Thành tựu kinh tế song hành phát triển quyền con người ở Việt Nam: Dấu ấn tự hào sau gần 40 nămViệt Nam nhất quán tôn trọng quyền con người, tự do tín ngưỡng tôn giáo |
Việt Nam luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể và động lực của quá trình phát triển; nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không ai bị bỏ lại phía sau.
Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc tại huyện Tiên Yên, Quảng Ninh. Đây là một trong những huyện miền núi có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội đang ngày càng được nâng cao, giảm tỷ lệ hộ nghèo. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN) |
Trong suốt gần 80 năm qua, dù trong hoàn cảnh nào, trong thời kỳ chiến tranh đến khi đất nước hòa bình, tập trung phát triển đất nước, Việt Nam luôn tôn trọng và thúc đẩy việc bảo vệ quyền con người và đã đạt được những tiến bộ rất quan trọng trong lĩnh vực này.
Ngay từ ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người đã được khẳng định không thể tách rời quyền của dân tộc "Tất cả các dân tộc trên thế giới, đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".
Từ đó đến nay, quan điểm con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… đã được thể hiện xuyên suốt trong các cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trong gần 4 thập kỷ tiến hành Đổi mới, với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, Việt Nam đã đạt được những thành tựu không ai có thể phủ nhận trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Điều này đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan.
Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 4/12 vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết có 4 quan điểm được Đảng tiếp cận đầy đủ, toàn diện, hệ thống, trong đó, khẳng định vị trí, vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong đó, về phương thức để phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết, trong Nghị quyết số 43-NQ/TW nêu rõ “đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Giải quyết tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao cuộc sống của Nhân dân; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, các giai tầng xã hội và của mỗi người dân trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển.”
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Liên khu dân cư xã Suối Trai, huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Cũng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, “Đại đoàn kết dân tộc là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước; là đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới.”
Những nỗ lực và thành tựu không thể phủ nhận
Việt Nam luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể và động lực của quá trình phát triển; luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Điều này đã được thể hiện qua những thành tựu to lớn của công cuộc Đổi mới trong phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế, nâng cao mọi mặt đời sống người dân, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam luôn bảo đảm sự tham gia, đóng góp của người dân, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác phát triển và các bên liên quan trong quá trình này.
Quyền làm chủ của Nhân dân được coi trọng, ngày càng đi vào thực chất, nhất là dân chủ trực tiếp, dân chủ cơ sở, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Vai trò của Nhân dân trong tham gia, quyết định chính sách liên quan đến cuộc sống, những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước được phát huy; quyền con người, quyền công dân được đề cao. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chú trọng tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị, bức xúc của Nhân dân.
Trao nhà Đại đoàn kết cho hộ dân tộc Khmer nghèo tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, Kiên Giang. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN) |
Về an sinh xã hội, Chính phủ Việt Nam luôn đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội; mở rộng diện đối tượng hưởng trợ cấp xã hội; các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội được tiếp tục thực hiện hiệu quả, nhất là chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Hằng năm, Chính phủ đã hỗ trợ hàng chục vạn tấn gạo cho các địa phương để kịp thời hỗ trợ cho người nghèo và người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt và huy động hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Năm 2021, Chính phủ đã xuất cấp 143.840 tấn gạo dữ trự quốc gia hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở 33 địa phương. Giai đoạn 2017-2022, hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội, nhà xã hội đã mở rộng quy mô cung cấp dịch vụ. Đến năm 2022, cả nước đã thành lập được 425 cơ sở trợ giúp xã hội (195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập) nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội của đối tượng cần trợ giúp xã hội.
Nhà nước luôn thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương; chú trọng phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 36,8%, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 30%); quan tâm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân (kết nối liên thông nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến đến 1.591 cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh).
Chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi; 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng; 86% tỷ lệ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; 86% tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời. |
Chính phủ cũng đang thúc đẩy việc ký kết các hiệp định hợp tác song phương về bảo hiểm xã hội để tăng cường an sinh xã hội cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Nhà nước ban hành các chính sách về việc làm và phát triển thị trường lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, góp phần tích cực vào việc hình thành thể chế kinh tế thị trường, tận dụng lợi thế để phát triển, tiến kịp khu vực và thế giới.
Hệ thống chính sách tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh được tiếp tục hoàn thiện theo cơ chế thị trường; bảo đảm nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp; tiền lương tối thiểu vùng được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, khả năng chi trả của doanh nghiệp và bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động; tiền lương bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương tăng trên 9%/năm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người lao động.
Đông đảo Phật tử tham dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 (Dương lịch 2023) tại Việt Nam Quốc Tự, TP.HCM. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN) |
Về tự do tôn giáo, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đảm bảo người dân được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Điều 24 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các tổ chức, cá nhân tôn giáo. Nhà nước Việt Nam bảo đảm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo; được in ấn, phát hành kinh sách và xuất bản phẩm khác về tôn giáo.
Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cho phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng phù hợp với nội quy; tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài tại Việt Nam, tham gia hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài.
Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028, ngày 12/7/2023, tại huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. |
Những năm qua, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội hóa về y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo; đồng thời được tạo điều kiện mở rộng hoạt động quốc tế.
Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền được thông tin cho mọi người dân cũng là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Các quyền này đã được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật; được đảm bảo ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng.
Báo chí là diễn đàn ngôn luận của các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân; là công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích chung của xã hội và các quyền tự do dân chủ của nhân dân; kiểm tra, giám sát việc thực thi luật pháp, chính sách của Nhà nước, đặc biệt về quyền con người. Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, bày tỏ chính kiến, đóng góp ý kiến về mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Về bình đẳng giữa các dân tộc, Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng vai trò của việc phát huy ý chí, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở Việt Nam không có “người bản địa” theo cách hiểu của một số văn kiện quốc tế. Xuyên suốt lịch sử, các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam đã đoàn kết cùng nhau xây dựng và bảo vệ và phát triển đất nước. Điều 5, điều 6 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ, các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được đảm bảo bằng Hiến pháp và pháp luật.
Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia vào bộ máy chính trị ngày càng tăng. Số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số luôn chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ dân số trong ba nhiệm kỳ Quốc hội gần đây (tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm 15,3 (khoá XIII), 17,3% (khoá XIV) và 17,84% (khoá XV) trên tổng số đại biểu Quốc hội. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021- 2026 là 17,09%, cấp huyện là 18,23%, cấp xã là 20,55%. |
Người dân tộc thiểu số được tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo hành lang quy chế dân chủ, nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, trong đó nhiều cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ cương vị chủ chốt như Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Tăng cường cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ và nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế, thị trường lao động nhằm cải thiện việc làm và địa vị kinh tế của họ.
Khám sức khỏe cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN) |
Chương trình chính sách xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam được thực hiện hiệu quả góp phần cải thiện rõ rệt tình hình kinh tế -xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 1,2 triệu hộ (chiếm 36,9% tổng số hộ đang sống trong các xã vùng dân tộc thiểu số) được hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật từ các chương trình chính sách, dự án của Nhà nước hoặc các đơn vị tổ chức cá nhân ngoài nhà nước. Các hộ dân tộc thiểu số được tiếp cận vay vốn tín dụng chính sách xã hội để phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản lý, sản xuất kinh doanh từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo động lực để thoát nghèo.
Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện.
Việt Nam đã tham gia Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) từ năm 1982 và từ đó đến nay đã 4 lần bảo vệ báo cáo quốc gia thực hiện Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012. Việt Nam đã xây dựng và bảo vệ báo cáo quốc gia thực thi công ước CERD lần thứ 5 từ ngày 29-30/11/2023.
Về quyền của người bị giam giữ được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm, Việt Nam đã nội luật hóa quy định của pháp luật quốc tế về quyền con người không bị bắt, giam giữ tuỳ tiện. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, mọi người không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Bộ luật Hình sự 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, Luật Khiếu nại 2011, Luật Tố cáo 2011, Luật Thi hành án hình sự 2019, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước 2017 đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013.
Việt Nam đã thiết lập hệ thống các cơ chế kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, cơ quan thanh tra của mỗi Bộ, ngành và đặc biệt là sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục, trực tiếp, toàn diện của Viện Kiểm sát Nhân dân tại tất cả các giai đoạn, từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Những nỗ lực được ghi nhận rộng rãi
Trong suốt những năm qua, không ít lần các đối tượng cơ hội chính trị, các thế lực thù địch trong, ngoài nước xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Tuy nhiên, với những kết quả vượt bậc nói trên, những nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ, phát huy Quyền con Người luôn được dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trước đó, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, thông điệp về tinh thần đoàn kết, nhân văn của dân tộc Việt Nam “không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng đã tạo được ấn tượng tốt đẹp với cộng đồng quốc tế.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ của Đoàn công tác liên ngành và chức sắc tôn giáo của Việt Nam, trao đổi về thành tựu và chính sách tôn giáo, từ ngày 10-22/10/2023, phía Hoa Kỳ đã ghi nhận những thành tựu, kết quả đạt được của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thời gian qua.
Đại diện Tòa thánh Vatican tại Liên hợp quốc, Tổng Giám mục Gabriele Caccia cũng đã bày tỏ quan điểm ghi nhận những thành tựu về đảm bảo quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, chia sẻ về báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khi đưa Việt Nam vào danh sách SWL và kết quả tiến triển trong quan hệ Việt Nam và Tòa thánh Vatican gần đây.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Ảnh: TTXVN phát) |
Những ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam đã thể hiện cụ thể qua việc Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 vào ngày 11/10/2022 với số phiếu ủng hộ cao. Đây là sự công nhận vị thế của Việt Nam, thể hiện sự tín nhiệm quốc tế trước các đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam với các cơ chế của Liên hợp quốc.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ 6-15/11/2023, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền Phát triển Surya Deva đã đánh giá cao các dấu ấn, sáng kiến của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và sự tham gia trách nhiệm, tích cực trong Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát về Quyền con Người (UPR).
Báo cáo viên đặc biệt bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò của mình tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và góp phần thúc đẩy triển khai hiệu quả Quyền Phát triển ở Việt Nam và trên thế giới.
Với vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã tích cực tham gia, có những sáng kiến cụ thể như chủ trì các nghị quyết đề cao Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, Biến đổi Khí hậu và Quyền Con người…
Các sáng kiến này của Việt Nam là sự đóng góp thiết thực và có ý nghĩa đối với công việc chung của Liên hợp quốc trên tinh thần “tôn trọng lẫn nhau, đối thoại và hợp tác, đảm bảo mọi quyền cho tất cả mọi người.”
Việt Nam luôn tích cực thể hiện tinh thần hợp tác với các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đồng thời cũng thường xuyên duy trì các cơ chế đối thoại nhân quyền song phương với một số nước, sẵn sàng cung cấp, trao đổi các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau.
Sự tham gia tích cực của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền, cũng như những chính sách, pháp luật đảm bảo quyền con người trong suốt những năm qua đã thể hiện rõ nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Việt Nam đã và đang tiếp tục xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, với những chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm các quyền con người được lồng ghép vào mọi chiến lược và chương trình phát triển của đất nước để "không ai bị bỏ lại phía sau." Những thành tựu này được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao và sẽ không một thế lực thù địch, chống phá nào có thể xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam./.