh Văn Nam, Chủ tịch Công ty, từ đầu năm 2022 tới nay, đơn vị đã đóng khoảng 60 biển cảnh báo, nghiêm cấm phá hoại trong lâm phần quản lý.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn cắm biển cảnh báo ở các khu vực trồng rừng phục hồi

“Các biển được đặt cố định tại những điểm giao nhau của các đường đi, lối mòn, nơi người dân thường xuyên qua lại. Mục tiêu của chúng tôi là để người dân hiểu, nắm bắt được các thông tin cảnh báo để không vi phạm”, ông Nam cho hay.

Việc cắm biển báo cũng được UBND xã Quảng Sơn tập trung triển khai trong thời gian gần đây. Hiện UBND xã Quảng Sơn đã cắm 3 biển cảnh báo cỡ lớn tại khu vực 3 dự án nông lâm nghiệp thuộc địa bàn xã. Xã cũng cắm 2 biển cảnh báo tại tiểu khu 1685, thuộc lâm phần quản lý của địa phương.

Ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho hay: Nhiều người dân lấy cớ không có biển cảnh báo, nên không biết đó là đất rừng. Từ đó, họ phá rừng rồi lấn chiếm đất rừng, tạo lập tài sản trái phép trên đó.

Do đó, việc cắm các biển cảnh báo để người dân nắm được thông tin về rừng, hạn chế các hành vi vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương.

Biển cảnh báo, nghiêm cấm phá rừng được chủ rừng đặt cố định tại các trục đường có nhiều người qua lại

Tại xã Đắk Ha, chính quyền địa phương đã cắm 18 biển cảnh báo lớn tại khu vực đất lâm nghiệp trên địa bàn. Trong số này, có rất nhiều biển được đặt hai bên tuyến quốc lộ 28, rất dễ quan sát.

Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ha Hoàng Văn Đồng cho biết, các biển cảnh báo giúp tuyên truyền việc quản lý, bảo vệ rừng và quản lý đất đai. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi phá rừng.

Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị đã triển khai các đợt cưỡng chế, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Đối diện với việc bị cưỡng chế, nhiều người dân đưa ra lý do là không biết đất rừng, không biết đơn vị nào quản lý, nên đã chuyển nhượng, sử dụng.

Điều này gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương trong việc quản lý, bảo vệ rừng và thu hồi những diện tích đất đã bị lấn chiếm.

Xã Đắk Ha đặt các biển nghiêm cấm dọc quốc lộ 28 giúp công tác quản lý, giữ rừng tốt hơn

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, việc cảnh báo, nghiêm cấm phá rừng có ý nghĩa rất quan trọng trong ngăn chặn vi phạm về đất đai, quản lý bảo vệ rừng.

Biển cảnh báo vừa thông báo cho người dân biết về hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp, vừa khẳng định chủ quyền của đơn vị chủ rừng, chủ đất.

Thời gian qua, việc cảnh báo được nhiều đơn vị thực hiện chưa tốt. Nhiều đối tượng vin vào đó để thực hiện các hành vi vi phạm. Nhưng cũng không ít trường hợp vì không nắm được hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp, nên đã vô tình vi phạm.

Tỉnh đã giao Sở NN-PTNT, Sở TN-MT có văn bản hướng dẫn các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các chủ rừng thực hiện cắm mốc, cắm biển cảnh báo phá rừng.

Các đơn vị phải thể hiện rõ việc nghiêm cấm phá rừng, lấn chiếm, chuyển nhượng đất lâm nghiệp là trái phép tại các khu đất do mình quản lý. "Khi người dân nắm được các quy định thì chắc chắn các hành vi vi phạm sẽ giảm", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/phap-luat/bien-canh-bao-giup-giu-rung-tot-hon-95000.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/phap-luat/bien-canh-bao-giup-giu-rung-tot-hon-95000.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Biển cảnh báo giúp giữ rừng tốt hơn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO