Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh chủ trì thảo luận tổ về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội
Chiều 2/11, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Đắk Nông Ngô Thanh Danh chủ trì thảo luận tổ số 7 gồm đại biểu các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Thái Nguyên, Long An về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Phát biểu đề dẫn buổi thảo luận, đồng chí Ngô Thanh Danh nhấn mạnh: Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này đã bổ sung một số nội dung lớn như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (hộ kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã không hưởng lương).
Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện;
Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu.
Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc
Dự thảo còn sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng BHXH một lần….
Để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đồng chí Ngô Thanh Danh đề nghị các vị ĐBQH ý kiến, thảo luận về phạm vi điều chỉnh; Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nuyện; Trợ cấp hưu trí xã hội và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; Chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; Căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; Quy định về xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; Các quy định về bảo hiểm xã hội một lần và Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội.
Ngoài các nội dung trên, các vị đại biểu thảo luận vào những nội dung khác mà đại biểu quan tâm. Các vị đại biểu có thể phát biểu nhiều lần để tham gia vào từng nội dung quan tâm hoặc phát biểu một lần tham gia vào các nội dung trên.
Trên tinh thần định hướng chung, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng: Liên quan đến đối tượng tham gia BHXH, Chính phủ đề xuất đối với chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh mới tham gia BHXH bắt buộc. Còn đối với chủ hộ kinh doanh mà không đăng ký kinh doanh thì đóng bảo hiểm tự nguyện. Bản chất đăng ký kinh doanh hay không đăng ký kinh doanh không có ý nghĩa mà chỉ có đóng tự nguyện thì 22% mà đóng bắt buộc 25%. 25% thì được hưởng thêm một số chế độ thai sản, ốm đau… Thay bằng việc đăng ký kinh doanh hay không kinh doanh, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng nên cho họ lựa chọn tự nguyện hay bắt buộc. Còn nếu quy định đăng ký kinh doanh hay không kinh doanh, có thể năm nay đăng ký nhưng năm sau họ không đăng ký hoặc các hộ kinh doanh thay đổi phương thức kinh doanh.
Về trợ cấp hưu trí xã hội, theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, đây là Luật Bảo hiểm xã hội nhưng lại có hình thức trợ cấp hưu trí xã hội, áp dụng đối với người trên 75 tuổi. Mà nguyên tắc của BHXH là có đóng có hưởng. Trong khi đối tượng trợ cấp hưu trí bản chất là không đóng. Vì vậy, nếu đưa hình thức này vào, phải đánh giá tác động rất cụ thể. Bản chất của nội dung này là trợ cấp xã hội cho người trên 75 tuổi nên cần đưa nội dung này vào Luật Người cao tuổi.
Liên quan đến điều kiện, thời gian đóng BHXH, trước đây theo Bộ Luật Lao động năm 2012 thì giữa nam và nữ tuổi nghỉ hưu cách nhau 5 năm. Mà theo Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2019, lộ trình tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ chênh nhau chỉ có 2 năm. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn để cách nhau 5 năm, giữa nam và nữ. Nam vẫn 20 năm và nữ 15 năm. Như vậy, nó không đồng bộ và tạo ra sự bất công giữa nam và nữ trong việc đóng và hưởng. Do đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp với lộ trình của Bộ luật Lao động đã đặt ra.
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông ý kiến sâu về nội dung chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm.
Đại biểu Hằng thông tin: Trong năm 2022, số tiền chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm cả lãi và gốc là 8.560 tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2021 và có 26.670 doanh nghiệp chậm đóng BHXH, ảnh hưởng tới 206.000 người lao động.
Tính đến 30/6/2023, số tiền chậm đóng BHXH nếu tính cả lãi và gốc là 15.797 tỷ đồng, chiếm 3,33% số tiền phải thu.
Theo BHXH Việt Nam, tiền BHXH tăng dần bình quân mỗi năm là 10 tỷ đồng. Từ 3 năm trở lại đây, việc đóng bảo hiểm chậm chiếm 34%. Tính từ năm 2016 đến 2021, cả nước có 538 doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm trên 10 năm và có 2.400 doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm trên 5 năm. Qua rà soát cho thấy, về tỷ lệ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm ảnh hưởng đến quyên lợi nhiều người lao động. Trong khi đó, số doanh nghiệp bị khởi tố, bị xử lý về trốn đóng bảo hiểm rất ít, thậm chí chưa xử lý được. Chính vì vậy, vấn đề ở đây là dự luật đưa ra chế tài xử lý như thế nào và việc trốn đóng bảo hiểm như thế nào chúng ta cần phân định rõ. Việc trốn đóng bảo hiểm và chậm đóng bảo hiểm phải được quy định cụ thể trong luật và có chế tài, thể hiện được trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc trốn hoặc chậm đóng BHXH. Đại biểu Hằng đề nghị điều 37 dự thảo Luật cần có quy định và chế tài cụ thể để khi luật hóa có thể triển khai để người lao động được hưởng công bằng về các quyền lợi.