Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan - ứng cử viên của Liên minh Quần chúng. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lần đầu tiên trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, nước này đã buộc phải tổ chức bầu cử Tổng thống vòng 2, dự kiến vào ngày 28/5, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan - ứng cử viên của Liên minh Quần chúng,” và Kemal Kilicdaroglu - ứng cử viên của Liên minh Quốc gia.
Theo kết quả bầu cử chính thức được công bố, trong cuộc bỏ phiếu ngày 14/5, gần 90% tổng số cử tri trong nước và khoảng 53% cử tri ở ngoài nước đã đi bỏ phiếu.
Ông Erdogan đã giành được 49,54% số phiếu bầu, trong khi đối thủ của ông là Kilicdaroglu giành được 44,85% và ứng cử viên đứng thứ ba là Sinan Ogan giành được 5,17%.
Kết quả này đã khiến giới phân tích bất ngờ vì trước đó, tất cả các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử đều cho thấy Tổng thống đương nhiệm Erdogan đứng sau và thậm chí đối thủ chính của ông còn có khả năng đắc cử ngay trong vòng 1.
Kết quả bầu cử tổng thống vòng một cho thấy sự chia rẽ nghiêm trọng về chính trị và lãnh thổ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hai quá trình hiện đại hóa tại Thổ Nhĩ Kỳ, cụ thể là "hiện đại hóa công nghiệp, tập trung vào các mô hình phương Tây và hội nhập với châu Âu; và hiện đại hóa xã hội Hồi giáo với các yếu tố định dạng lại nền kinh tế và quan hệ kinh tế đối ngoại, tập trung vào việc hình thành chế độ nhà nước dựa trên các giá trị quốc gia" đều còn dang dở.
Định hướng thân phương Tây không còn mang lại lợi ích chính trị rõ ràng cho phe đối lập, ngay cả ở những khu vực đô thị lớn nhất, với tầng lớp trung lưu chiếm ưu thế. Kết quả bầu cử cũng cho thấy mâu thuẫn gay gắt giữa địa chính trị và kinh tế.
Tổng thống Erdogan nghiêng về vai trò địa chính trị lớn, nhưng cử tri lại chú ý hơn đến những khó khăn hằng ngày và các vấn đề thiết thực như giá cả, trong bối cảnh nhà lãnh đạo này thiếu đồng minh, trở thành mục tiêu duy nhất của phe đối lập, sau khi loại bỏ các nhân vật chính trị độc lập.
Ông Kemal Kilicdaroglu - ứng cử viên của Liên minh Quốc gia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mặc dù được đánh giá là gay cấn và đầy kịch tính, song cán cân trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 đang có những dấu hiệu nghiêng về Tổng thống Erdogan. Giới phân tích nhận định có hai yếu tố chính có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử vòng 2.
Thứ nhất là những lá phiếu của các cử tri ủng hộ ứng cử viên về thứ ba trong vòng đầu tiên sẽ góp phần quyết định tương lai chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 22/5, ông Ogan đã chính thức tuyên bố sẽ ủng hộ Tổng thống Erdogan trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 và kêu gọi những cử tri đã bỏ phiếu cho mình trong vòng đầu tiên bỏ phiếu cho ông Erdogan trong vòng 2.
Giới chuyên gia đánh giá rằng khối dân tộc chủ nghĩa của ông Sinan Ogan có những quan điểm tương đồng với Liên minh Quần chúng của Tổng thống Erdogan hơn so với Liên minh Quốc gia của đối thủ Kemal - người đã không nhận được sự ủng hộ của họ ngay từ đầu.
Khi đưa ra tuyên bố quan trọng trên, ông Ogan cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang ở "thời điểm quan trọng”và đưa ra bốn ưu tiên mà nước này cần giải quyết một cách khẩn cấp: gồm vấn đề người tị nạn và người di cư ở Thổ Nhĩ Kỳ, "mối đe dọa an ninh quốc gia khẩn cấp” sau các trận động đất gần đây, các vấn đề kinh tế và cuộc chiến chống khủng bố.
Thứ hai là việc Liên minh Quần chúng của Tổng thống Erdogan đã giành được đa số ghế trong Quốc hội. Kết quả trên sẽ thúc đẩy những cử tri còn do dự, chưa quyết định lựa chọn ở vòng đầu chuyển sang ủng hộ ông Ergogan nhằm tránh sự bất ổn chính trị trong nước.
Họ cho rằng đất nước đang ổn định, việc ông Kemal thắng cử sẽ làm xáo trộn tình hình, đất nước sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề, trước tiên là cách chuyển đổi từ chế độ tổng thống sang chế độ nghị viện mà Liên minh Quốc gia của ông Kemal nêu ra trong chiến dịch vận động tranh cử.
Tuy nhiên, việc ông Erdogan có nhiều khả năng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vòng 2 không có nghĩa là ông Kilicdaroglu không còn cơ hội lội ngược dòng. Theo Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, để đắc cử tổng thống, ứng cử viên phải giành được ít nhất 50% số phiếu + 1 phiếu.
Phe đối lập đang tập trung xoáy vào những điểm yếu của ông Erdogan, đặc biệt là trong vấn đề người tị nạn và việc giải quyết các khó khăn kinh tế hiện nay. Ông Kilicdaroglu cam kết nếu thắng cử sẽ gửi tất cả những người tị nạn nước ngoài về nước của họ, đồng thời nói rằng, nếu Tổng thống đương nhiệm Erdogan tái đắc cử, 10 triệu người nước ngoài tị nạn khác sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, hiện có 3,9 triệu người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, gồm những người từ Syria, Afghanistan và Pakistan, trong khi ông Kilicdaroglu lại cho rằng, con số này lên tới 10 triệu người.
Cử tri Thổ Nhĩ Kỳ coi người nhập cư là một trong các vấn đề chính của cuộc bầu cử hiện nay. Các kết quả thăm dò mới nhất cho thấy hơn 85% số người được hỏi muốn những người tị nạn rời đi.
Mặc dù ứng cử viên đối lập Kilicdaroglu đã khiến Tổng thống Erdogan lần đầu tiên phải tham gia cuộc bỏ phiếu vòng 2, nhưng Tổng thống đương nhiệm hiện trong thế thượng phong và tin tưởng vào một chiến thắng với "cách biệt lớn."
Nhà lãnh đạo này cho rằng chỉ có ông mới có thể đảm bảo được sự ổn định trong nước vào thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến đời sống của người dân, lạm phát cao cũng như hậu quả của trận động đất kinh hoàng xảy ra hồi tháng Hai vừa qua.
Cử tri bỏ phiếu sớm bầu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vòng 2 tại điểm bầu cử ở Essen (Đức) ngày 23/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cả hai điểm yếu của Tổng thống Erdogan trước cuộc bầu cử ngày 14/5, là thảm họa động đất (đã khiến hơn 50.000 người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người bị thương, gần 2 triệu người mất nhà mất cửa trong tổng số 14 triệu người bị ảnh hưởng) và khó khăn về kinh tế, với mức lạm phát lên đến khoảng 44% vào tháng 4/2023 đều không khiến ông bị mất nhiều phiếu.
Trong vòng một, Tổng thống Erdogan đã dẫn đầu tại 9 thành phố, trong khi đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của ông đứng đầu trong cuộc bầu cử quốc hội tại 10/11 thành phố bị động đất tàn phá.
Trong khi các cử tri đánh giá rằng chính sách kinh tế của ông Erdogan là một thất bại, nhưng họ cũng không tin tưởng ông Kiliçdaroglu là một lãnh đạo có khả năng giải quyết vấn đề.
Theo một số nhà phân tích, một trong những yếu tố giúp ông Erdogan thành công là sự yếu kém của đối thủ Kiliçdaroglu, người vừa là gốc Kurdistan, vừa theo một dòng Hồi giáo thiểu số tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong lúc ông Erdogan thuộc dòng Sunni chiếm đa số.
Xu hướng dân tộc chủ nghĩa đang mạnh lên cũng góp phần hỗ trợ cho vị tổng thống sắp mãn nhiệm, có thể giúp ông có thể giành được thêm một nhiệm kỳ tổng thống mới, dù đã nắm quyền trong hai thập niên./.