Y tế - Sức khỏe

Bắt buộc tiêm phòng sởi, không chủ quan

Ngô Đồng 10/09/2024 05:32

Mới đây, TP. Hồ Chí Minh đã công bố dịch bệnh truyền nhiễm, dịch sởi quy mô toàn thành phố. Tại Đắk Nông, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 20 ca mắc bệnh sởi, do đó tuyệt đối không thể chủ quan với bệnh sởi.

Dịch sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Bệnh sởi có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí có thể tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Dịch sởi lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người…

CSSKSS 17
Chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ đúng cách để nâng cao thể trạng, phòng chống bệnh tật

Theo bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông, tiêm vắc xin là biện pháp phòng sởi tốt nhất, bởi đây là một trong những vắc xin có hiệu lực cao nhất, khoảng 95%. Bệnh sởi là một trong những bệnh được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Tất cả mọi người được tiêm miễn phí. Đồng thời, theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm thì bắt buộc mọi người phải đi tiêm chủng vắc xin sởi để bảo đảm miễn dịch cộng đồng. Do vậy, các bậc cha mẹ cần lưu ý tiêm phòng sởi đầy đủ theo đúng khuyến cáo của Chương trình tiêm chủng dành cho các bà mẹ mang thai cũng như cho trẻ em.

Trẻ em dưới 1 tuổi cần phải tiêm đủ vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng
Trẻ em dưới 1 tuổi cần phải tiêm đủ vắc xin sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng

Khi đã được tiêm vắc xin thành công, có miễn dịch với sởi, trẻ sẽ được bảo vệ không bị mắc và không mang vi rút sởi để lây truyền cho người khác. Những trẻ sau khi đã bị mắc sởi thì cơ thể sẽ tạo được miễn dịch bảo vệ phòng bệnh sởi bền vững suốt đời. Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc xin, phải cần từ 2 đến 3 tuần để cơ thể tạo kháng thể bảo vệ. Một số dấu hiệu như sốt nhẹ, nổi ít mẩn ở mặt và cổ sau đó tự hết… sau khi tiêm phòng sởi có thể coi là dấu hiệu của vi rút vắc xin đã phát huy tác dụng. Sau đó, trẻ sẽ có miễn dịch với sởi.

Tuy nhiên, hiện nay tại một số địa phương dịch sởi đang bùng phát mạnh, do đó, bác sĩ CKI Vũ Thị Nhịn, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông khuyến cáo, cách tốt nhất khi trẻ có biểu hiện như sốt, ho hoặc có dấu hiệu bất thường khác, cha mẹ nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ khám, tư vấn đầy đủ.

Khi trẻ được chẩn đoán là bị mắc sởi, phụ huynh không nên đến chỗ tập trung quá đông bệnh nhân để tránh lây bệnh. Phụ huynh xin ý kiến bác sĩ để được tư vấn, hướng dẫn đầy đủ về cách chăm sóc trẻ tại nhà.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần chú ý, khi trẻ sốt, cần dùng thuốc hạ nhiệt và nên dùng thuốc đặt hậu môn vì loại thuốc này tan dần trong 6 tiếng giúp duy trì nhiệt độ luôn luôn dưới 38,5 độ, phòng nguy cơ co giật cho trẻ. Trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ răng miệng, mắt, mũi, da. Phụ huynh có thể tắm cho trẻ bằng nước ấm và xà phòng, nhưng nên tắm nhanh ở nơi kín gió. Phụ huynh chú ý bảo đảm chế độ ăn uống đầy đủ cho trẻ trong và sau khi khỏi bệnh.

Mặt khác, khi trẻ có dấu hiệu bị bệnh cần nghỉ học, không cho tiếp xúc với các trẻ khác. Phụ huynh nên đưa trẻ đến y tế cơ sở để được khám và hướng dẫn, tránh việc chuyển thẳng lên các bệnh viện tuyến trên gây quá tải và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Bắt buộc tiêm phòng sởi, không chủ quan
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO