Theo kết quả sơ bộ công bố ngày 9/6, các đảng trong chính phủ liên minh hiện tại của Đức đã phải đối mặt với thất bại nghiêm trọng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) năm 2024, trong đó, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz ghi nhận kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử các cuộc bầu cử toàn quốc.
Cụ thể, SPD chỉ giành được 13,9% tổng số phiếu bầu, xếp thứ 3 sau đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD).
Đảng Xanh, cũng là thành viên của chính phủ liên bang, cũng hứng chịu cú đòn nặng nề khi chỉ có được 11,9% phiếu bầu, giảm mạnh so với kỷ lục 20,5% sự ủng hộ trong kỳ bầu cử EP năm 2019.
AfD, vốn nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn trong những cuộc thăm dò dư luận kể từ năm ngoái, đứng thứ 2 với 15,9%.
Tâm lý bất mãn của cử tri đối với chính phủ liên minh hiện tại là nguyên nhân chính dẫn đến sự trỗi dậy của AfD.
Đáng chú ý, các đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) giành được 30,2% tổng số phiếu bầu. Đây được coi là kết quả thành công đáng ghi nhận so với cuộc bầu cử liên bang năm 2021.
Kết quả này của CDU/CSU được coi là động lực cho đương kim Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen có cơ hội tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 2.
Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) tại Đức diễn ra trong bầu không khí ảm đạm. Mặc dù đây là năm đầu tiên, Đức giảm độ tuổi bầu cử từ 18 xuống 16, song số người tham gia bỏ phiếu tại các điểm bầu khá vắng vẻ.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, điểm nổi bật nhất là trong số 66 triệu công dân Đức đủ điều kiện bỏ phiếu bầu EP năm nay, có tới gần 5 triệu người lần đầu tiên đi bầu cử. Đây là lực lượng cử tri trẻ đủ điều kiện đi bầu sau khi Đức thay đổi độ tuổi bầu cử, cho phép người đủ 16 tuổi được quyền đi bỏ phiếu.
Các nhà quan sát cho rằng số cử tri đi bỏ phiếu không cao một phần là do nhiều người chọn bỏ phiếu qua thư. Cách thức bỏ phiếu này nhận được sự ủng hộ của cử tri trẻ do vừa thuận tiện vừa có thêm thời gian để tìm hiểu về các ứng cử viên trước khi bỏ phiếu.
Phát biểu với tổ hợp truyền thông DW, người phát ngôn của đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD) của Đức tại EP Delara Burkhardt cho biết: “Bỏ phiếu từ 16 tuổi là một bước quan trọng để bù đắp cho những bất lợi về nhân khẩu học và nâng cao giá trị tiếng nói của giới trẻ ở cấp độ chính trị.”
Bà khẳng định: “Xã hội của chúng ta ngày càng già đi và quan điểm của giới trẻ đáng được quan tâm.”
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Berlin, anh Kevin Graf, một cử tri trẻ tuổi cho biết: “Cuộc bầu cử lần này quan trọng cho nền dân chủ và cho mọi công dân của EU.”
Anh nói: “Tôi đã đi bầu cử từ sớm và quan sát thấy đảng Xanh nhận được nhiều sự ủng hộ của giới trẻ nhưng đảng cực hữu AfD cũng tìm được cách tiếp cận tới giới trẻ qua mạng xã hội như TikTok.”
Chị Sandra Jurisch, cử tri lần đầu tiên tham gia bỏ phiếu, bày tỏ: “Tôi muốn với lá phiếu của mình có thể ngăn chặn Nghị viện châu Âu bị phe cánh hữu kiểm soát. Tôi bỏ phiếu qua đường bưu điện vì tôi bận vào ngày bầu cử. Tôi bỏ phiếu cho đảng có ý thức xây dựng EU và có chính sách bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ khí hậu, vì tôi còn trẻ tôi muốn có một tương lai với Trái đất này.”
Trong cuộc bầu cử EP lần thứ 10, 34 chính đảng ở Đức, trong đó có 9 đảng mới tham gia lần đầu, tham gia cạnh tranh tổng cộng 96 ghế trong EP, nhiều nhất trong số các quốc gia thành viên EU.
Sự nổi lên của AfD đã khiến dư luận Đức lo ngại. Hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình tại các thành phố lớn như Berlin, Stuttgart, Leipzig, Dresden, Munich và Frankfurt để phản đối đảng cực hữu này./.