Đời sống

Bấp bênh lao động tự do

Mỹ Hằng 22/05/2024 06:19

Lao động tự do (LĐTD) đang chiếm tỷ lệ khá lớn tại Đắk Nông. Đây cũng là lực lượng gặp nhiều khó khăn do công việc bấp bênh, thu nhập thấp, không ổn định.

Chưa đến 7 giờ sáng, vợ chồng chị Trịnh Thị Hà, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa đã có mặt tại một công trình xây dựng tư nhân để chuẩn bị công việc cho một ngày mới. Công việc chính của anh, chị là thợ xây, phụ hồ, với ngày công 300.000- 500.000 đồng/người/ngày. Trong suốt quá trình làm việc hiếm khi thấy vợ chồng anh, chị đeo găng tay hay đội mũ bảo hộ lao động.

hinh1-1-(1).jpg
Người lao động tự do chưa ý thức về an toàn, vệ sinh lao động

Chị Hà cho biết: “Nhà không có rẫy nên hai vợ chồng đi phụ hồ được 15 năm nay. Làm phụ hồ là công việc nặng nhưng được cái là công lao động cao. Không đội mũ bảo hộ và khẩu trang cũng thành thói quen. Biết sẽ không an toàn và có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng quen rồi, cẩn thận tí là được. Nói vậy nhưng không phải lúc nào cũng an toàn, có lúc gặp tai nạn”.

Anh K'Xíu ở thôn 2, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong hàng ngày vượt mấy chục km ra tận TP. Gia Nghĩa để làm việc ở một đại lý bán vật liệu xây dựng, với mức lương mỗi ngày được 200.000 đồng.

Anh K'Xíu cho biết: “Nhà không có rẫy nên ai thuê gì làm nấy. Vì làm thời vụ nên tôi cũng không chú trọng đến trang bị bảo hộ lao động, có thì mang, không thì thôi. Điều mà tôi quan tâm là cuối ngày có tiền công về nuôi vợ con là được. Còn chuyện tai nạn khi đang làm việc thì hên xui thôi, có muốn cũng chẳng tránh được nên chúng tôi cố gắng cẩn thận hết sức có thể”.

hinh1-5-(1).jpg
Lao động tự do không có hợp đồng lao động hay ràng buộc gì với người sử dụng lao động

Qua tìm hiểu, hiện nay, lực lượng LĐTD đang chiếm tỷ lệ khá lớn trên thị trường lao động ở Đắk Nông và được xem là nguồn lực quan trọng trong nền kinh tế. Hầu hết LĐTD không có quan hệ lao động (không có hợp đồng lao động, không được chủ sử dụng lao động đóng BHXH, BHYT…).

Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua hiện mới chỉ chú trọng đến lực lượng lao động ở khu vực chính thức, chưa có những quy định bảo vệ quyền lợi cho LĐTD. Nên khi không may xảy ra tai nạn lao động hoặc những rủi ro đáng tiếc thì các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, tổ chức công đoàn khó có thể đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

hinh1-4-(1).jpg
Dù nhiều rủi ro luôn rình rập nhưng lao động tự do vẫn chưa chú ý bảo đảm vệ sinh an toàn lao động

Mặt khác, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm cho đối tượng này bằng việc thực hiện chính sách BHXH tự nguyện và BHYT toàn dân để mọi người lao động đều được chăm sóc sức khỏe, được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất khi về già. Nhưng do mức đóng vẫn còn cao so với thu nhập của nhiều lao động; thời gian đóng lại kéo dài; nhận thức của người lao động chưa đầy đủ nên nhiều người vẫn chưa tham gia 2 chế độ, chính sách mang tính nhân văn này.

Anh Nguyễn Văn Doanh, một LĐTD chia sẻ: “Cũng muốn mua thêm bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng ngặt nỗi phải chi nhiều việc quá nên chỉ biết cẩn thận hơn mà thôi”.

Vì vậy để bảo vệ quyền lợi của mình, thiết nghĩ bản thân người lao động phải nâng cao kiến thức về pháp luật lao động; yêu cầu chủ sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động khi tham gia quan hệ lao động, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm tai nạn lao động… chứ không phải luôn trong tình trạng “may nhờ, rủi chịu” như thực tế đang diễn ra.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tăng cường vận động chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp quan tâm đến người lao động để động viên họ gắn bó với doanh nghiệp, tích cực lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Bấp bênh lao động tự do
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO