Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Trách nhiệm và bản lĩnh nhà báo
Trong bối cảnh công nghệ phát triển, làm gì để bảo vệ trẻ em trước những tác động tiêu cực của không gian mạng là vấn đề của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông.
(Ảnh: UNICEF) |
Sự phát triển bùng nổ của công nghệ mang lại cho trẻ em cơ hội tiếp cận nhiều hơn với internet. Thạc sĩ Phan Thị Kim Liên, Quản lý Chương trình Bảo vệ trẻ em của Tổ chức Word Vision-Vietnam (WVV) cho biết, theo báo cáo "Ngăn chặn hành vi gây tổn hại" của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) năm 2022, ở Việt Nam có 89% số trẻ em độ tuổi 12 đến 17 được khảo sát cho biết có sử dụng internet, số trẻ sử dụng internet hằng ngày chiếm 87%, tỷ lệ tăng dần theo lứa tuổi, đến 16-17 tuổi là 97%; có 20% số trẻ được khảo sát cho biết đã dùng internet trước 9 tuổi.
Theo WVV, chỉ 15,6% số trẻ em, 28,7% số cha mẹ có kiến thức về nguy cơ trên mạng và chỉ có 8,6% biết về xâm hại tình dục qua mạng. Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) đưa ra con số có 40% trẻ em cảm thấy không an toàn, hơn 70% đã từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng internet.
Theo WVV, chỉ 15,6% số trẻ em, 28,7% số cha mẹ có kiến thức về nguy cơ trên mạng và chỉ có 8,6% biết về xâm hại tình dục qua mạng. Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) đưa ra con số có 40% trẻ em cảm thấy không an toàn, hơn 70% đã từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng internet.
Theo VCSC, đã có 1% (xấp xỉ 94.000) số người dùng internet độ tuổi 12-17 ở Việt Nam là nạn nhân của bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng. 5 tháng đầu năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận có 45 vụ xâm hại trẻ em với 46 nạn nhân. Trong đó, bốn nạn nhân là nam, 42 nạn nhân là nữ và có tới 40 vụ thuộc nhóm các hành vi liên quan đến xâm hại tình dục.
Một vấn đề nghiêm trọng nữa là ảnh hưởng của các trò chơi bạo lực trên mạng với trẻ. Việc tiếp xúc với những trò chơi đầy rẫy cảnh đâm chém, đánh nhau một cách lạnh lùng khi trẻ còn nhỏ, chưa có đủ nhận thức đúng sai làm tăng khả năng bắt chước, ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ và gây ra những hành vi sai trái.
Ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025".
Quyết đinh số 830 là sự cụ thể hóa quá trình thực hiện Nghị quyết số 121 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình cấp quốc gia riêng về bảo vệ trẻ em trên mạng.
Chương trình có mục tiêu bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức.
Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn, có ý thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình truyền thông đến toàn xã hội, tập trung vào các đối tượng là cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ. Thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em; bảo đảm các điều kiện cần thiết để trẻ em được tham gia an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để trẻ phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ môi trường mạng. Hình thành và phổ cập hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng. Hiệp hội An toàn thông tin đã quyết định Thành lập Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) vào tháng 8/2023, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu nêu trên.
Là một trong những lực lượng trụ cột trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, truyền thông, báo chí đã có nhiều cố gắng thực hiện chức năng, nhiệm vụ góp phần phanh phui, đưa ra pháp luật nhiều vụ xâm hại trẻ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bài báo, cơ quan báo chí đã vô tình hay cố ý vi phạm Luật Trẻ em, vi phạm Nghị định số 156 của Chính phủ khi đưa tin quá chi tiết, thông tin bí mật đời tư của nạn nhân nhỏ tuổi với ngôn từ, hình ảnh thiếu chọn lọc để tăng lượt độc giả.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải thốt lên, như vậy, không khác gì các em bị xâm hại một lần nữa đau đớn hơn, thậm chí là chặn luôn tương lai sau này của các em.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Ðiều 15 của Thông tư này quy định: Báo in, báo hình, báo điện tử phải làm mờ hoặc che mặt trẻ em và bảo đảm bí mật cá nhân của trẻ em khi thông tin về những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan.
Nhà báo-nhà văn Lê Tấn Hiển, tác giả của nhiều tác phẩm báo chí và văn học về đề tài trẻ em cho rằng, mặc dù tính chính xác, trung thực là yêu cầu hàng đầu của báo chí, nhưng khi khai thác đề tài về trẻ em, nhà báo phải thật sự có tâm, có bản lĩnh nghề nghiệp khi giải quyết mối quan hệ giữa tính chân thực của tác phẩm báo chí với trách nhiệm xã hội, phải đặt lợi ích của các em lên trên hết. Đã có trường hợp cả gia đình trẻ em phải chuyển chỗ ở trong nỗi uất ức, tủi hổ vì bị tiết lộ thông tin đời tư trên báo chí.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thúy Hằng, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) bày tỏ, các em là đối tượng dễ bị tổn thương do còn non nớt, nhà báo cần phải tôn trọng nhân phẩm và quyền của trẻ khi tác nghiệp.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhà báo cần có kiến thức và hiểu biết về quyền trẻ em theo quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, về hệ thống luật pháp Việt Nam, đặc biệt là Luật Trẻ em và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đã được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành.
Bà Phan Thị Kim Liên của Tổ chức WVV cho rằng, báo chí cần đóng vai trò định hướng thông tin, điều chỉnh các thông tin sai, lệch chuẩn; lên án các hành vi xâm hại, tác động tiêu cực đến trẻ em; có trách nhiệm trong việc lựa chọn thông tin tích cực, lành mạnh, hỗ trợ phát triển nhân cách trẻ giúp các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng.