Bí quyết ôn thi vào lớp 10 giai đoạn 'nước rút'
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập không chuyên ở Hà Nội năm 2024 sẽ được tổ chức trong 2 ngày từ 8 - 9/6, với 3 môn là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Chỉ còn 2 tuần nữa là kì thi được diễn ra, chắc hẳn giờ đây các bạn đang gấp rút ôn thi nhưng làm sao để đạt hiệu quả tốt nhất. Dưới đây là các bước giúp các bạn ôn thi bạn nên dùng trong giai đoạn gấp rút mà vô cùng hiệu quả.
1. Thiết lập mục tiêu và kế hoạch cụ thể
Theo quy luật 80/20, cứ 20 phút bạn bỏ ra lập kế hoạch bạn sẽ tiết kiệm được 80% thời gian hoàn thành và đạt được hiệu quả cao trong công việc.
Bạn sẽ không có động lực để thực hiện bất cứ điều gì nếu không có kế hoạch và mục tiêu phía trước. Mục tiêu là động cơ để mỗi người học tập, làm việc chăm chỉ, đạt được thành công trong cuộc sống và kế hoạch chính là công cụ cần thiết để hoàn thành mục tiêu đó
2. Chú ý đến kiến thức căn bản
Bạn muốn nâng cao kiến thức, trước tiên bạn phải nắm chắc kiến thức cơ bản đã. Đây là kỹ năng được xem là một bí quyết ôn thi hiệu quả, không nên ôn thi ôm đồm, quá tải. Hãy rèn luyện kỹ năng ôn thi chắc chắn, không quá hấp tấp dẫn đến ôn trước quên sau.
Hệ thống lại phần kiến thức đã học sao cho ôn đến đâu chắc đến đó. Những phần nào sức mình làm được thì ôn thật kĩ, để khi đi thi chắc chắn bạn sẽ có điểm. Với cách ôn như vậy, khi đi thi bạn sẽ cảm thấy tự tin và cũng không phải lo lắng sai phần này hoặc phần kia nữa.
3. Ghi nhớ hệ thống
Việc nhớ cả bảng hệ thống tuần hoàn hay tất cả các sự kiện lịch sử quả thật không hề đơn giản chút nào. Hãy tham khảo cách ghi nhớ hệ thống sau đây:
- Ghi thành dàn bài
Việc đầu tiên, bạn nên đọc trước bài của môn mà bạn đang học từ 1 đến 3 lần đến khi bạn hiểu được yêu cầu của bài. Sau đó, bạn hãy tóm tắt thành dàn bài gồm nhiều mục nhỏ 1, 2, 3. Trong các mục nhỏ bạn lại chia thành các mục nhỏ hơn nữa a, b, c… Bạn nhớ đặt tiêu đề cho các mục nhỏ đó.
- 3 lần nhẩm
Lần đầu tiên, bạn hãy nhẩm từng phần một của dàn bài, chỗ nào quên bạn hãy dừng lại rồi lật dàn bài ra xem lại. Bạn cứ làm như thế cho đến hết bài và lưu ý đừng quên phần quan trọng đáng ghi nhớ, không được bỏ sót một chi tiết nào cả.
Lần thứ hai, bạn đã nắm được cơ bản bài qua lần nhẩm đầu tiên rồi nên bạn có thể hệ thống được toàn bài dễ dàng hơn. Lần này nếu bạn quên chi tiết nào, bạn mở sách xem lại, ghi ra giấy hoặc đánh dấu những phần đó rồi học lại cho nhuần nhuyễn.
Lần thứ ba, bạn có thể hệ thống lại bài một cách dễ dàng và bạn đặt những câu hỏi rồi tự trả lời trong đầu câu hỏi ấy. Nếu bạn thấy mình trả lời chưa được thì bạn nên mở dàn bài ra xem lại.
- Ghi ra giấy
Những định lý hay công thức bạn nên ghi lại, tóm tắt những phần quan trọng sao cho khi bạn nhìn thấy bạn có thể hiểu bài mà không cần mở sách. Bạn không nên ghi rườm rà, dư thừa, khiến bạn mất thời gian vô ích mà lại phí sức.
4. Luyện đề thi thử
Khi đến giai đoạn nước rút, có lẽ các bạn đã nắm rõ cấu trúc đề thi các môn cũng như lượng kiến thức cần thiết để đạt được số điểm mình mong muốn. Vì vậy, việc bạn cần làm trong giai đoạn này chính là luyện đề. Hãy nhớ luyện đề càng nhiều càng tốt, giới hạn thời gian làm bài theo đúng thời gian làm bài thi.
Xem tuyển tập bộ đề thi vào lớp 10 của Báo Đắk Nông:
Môn Toán: https://baodaknong.vn/thi-thu-vao-lop-10-mon-toan-ptag.html
Môn Văn: https://baodaknong.vn/thi-thu-vao-lop-10-mon-van-ptag.html
Môn tiếng Anh: https://baodaknong.vn/thi-thu-vao-lop-10-mon-tieng-anh-ptag.html
Khi bạn luyện đề như vậy, bạn sẽ dần quen với cách làm bài, chủ động phân bổ thời gian cho từng câu hỏi trong đề thi sao cho hiệu quả nhất. Luyện đề nhiều còn giúp bạn củng cố lại tất cả lượng kiến thức đã tích lũy trong thời gian ôn thi. Bạn nên tham khảo và chọn lựa các bộ đề thi chuẩn vì những đề thi đó sẽ đúng với cấu trúc cũng như lượng kiến thức trọng tâm của kì thi vào lớp 10.
5. Rèn luyện thói quen tự học
Nếu bạn tự học, bạn sẽ chủ động hơn trong việc tiếp cận kiến thức, bạn sẽ có xu hướng tìm tòi những thứ mình cần và những thứ mình thiếu để chủ động tìm kiếm bù đắp cho kiến thức của mình.Tự học giúp bạn có trạng thái “cay cú” khi không thể hiểu bài. Sau đó bạn tự thôi thúc bản thân tìm mọi “thủ đoạn” để hiểu bằng được vấn đề đó như: search mạng, gọi điện hỏi bạn, hỏi thầy…
Việc tự học giúp bạn củng cố kiến thức dần dần và chắc chắn, giúp bạn nhớ hơn và hiểu rõ vấn đề hơn. Ngoài ra, bạn sẽ không bị áp lực bởi lượng kiến thức, lượng bài tập của mình và tâm lý cũng sẽ thoải mái hơn mà còn đảm bảo sức khỏe nữa.
6. Chuẩn bị trước ngày thi
Đến thời điểm cận ngày thi, các bạn ắt hẳn đã chuẩn bị cho mình đầy đủ những kiến thức và kĩ năng cẩn thiết để bước vào phòng thi rồi phải không? Vì vậy, để cho khoảng thời gian đó có đầy đủ sức khỏe và tâm lý thoải mái, bạn nên nghỉ ngơi nhiều hơn để đầu óc thoải mái thay vì cố gắng nhồi nhét thật nhiều.
Tuy nhiên, để tránh sa đà vào việc nghỉ ngơi mà quên hết những kiến thức đã ôn được, bạn nên ôn lại vài kiến thức cần thiết mỗi ngày trong thời gian ngắn. Một điều quan trọng nữa là bạn nhớ đặt chuông báo thức, thức dậy thật sớm y như thời gian của ngày thi sắp tới. Việc này sẽ giúp đầu óc, cơ thể bạn dần quen với giờ giấc và hoạt động tập trung hơn trong giờ thi.