Bởi vậy, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng nhiều hộ đồng bào M'nông ở xã Đắk Ngo (Tuy Đức) vẫn giữ gìn những bộ chiêng quý, xem như là "báu vật" mà tổ tiên để lại.
Qua thống kê, đồng bào M'nông ở xã Đắk Ngo hiện đang lưu giữ 15 bộ cồng chiêng |
Gia đình ông Điểu Khôn ở bon Phi Lơ Te hiện đang lưu giữ 2 bộ chiêng gồm 12 chiếc. Hai bộ chiêng này vẫn đang được sử dụng tốt, mỗi lần trong bon hay địa phương có tổ chức sự kiện gì quan trọng, ông đều mang ra cùng diễn tấu.
Theo ông Điểu Khôn, đối với người M’nông, chiêng là tài sản quý giá thể hiện sự giàu có của bon làng, cộng đồng. Nhà nào có được bộ chiêng là quý lắm, giàu lắm nên dù cực khổ đến mấy ông cũng không bán. Việc gìn giữ và đánh chiêng không chỉ là niềm đam mê, yêu thích mà còn là trách nhiệm với ông bà, dòng họ và dân tộc.
Trước đây, chỉ những gia đình giàu có mới sở hữu được những bộ chiêng đồng. Còn giờ đây, ông lưu giữ chiêng không phải để “khoe” mình giàu có mà đơn giản chỉ là để cho con cháu đời sau biết về những đồ vật của tổ tiên. Nhiều người đã đến đây trả giá rất cao cho 2 bộ chiêng này nhưng ông nhất quyết không bán.
Ông Điểu Khôn còn quan tâm đến việc truyền dạy cho con cháu cách đánh chiêng và tiếp tục giữ gìn, xem đó là tài sản, vốn quý lớn nhất mà dòng họ, gia đình để lại cho mai sau. Và như ông Điểu Khôn tâm sự, vốn quý không chỉ đơn thuần là những bộ chiêng mà cao hơn đó là tấm lòng, ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tương tự, gia đình anh Điểu Theo ở bon Điêng Đu hiện đang lưu giữ 1 bộ chiêng 6 chiếc mà tổ tiên để lại. Bộ chiêng này gắn bó với gia đình anh mấy chục năm qua và cũng đã có nhiều người đến hỏi mua với giá cao nhưng anh nhất quyết không bán. Trong nhà, anh dành riêng một góc để treo những chiếc chiêng và anh xem chúng như những “báu vật”.
Anh Điểu Theo cho biết: “Bộ chiêng này gắn liền với tuổi thơ của tôi cho đến bây giờ. Trước đây, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cả gia đình phải đi lánh nạn, nhưng ông nội và cha tôi vẫn mang bộ chiêng này theo. Cuộc sống còn nghèo, nhưng cả gia đình rất tự hào vì còn giữ bộ chiêng”.
Gìn giữ cồng chiêng ở xã Đắk Ngo đã đóng góp vào sự thành công trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh (ảnh chụp trước 27/4) |
Qua tìm hiểu, hiện tại rất nhiều gia đình ở xã Đắk Ngo còn lưu giữ nhiều bộ chiêng. Theo tâm sự của bà con thì ngày nay, việc làm được một bộ chiêng bằng đồng rất khó, nhất là không thể tạo được những âm thanh như ở các bộ chiêng cổ.
Do đó, người dân luôn trân trọng giữ gìn và lưu truyền qua các thế hệ. Mỗi khi địa phương có tổ chức lễ hội gì hay những ngày lễ của bon làng, tiếng chiêng lại ngân vang, thúc giục người dân đến tham gia, cầu cho bon làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Theo UBND xã Đắk Ngo, đồng bào M’nông trên địa bàn xã hiện còn lưu giữ 15 bộ chiêng và đều đang sử dụng tốt. Ý thức gìn giữ chiêng của bà con rất đáng trân trọng và đã đóng góp vào sự thành công trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn.
Bà con tâm niệm, thế hệ đi trước rồi cũng sẽ lần lượt về với tổ tiên, ông bà, cái quan trọng là thế hệ sau cần phải biết dòng họ, cha ông, dân tộc mình đã từng có một di sản văn hóa tinh thần hết sức đa dạng, phong phú, được đúc kết, hình thành qua bao nhiêu thế hệ, thậm chí còn phải đánh đổi bằng xương máu mới gìn giữ được cho muôn đời sau.