Ai cũng thấy hạnh phúc
Trên mỏm đồi hun hút, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm nổi bật giữa bạt ngàn nương rẫy. Vết thời gian và cả đất đỏ làm phai cả màu sơn tường của ngôi trường cấp 4. Gió rít từng cơn mới cảm nhận được cái lạnh khô khắt của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió.
Cô giáo Vũ Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm nói về trường, về giáo viên và học sinh của mình với bao đỗi thân thương. Những câu chuyện tưởng như đơn giản mà nghe thương đến lạ, học sinh ở đây không đến mức quá thiếu ăn nhưng nhà các em xa lắm, có em đi bộ cả 20 km đến trường. Nếu học cả ngày mà không có cơm ăn trưa thì một số em chỉ học một buổi, một số em vật vờ buổi trưa với nắm cơm trắng đựng trong bịch ni lông. Thầy cô cũng vất cả nhưng thấy học sinh mình vậy càng thương!.
Dù vất vả, hầu hết giáo viên ở xã Đắk Ngo đều nỗ lực vượt qua, gắn bó với học trò |
Cô giáo Đào Thị Lê Huyền tâm sự: “Bình thường thì giáo viên có thời gian chăm lo gia đình nhiều hơn tý. Dựa vào tình hình dịch bệnh tạm ổn hơn, trường tổ chức học tập trung để tranh thủ “giờ vàng”. Nhiều giáo viên ở luôn tại trường dạy và tình nguyện phục vụ bếp ăn. Một số giáo viên nữ có con còn nhỏ nhưng phải thuê người trông nom để ở lại trường giúp học sinh có những bữa ăn đầy đủ hơn”.
Thương trẻ nên cố gắng nhiều hơn
Trường mầm non Hoa Ban có 1 điểm chính và 5 điểm lẻ. Điểm chính may mắn hơn là bếp bán trú được lên lửa đều. Cô giáo Phạm Thị Hồng Vân là Hiệu trưởng nhưng cũng thường xuyên cùng giáo viên thay phiên nấu các bữa ăn cho trẻ.
Cô giáo Phạm Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Ban nhóm bếp, lo bữa trưa cho trẻ |
Vừa nhóm củi, cô giáo Vân chia sẻ: “Bữa ăn của trẻ ở đây ngày chỉ mười mấy ngàn thôi. Thiếu cán bộ, giáo viên nên gần như ai cũng phải kiêm nhiều nhiệm vụ. Trẻ ở nhà xa nên trường cố gắng làm cái bếp ăn bán trú cho các cháu. Điểm chính này vậy cũng còn may mắn, chứ các điểm lẻ, giáo viên và trẻ vất vả hơn nhiều lắm. Nhưng nếu không có bếp ăn bán trú thì không thể thực hiện được mục tiêu duy trì sĩ số trẻ hàng năm. Vì vậy, trước khi dạy thì giáo viên phải lo được bữa ăn cho trẻ đã”.
Niềm vui khi có phần ăn trưa tại trường của học sinh |
Cũng theo cô giáo Vân, tại các điểm lẻ không thể lập được bếp ăn vì nhiều nguyên nhân như thiếu bảo mẫu, người dân không đủ khả năng đóng góp, không có cơ sở vật chất trang thiết bị... Vì vậy, hiện nay các điểm trường thực hiện theo hình thức bán trú dân nuôi. Sáng đi học, mỗi trẻ sẽ được bố mẹ chuẩn bị mỗi phần ăn trưa, nghỉ tại trường để chiều học tiếp. Giáo viên lại chính là những người có trách nhiệm phục vụ, chăm sóc trẻ.
Giáo viên Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm chia phần thức ăn cho học sinh |
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, ở điểm trường Sính Chải đỏ hoe mắt khi tâm sự: “Nhiều hôm nhìn phần ăn của trẻ chỉ là nắm cơm trắng đựng bịch ni lông mà thương chảy nước mắt. Giáo viên cũng chỉ biết làm hết sức mình chăm sóc các cháu. Thường thì phụ huynh đóng tiền chi trả cho giáo viên nhưng nhiều người mỗi tháng chỉ hơn 10.000 đồng cũng không thể đóng nổi. Vất vả lắm, thậm chí giáo viên phải bỏ tiền túi mua sách vở cho các cháu. Giáo viên ở đây nhiều lúc tủi thân nhưng thấy trẻ còn khổ quá nên lại cố gắng nhiều hơn”.
Hơn 12 giờ trưa, giáo viên Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm mới bắt đầu bữa ăn của mình |
Theo ông Phan Quốc Trọng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tuy Đức, xã Đắk Ngo hiện có đủ ba cấp học từ mầm non đến THCS. Để giữ chân học sinh, các trường phải tìm cách lập các bếp ăn bán trú. Nói là bếp ăn nhưng còn thiếu thốn nhiều lắm. Cán bộ, giáo viên ở các trường vùng sâu, vùng xa thiệt thòi nhiều nhưng vẫn luôn cố gắng níu bước học trò bằng nhiều cách. Nhờ đó, những năm qua, tỷ lệ học sinh các cấp bỏ học giữa chừng đã giảm đáng kể. Tỷ lệ trẻ hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi cơ bản đạt yêu cầu đề ra.