Công an tỉnh Đắk Nông bắt giữ một nhóm đối tượng vừa tốt nghiệp THPT, tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm người bằng thủ đoạn “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” trên mạng xã hội.
Ngày 1/8/2024, Cơ quan Cảnh sát Công an thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị đã ra quyết định tạm giữ hình sự 6 đối tượng là: Nguyễn Tấn Tr (sinh năm 2005); Phùng Tuấn D; Hoàng Văn T; Nguyễn Ngô Thanh T; Nguyễn Quý H. và Trần Khắc L. (cùng sinh năm 2006), trú tại thành phố Gia Nghĩa để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra ban đầu, nhóm đối tượng này theo dõi các phiên live trực tiếp của các trang Facebook có nội dung lừa đảo rồi tìm cách liên hệ với người bị hại và nhắn tin cho những người này thông báo họ đã bị lừa.
Đánh vào tâm lý nạn nhân mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng thông báo với nạn nhân mình cũng từng bị lừa như vậy nhưng đã nhờ người lấy lại được tiền, nếu người bị hại đồng ý sẽ hướng dẫn cách lấy lại số tiền đã bị mất.
Bằng thủ đoạn trên, nhiều bị hại tiếp tục bị mất tiền khi làm theo các bước hướng dẫn của nhóm đối tượng trên. Sau đó chúng chặn mọi liên lạc và xóa các tài khoản mạng xã hội, tạo các tài khoản mới để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người khác. Số tiền kiếm được các đối tượng sử dụng vào việc ăn chơi, du lịch...
Các đối tượng bị bắt giữ. |
Bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Gia Nghĩa xác định, với thủ đoạn trên, từ tháng 3/2024 đến ngày 25/7/2024 các đối tượng đã lừa đảo và chiếm đoạt số tiền trên 721 triệu đồng của 135 bị hại trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Quá trình điều tra, lực lượng Công an đã thu giữ 13 điện thoại di động các loại cùng nhiều tang vật, tài liệu liên quan.
Qua vụ việc trên, cơ quan Công an tiếp tục khuyến cáo: Người dân tuyệt đối không nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”... trên không gian mạng. Không chuyển tiền cho các đối tượng để được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ.
Hiện nay, Bộ Công an và các đơn vị liên quan cũng không phối hợp, ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội. Người dân cần trực tiếp đến các cơ quan Công an nơi gần nhất để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu chính về các vụ việc lừa đảo mà mình là nạn nhân để được tiếp nhận, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.