Bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII

B.M ( TTXVN)| 09/10/2022 18:00

Sau 7 ngày (từ 3-9/10) làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và bế mạc sáng 9/10. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu bế mạc Hội nghị.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ dự báo thời gian tới, kinh tế thế giới nói riêng và tình hình quốc tế nói chung sẽ còn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023, phải tiếp tục nêu cao cảnh giác, chủ động kiểm soát có hiệu quả hơn nữa dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, tuyệt đối không được chủ quan, để bị động, bất ngờ; bảo đảm năng lực khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh của hệ thống y tế.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là cân đối về tài chính-ngân sách Nhà nước. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và tính thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát huy và tạo lập các động lực tăng trưởng mới trong trung hạn và dài hạn. Nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị

Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia

Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trung ương coi đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ.

Trong việc quy hoạch lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý cần tập trung ưu tiên cho việc hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng bảo vệ môi trường, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới. Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các "đầu tàu" lôi cuốn sự phát triển của quốc gia. Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc-Nam và trục Đông-Tây; kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.

Chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá

Trung ương nhất trí cao cho rằng cần phải tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, đúng đắn, đồng bộ hơn trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần phải khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng, từng địa phương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tận dụng và phát huy lợi thế của nước đi sau và đang trong thời kỳ "dân số vàng; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu, thúc đẩy chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; chú trọng "dịch vụ hóa" các ngành công nghiệp. Coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Toàn cảnh bế mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao cho rằng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do vậy, trên cơ sở tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X, Hội nghị Trung ương lần này đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

Trên cơ sở thống nhất cao về nhận thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc nhận thức về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, triển khai thực hiện đồng bộ cả 5 phương thức lãnh đạo của Đảng trên cơ sở đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.

Một điểm mới tại Hội nghị lần này là, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt và Bùi Nhật Quang. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị và quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng do các vi phạm nghiêm trọng về nguyên tắc tập trung dân chủ, về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn đến tài sản, ngân sách Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của Đảng, chính quyền địa phương và cá nhân đồng chí.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đây là sự việc rất đau xót, nhưng vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, để giáo dục, ngăn ngừa, cảnh tỉnh, răn đe các trường hợp khác và vì sự lớn mạnh của Đảng buộc chúng ta phải làm. Và đây cũng là bài học mỗi đồng chí chúng ta cần phải rút kinh nghiệm thật sự sâu sắc, điều này được cán bộ, đảng viên, Nhân dân đánh giá cao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng với thành công của Hội nghị lần này và sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn Đảng, trước hết là trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự ủng hộ, hưởng ứng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nhất định sẽ tổ chức thực hiện thành công các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương lần này, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/be-mac-hoi-nghi-trung-uong-lan-thu-sau-khoa-xiii-95441.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/be-mac-hoi-nghi-trung-uong-lan-thu-sau-khoa-xiii-95441.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO