Kinh tế

Bế tắc tái cơ cấu 2 doanh nghiệp Nhà nước ở Đắk Nông

Lê Dung 28/08/2023 05:00

Đắk Nông mong muốn sớm có giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp. Từ đó, giúp các công ty này hoạt động hiệu quả, nhất là về quản lý, bảo vệ rừng.

Nợ đầm đìa

Đắk Nông đang có 2 công ty nông, lâm nghiệp chưa thể thực hiện phương án sắp xếp, đổi mới theo kế hoạch do vốn chủ sở hữu âm quá lớn.

11.png

Cụ thể, Công ty Cà phê Đức Lập (Đắk Mil) hiện đang quản lý hơn 562 ha đất, nhưng vốn chủ sở hữu âm hơn 130 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2022, Công ty đang nợ các tổ chức, cá nhân và người lao động hơn 182 tỷ đồng (nợ gốc 60 tỷ đồng; lãi gần 122 tỷ đồng.

Các khoản nợ này chủ yếu là lãi vay ngân hàng tồn đọng từ trước năm 2001. Điều này khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty thua lỗ kéo dài.

nam-nung-2(1).jpg
Công ty TNHH MTV Nam Nung (Krông nô) hiện đang quản lý hơn 7.000 ha đất, chủ yếu là trồng cao su

Tương tự, Công ty TNHH MTV Nam Nung (Krông Nô) hiện đang quản lý hơn 7.000 ha. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là âm 51 tỷ đồng. Đến 31/12/2022, Công ty đang nợ các tổ chức, cá nhân và người lao động là hơn 163 tỷ đồng; trong đó, nợ gốc hơn 116 tỷ đồng; nợ lãi 47 tỷ đồng.

Công ty vay các tổ chức tín dụng để thực hiện dự án trồng cao su. Đến thời điểm các dự án cao su đi vào khai thác thì giá mủ giảm thấp. Do đó, Công ty không đủ nguồn trả nợ, dẫn đến phát sinh các khoản chi phí tài chính, nhất là lãi vay quá hạn.

Cộng với việc người dân lấn chiếm đất kéo dài, khiến Công ty không thể tổ chức khai thác mủ cao su. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của công ty.

no-cua-cong-ty-duc-lap.jpg

Đề xuất giảm nợ

Phương án sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp thuộc tỉnh Đắk Nông cho thấy, 2 doanh nghiệp trên thuộc diện cổ phần hóa, Nhà nước không nắm giữ cổ phần. Tuy nhiên, do vốn chủ sở hữu âm, nên 2 đơn vị này không đủ điều kiện thực hiện.

cty-duc-lap-trong-cf(1).jpg
Công ty Cà phê Đức Lập (Đắk Mil) hiện đang tiếp tục ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, với ngành nghề trồng và chế biến cà phê

Trong khi theo tinh thần mới nhất của Bộ Chính trị, Nhà nước phải bảo đảm quyền chi phối đối với công ty nông, lâm nghiệp quản lý diện tích đất lớn (từ 500 ha đất trở lên với công ty nông nghiệp, 1.000 ha trở lên đối với công ty lâm nghiệp).

Do đó, 2 công ty trên của Đắk Nông đều phải bảo đảm quyền chi phối của Nhà nước, nên không thể thực hiện theo phương án sắp xếp của tỉnh.

Đắk Nông dự kiến sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chuyển hai công ty trên sang hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm 2 thành viên trở lên.

ct-nam-nung-1(1).jpg
Đắk Nông đang đề xuất Trung ương sớm tháo gỡ vướng mắc cho các công ty nông, lâm nghiệp

Hiện đã có nhà đầu tư chiến lược đủ năng lực quan tâm tới 2 công ty này và đều đưa ra đề xuất nắm cổ phần chi phối. Thế nhưng, cả 2 nhà đầu tư này đang vấp phải "rào cản" quy định Nhà nước nắm quyền chi phối tại các doanh nghiệp.

Mặc dù kinh doanh thua lỗ và đang có số nợ phải trả lớn, nhưng cả hai công ty này đang quản lý tài sản, đất đai của Nhà nước rất lớn. Cụ thể, Công ty Cà phê Đức Lập đang quản lý hơn 562 ha đất, giá trị ước tính khoảng hơn 5.000 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Nam Nung đang quản lý hơn 7.367 ha đất, giá trị ước tính 15.000 tỷ đồng.

Nhằm tháo gỡ các nút thắt trên, mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị với Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đầu tư vốn vào 2 công ty này để giảm nợ, tạo điều kiện tái cơ cấu.

Tỉnh đề nghị Ủy ban xem xét ý kiến với Trung ương sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để làm căn cứ xây dựng các phương án sắp xếp, đổi mới cho các công ty trên.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Bế tắc tái cơ cấu 2 doanh nghiệp Nhà nước ở Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO