Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh: Chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt là căn cứ quan trọng, tạo động lực mới để tỉnh phát triển.
“Năm 2024, tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức các hoạt động nhằm kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, cũng là năm có ý nghĩa quyết định trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Do đó, chúng tôi sẽ tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức với khát vọng vươn lên, tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông luôn quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển, với việc tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra”.
Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM.
Ba trụ cột kinh tế, ba đột phá chiến lược
Phóng viên: Những giải pháp mà Đắk Nông đề ra để thực hiện hiệu quả ba trụ cột kinh tế và ba đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 là gì, thưa ông?
Đồng chí Ngô Thanh Danh: Chúng tôi xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả ba trụ cột kinh tế và ba đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Trong đó, chú trọng thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực trụ cột kinh tế của tỉnh, đi đôi với đó là thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chúng tôi cũng sẽ khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tôi chia sẻ thông tin vui là ngay đầu năm 2024, quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này không chỉ khắc phục những điểm nghẽn mà còn tạo động lực mới để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Trong năm nay, chúng tôi sẽ phối hợp thúc đẩy sớm triển khai, hoàn thiện và đưa vào hoạt động dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho Đắk Nông nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung trong kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ và TP.HCM.
Cạnh đó, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với phát triển thị trường trong và ngoài nước.
Đặc biệt, tỉnh sẽ khai thác các giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông để phục vụ phát triển ngành du lịch. Chú trọng thực hiện hiệu quả ba chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố thế trận lòng dân, bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững.
Đắk Nông không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư với phương châm “Doanh nghiệp thành công - Đắk Nông phát triển”.
Xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Phóng viên: Thực tế hiện nay có tình trạng cán bộ sợ làm sai, dẫn đến công việc đình trệ, chậm hơn kế hoạch, yêu cầu đã đặt ra. Đắk Nông đã giải quyết tình trạng này như thế nào, thưa ông?
Đồng chí Ngô Thanh Danh: Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả. Trong đó, tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tàu chọn Đắk Nông làm điểm đến với phương châm “Doanh nghiệp thành công - Đắk Nông phát triển”.
Tỉnh cũng tập trung cải cách hành chính, cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ, hiệu quả.
Ngoài ra, chúng tôi chú trọng xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Kiên trì thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng bộ máy trong sạch, củng cố niềm tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền các cấp.
Một giải pháp khác mà tỉnh đề ra là củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, nâng cao hiệu quả hoạt động khu vực phòng thủ, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường ổn định để phát triển.
Phóng viên: Các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút nguồn lực từ bên ngoài được tỉnh thực hiện như thế nào, thưa ông?
Đồng chí Ngô Thanh Danh: Như tôi đã chia sẻ, phương châm của tỉnh đặt ra là “Doanh nghiệp thành công - Đắk Nông phát triển”. Do vậy, thời gian qua Đắk Nông không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.
Qua kết nối, mời gọi của lãnh đạo tỉnh, thời gian qua nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đến Đắk Nông để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Nhiều dự án khi triển khai, đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn cho tăng trưởng kinh tế của Đắk Nông theo hướng xanh và bền vững.
Hiện chúng tôi đã làm việc, tạo cầu nối để các doanh nghiệp Ấn Độ đến tìm hiểu, đầu tư tại Đắk Nông, nhất là vào các lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên và Ấn Độ có thế mạnh.
Chúng tôi cam kết luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đến đầu tư vào tỉnh nhà.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Nhiều chỉ số tăng trưởng vượt bậc
Sau 20 năm tái lập tỉnh, Đắk Nông đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, so với năm 2004, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao, quy mô GRDP năm 2023 tăng gấp 5,4 lần (theo giá so sánh năm 2010); thu nhập bình quân đầu người/năm đạt trên 60 triệu đồng, gấp 12 lần; thu ngân sách ước tính năm 2023 đạt 2.850 tỉ đồng, gấp 14 lần… Tỉ lệ hộ nghèo đến hết năm 2022 còn gần 8%.
Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2004-2023 ước tính đạt hơn 116.000 tỉ đồng. Trong đó, năm 2023 dự kiến đạt gần 14.200 tỉ đồng, tăng hơn 30 lần so với năm 2004.
Toàn tỉnh hiện có 15 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, với tổng công suất gần 360 MW; hơn 1.600 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất gần 400 MW. Tỉnh cũng có sáu nhà máy điện gió đang được xây dựng và đi vào vận hành với tổng công suất 430 MW, tổng vốn đầu tư hơn 15.000 tỉ đồng.
Giai đoạn 2004-2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 12 tỉ USD, trong đó riêng năm 2023 ước tính đạt 1.271 triệu USD, tăng gần 25,6 lần so với năm 2004. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.600 doanh nghiệp hoạt động, tổng vốn đăng ký trên 35.000 tỉ đồng.
Các chỉ số PCI, PAR-Index, chỉ số chuyển đổi số của tỉnh liên tục thăng hạng, đáng chú ý năm 2022, chỉ số PCI tăng 14 bậc, đứng thứ 38/63 tỉnh, thành…