Sử dụng sơ đồ tư duy sẽ giúp việc ghi nhớ trở nên hiệu quả và có tác dụng hơn nhiều lần
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp, thí sinh phải đối mặt với một "biển kiến thức" từ các chương trình học tại trường lớp. Do đó, để tiếp cận tốt, cần có phương pháp giúp hệ thống lại những kiến thức.
Việc xây dựng được một sơ đồ tư duy thể hiện mối liên hệ giữa các kiến thức, sẽ mang lại những lợi ích đáng quan tâm về các mặt: ghi nhớ, phát triển nhận thức, tư duy, óc tưởng tượng và khả năng sáng tạo…
So với việc ghi chép truyền thống, thì sử dụng sơ đồ tư duy sẽ giúp việc ghi nhớ trở nên hiệu quả và có tác dụng hơn nhiều lần. Đây là một biểu đồ hoặc hình ảnh trực quan dùng để thể hiện các khái niệm, định nghĩa, công thức hoặc các mục thông tin được liên kết với nhau một cách logic và có cấu trúc dựa trên khái niệm tổng quát hoặc chủ đề cụ thể.
Bằng cách viết xuống các ý chính và phân nhánh các ý phụ, tạo thành một cấu trúc hợp lý. Từ đó, thí sinh có cái nhìn tổng quan và hiểu rõ mối quan hệ giữa các kiến thức trong sơ đồ.
Bên cạnh đó, khi tự mình xây dựng nên một sơ đồ tư duy sẽ khuyến khích tư duy sáng tạo. Vừa giúp kích thích trí nhớ và ghi nhớ thông tin một cách tốt hơn so với việc sử dụng những bản viết và văn bản thông thường.
Để tạo nên sơ đồ tư duy hoàn chỉnh, cần phải học cách tóm tắt và cô đọng các ý chính, phân cấp các ý phụ
Tham khảo cách xây dựng sơ đồ tư duy môn học giúp nắm chắc kiến thức, tự tin thi tốt nghiệp THPT 2024, từ các bước sau:
Bước 1, cần tạo ý tưởng chính trước tiên để làm nội dung trung tâm của sơ đồ tư duy. Ý tưởng hay chủ đề chính là điểm nguồn đầu tiên bắt đầu khi vẽ sơ đồ tư duy và tượng trưng cho ý chính muốn nắm rõ. Ý tưởng chính sẽ đặt ở vị trí chính giữa, trung tâm của trang, có thể thêm hình ảnh minh họa để sơ đồ nhìn thu hút và kích thích thị giác người học hơn.
Bước 2, phải tạo các nhánh lớn và nhánh con để bổ sung các ý để nội dung chính được làm rõ và trở nên cụ thể hơn. Các nhánh lớn sẽ xuất phát từ nội dung trung tâm. Mỗi nhánh lớn sẽ khai thác về một mặt quan trọng của chủ đề chính, từ đó tiếp tục rẽ ra thành các nhánh con nhỏ hơn để khai thác sâu hơn về các mặt của chủ đề. Khi tạo sơ đồ tư duy, có thể liên tục thêm các nhánh mới mà không bị giới hạn bởi vấn đề gì. Khi cố gắng thêm nhiều nhánh hơn, bộ não cũng sẽ được kích thích đưa ra nhiều ý tưởng mới hơn.
Bước 3, các từ khóa là yếu tố chính cho các nhánh của sơ đồ tư duy. Khi thêm một nhánh cũng cần thêm một từ khóa cho nhánh đó. Việc sử dụng hệ thống các từ khóa sẽ kích thích bộ não và cho phép ghi nhớ một lượng lớn kiến thức, thông tin dễ dàng hơn. Nên dùng một từ khóa cho một số lượng liên kết lớn sẽ tốt hơn.
Bước 4, nếu như muốn tăng thêm tính sáng tạo và sinh động hơn cho sơ đồ tư duy đã tạo, việc sử dụng các màu sắc rất phù hợp. Màu sắc là một yếu tố quan trọng khi thiết kế một sơ đồ tư duy, vừa giúp kích thích não bộ vừa cho phép nổi bật và phân cấp thông tin.
Đồng thời có thể xác định thêm những kiến thức logic với các kiến thức trước đó được xây dựng trong sơ đồ mà trước đây chưa từng được phát hiện. Dùng nhiều màu sắc sẽ làm cho hình ảnh trở nên hấp dẫn và bắt mắt hơn so với chỉ dùng hình ảnh đơn sắc.
Vì thế, hãy phân chia màu sắc hợp lý và hài hòa cho từng nhánh của sơ đồ tư duy. Bên cạnh đó, hãy bố trí thêm các hình ảnh minh họa để sinh động hơn các nội dung đã xây dựng. Nó có sức mạnh truyền đạt nhiều thông tin hơn một từ, một câu hay thậm chí cả một văn bản.
Sơ đồ tư duy có rất nhiều loại. Tùy các kiến thức, thông tin muốn ghi nhớ, có thể xây dựng bằng các sơ đồ khác nhau.
Với dạng sơ đồ hình cây, nên dùng khi cần phân loại và sắp xếp thông tin. Sơ đồ cây giống như một cái cây thật với nhiều nhánh, các nhánh chính là tiêu đề hoặc chủ đề chính, các nhánh phụ là các chủ đề phụ. Bên cạnh các nhánh chính phụ, có thể để thêm các thông tin liên quan, chi tiết hơn. Bằng cách sắp xếp thông tin và ý tưởng vào các nhánh khác nhau, có thể tìm ra các kết nối mới giữa các ý tưởng và tạo ra các giải pháp đột phá cho các vấn đề.
Với dạng hình tròn, sơ đồ này giúp tập trung vấn đề được coi là trọng tâm và xem xét các khía cạnh khác liên quan tới chủ đề chính. Một sơ đồ hình tròn bao gồm các vòng tròn lớn bên ngoài với một vòng tròn khác bên trong. Vòng tròn bên trong là nơi chứa chủ đề chính hoặc ý tưởng chính. Bao quanh là vòng tròn lớn hơn, nơi chứa những ý tưởng phụ liên quan.
Sơ đồ Venn là sự kết hợp của hai bản đồ bong bóng và được gọi là bong bóng kép. Để khai thác tốt sơ đồ này, nên sử dụng khi muốn so sánh các thông tin, xác định sự khác biệt và tương đồng giữa hai chủ đề. Trung tâm giữa hai vòng tròn chứa hai ý chính. Điểm giao nhau của 2 vòng tròn chính là nơi chứa các điểm tương đồng được xác định. Hướng về hai bên là các bong bóng xác định sự khác biệt của mỗi vòng tròn trung tâm. Có thể sử dụng sơ đồ này cho các môn như văn học để so sánh các nhân vật, tình huống, và các phần của câu chuyện,... để nắm bắt tốt hơn.