Bảy điểm mới cơ bản của LUẬT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

29/11/2024 10:08

Ngày 29/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo hình thức biểu quyết điện tử với tỷ lệ tán thành cao.

Bảy điểm mới cơ bản của LUẬT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ- Ảnh 1.
Quốc hội thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo hình thức biểu quyết điện tử. 

Kết quả biểu quyết cho thấy, có 448/450 đại biểu biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 93,53% tổng số đại biểu Quốc hội). Như vậy, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc Lê Tấn Tới cho biết: Ngày 01/11/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. 

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. 

Các ý kiến của các vị ĐBQH đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng để giải trình, tiếp thu và đã được thể hiện đầy đủ, toàn diện trong dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Bảy điểm mới cơ bản của LUẬT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ- Ảnh 2.

Triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc Lê Tấn Tới cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, UBTVQH đã chỉ đạo quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW, chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về thực hiện các giải pháp đổi mới trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Bảo đảm các quy định rõ ràng, thực chất, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, không trùng lặp với nội dung đã được quy định trong các luật khác, không quy định chung chung, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, bám sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi.

Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực thực thi.

Triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy (đã cắt giảm được 27 thủ tục hành chính, từ 37 thủ tục hành chính hiện hành xuống còn 10 thủ tục hành chính), giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ mà giao Chính phủ, các Bộ quy định theo thẩm quyền để linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, tạo thuận lợi cho việc phân cấp phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

So với dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 thì dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua có 55 điều (giảm 04 điều do bỏ 02 điều quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nội dung quản lý nhà nước về Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; ghép nội dung 02 điều thành 01 điều (Điều 28); chuyển nội dung Điều 56 thành khoản 6 Điều 55)…

Bảy điểm mới cơ bản của LUẬT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ- Ảnh 3.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Điều 8): Có ý kiến đề nghị quy định rõ cơ sở chỉ cần phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cơ sở phải thành lập Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc Lê Tấn Tới, tại khoản 4 Điều 37 của dự thảo Luật đã giao “Chính phủ quy định cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành…”. 

Còn cơ sở không thuộc 02 danh mục nêu trên thì không bắt buộc thành lập Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành.

Trường hợp không thành lập Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thì phải phân công người thực hiện nhiệm vụ Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở đó.

Bảy điểm mới cơ bản của LUẬT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ- Ảnh 4.

Quy định bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy theo lộ trình 

Về phòng cháy đối với nhà ở (Điều 20): Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “thành phố trực thuộc trung ương” tại khoản 5 bằng từ “địa phương” hoặc từ “đô thị” để quy định nhà ở tại các khu vực này phải trang bị thiết bị truyền tin báo cháy.

Đối với nhà ở tại các khu vực đô thị có mật độ dân cư rất cao, chật chội, trong ngõ, hẻm sâu, không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định của pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, chủ yếu là ở các thành phố lớn (thành phố trực thuộc trung ương) và do lịch sử quy hoạch, xây dựng trước đây. 

Để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương hiện nay, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép quy định bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ quy định đối với các nhà ở thuộc các khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy tại 05 thành phố trực thuộc trung ương. 

Còn đối với nhà ở tại khu vực khác thì khuyến khích trang bị thiết bị truyền tin báo cháy, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy.

Bảy điểm mới cơ bản của LUẬT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ- Ảnh 5.

Có ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định về phòng cháy đối với nhà ở sau khi chuyển đổi công năng sang nhà dùng để kinh doanh như kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. 

Đối với nhà ở muốn chuyển đổi công năng như kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường phải thực hiện quy trình chuyển đổi công năng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng. 

Trường hợp nhà ở chuyển đổi công năng thành cơ sở (thuộc diện phải quản lý về phòng cháy, chữa cháy) thì phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy đối với cơ sở quy định tại Điều 23 của dự thảo Luật. 

Mặt khác, tại khoản 8 Điều 14 của dự thảo Luật đã quy định hành vi cấm chuyển đổi, bổ sung công năng sử dụng công trình, hạng mục công trình không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. 

Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định này vào Điều 20 của dự thảo Luật.

Bảy điểm mới cơ bản của LUẬT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ- Ảnh 6.

Công tác chữa cháy là một nội dung trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, được nhà nước bảo đảm ngân sách

Về nguồn tài chính và ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Điều 49 và Điều 50): Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, gia đình phải chịu một phần kinh phí về công tác chữa cháy khi lực lượng Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, gia đình của mình theo quy định của pháp luật và giao Chính phủ quy định mức phí cụ thể trong từng trường hợp.

UBTVQH cho biết, công tác chữa cháy là một nội dung trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, được nhà nước bảo đảm ngân sách thực hiện đối với các lực lượng theo quy định của pháp luật (khoản 3 và khoản 4 Điều 50 của dự thảo Luật). 

Khi xảy ra cháy, nổ thì cơ quan, tổ chức, gia đình đã phải chịu thiệt hại nhất định về người và tài sản, nếu bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, gia đình đó phải chịu một phần kinh phí khi lực lượng Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, gia đình của mình sẽ gia tăng khó khăn cho người dân sau khi đã bị thiệt hại về người, tài sản trong vụ cháy. 

Vì vậy, để phù hợp với quy định của pháp luật về an ninh, trật tự và thể hiện tính nhân văn trong quy định của pháp luật, UBTVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, gia đình chịu một phần kinh phí về công tác chữa cháy khi lực lượng Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, gia đình của mình.

Bảy điểm mới cơ bản của LUẬT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ- Ảnh 7.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “trong nhiệm vụ chi ngân sách quốc phòng, an ninh hằng năm của UBND các cấp phải có nội dung bảo đảm cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” cuối khoản 1 Điều 50.

UBTVQH xin báo cáo như sau: Quy định “trong nhiệm vụ chi ngân sách quốc phòng, an ninh hằng năm của UBND các cấp phải có nội dung bảo đảm cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” được kế thừa tại khoản 2 Điều 55 của Luật Phòng cháy và chữa cháy hiện hành, đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua, tạo thuận lợi cho công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, không phát sinh vướng mắc và không mâu thuẫn với Luật Ngân sách nhà nước. 

Vì vậy, để tiếp tục tạo thuận lợi công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục kế thừa quy định hiện hành và có chỉnh sửa lại cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi tại khoản 1 Điều 50 của dự thảo Luật. 

Bảy điểm mới cơ bản của LUẬT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ- Ảnh 8.

Những điểm mới cơ bản của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có những điểm mới cơ bản sau:

Một là, bổ sung điều kiện cơ bản bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh.

Hai là, bổ sung quy định cụ thể, đầy đủ hơn về trách nhiệm trong việc bảo đảm điều kiện an toàn khi sử dụng điện của các tổ chức, cá nhân đối với quản lý, kiểm tra việc lắp đặt, sử dụng điện an toàn tại cơ sở, hộ gia đình.

Ba là, bổ sung quy định về cứu nạn cứu hộ trong dự thảo luật, cụ thể, quy định 1 chương về phạm vi hoạt động cứu nạn cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức cứu nạn cứu hộ; quyền, trách nhiệm của người chỉ huy cứu nạn cứu hộ;

Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn cứu hộ; xây dựng, thực tập phương án cứu nạn cứu hộ của cơ quan công an; trách nhiệm cứu nạn cứu hộ; ưu tiên và bảo đảm quyền ưu tiên cho lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn cứu hộ.

Bốn là, bổ sung quy định cụ thể về bồi dưỡng, chế độ, chính sách trong thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (luật hiện hành chưa có quy định cho hoạt động cứu nạn cứu hộ).

Năm là, bổ sung quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

Sáu là, bổ sung quy định hoạt động khoa học công nghệ trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học công nghệ; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiểm tra phòng cháy chữa cháy.

Bảy là, bổ sung quy định xử lý chuyển tiếp đối với công trình xây dựng đã đưa vào sử dụng mà không đảm bảo quy định về phòng cháy và chữa cháy.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/bay-diem-moi-co-ban-cua-luat-phong-chay-chua-chay-va-cuu-nan-cuu-ho-119241129100847937.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/bay-diem-moi-co-ban-cua-luat-phong-chay-chua-chay-va-cuu-nan-cuu-ho-119241129100847937.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Bảy điểm mới cơ bản của LUẬT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO