Đời sống

Bảo vệ “măng non” trên không gian mạng

P.V 16/10/2024 07:05

Trẻ em và thanh thiếu niên tại Đắk Nông được tiếp cận internet, mở ra cơ hội học tập và giải trí. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích này là mối đe dọa và rủi ro tiềm ẩn. Nếu không được quản lý tốt, các búp “măng non” có thể đối mặt với những hệ quả.

Nhiều nguy cơ từ không gian mạng

Ở một tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh tế và địa lý, không thể phủ nhận internet đã mang lại nhiều cơ hội lớn cho trẻ em. Nhờ kết nối internet, trẻ em Đắk Nông có thể tiếp cận kho kiến ​​thức, tham gia vào các lớp học trực tuyến, rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ và mở rộng hiểu biết về thế giới. Với sự hỗ trợ của công nghệ, học sinh vùng sâu, vùng xa của tỉnh có cơ hội tiếp cận các nền tảng học tập hiện đại, từ đó phát triển toàn diện hơn về kiến ​​thức và các kỹ năng xã hội.

tre-em.jpg
Đi đôi với lợi ích, các nguy cơ từ không gian mạng đối với trẻ em đang trở thành vấn đề đáng lo sợ

Tuy nhiên, đi đôi với lợi ích, các nguy cơ từ không gian mạng đối với trẻ em đang trở thành vấn đề đáng lo sợ. Với tỷ lệ học sinh sử dụng internet ngày càng cao, nhiều trẻ em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng để đối phó với mối đe dọa liên quan đến lừa đảo, xâm hại hoặc tiếp cận nội dung không phù hợp với tuổi.

Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, các em bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lừa đảo qua không gian mạng. Cụ thể, vào giữa tháng 6/2024, Công an xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong đã giải cứu 2 em gái nhẹ dạ, tin lời dụ dỗ của kẻ xấu. Vụ việc diễn ra khi các em sử dụng mạng xã hội facebook kết bạn với một số người và tìm việc làm. 2 em đã bị một số đối tượng dụ dỗ đưa đón đến tận nơi làm việc.

Tuy nhiên, trên đường di chuyển thấy có sự bất thường, 2 em gái đã nhanh chí lợi dụng lúc sơ hở lấy được điện thoại gọi điện về nhà báo với bố mẹ. Ngay sau đó, người nhà đã liên lạc lại với các đối tượng yêu cầu đưa hai cháu về nhưng các đối tượng quanh co không cung cấp vị trí hiện tại và đòi tiền chuộc. Lo lắng về sự an toàn của hai cháu, gia đình đã đến trụ sở Công an xã Đắk R’măng trình báo và nhờ lực lượng công an tìm kiếm. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình, nhanh chóng của lực lượng công an mà 2 em gái đã được trở về nhà an toàn.

Đối với trẻ nhỏ, việc cha mẹ không kiểm soát các kênh thông tin khiến các con rơi vào "ma trận", không phân biệt được thông tin đúng, sai. Chị T.T.D, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa cho biết: "Hiện nay có rất nhiều youtube bất chấp lương tâm, đạo lý để "sáng tạo" những clip nhảm nhí, vô bổ, thậm chí độc hại, nguy hiểm chỉ để câu view, câu like. Gần như không có kênh youtube nào cảnh báo trẻ em, nội dung giới hạn độ tuổi, trong khi nhiều cháu bé được bố mẹ cho xem thoải mái, không hề kiểm soát, chọn lọc nội dung nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Việc các em tò mò xem các clip này mà chưa phân biệt được đúng sai dẫn đến suy nghĩ lệch lạc, lệch chuẩn, đôi khi bắt chước theo rất nguy hiểm".

Thực tế đã có những trường hợp trẻ em bắt chước theo các kênh youtube làm những việc dại dột dẫn đến hậu quả đau lòng, như có trẻ ở TP.HCM đã thiệt mạng khi học theo trò thắt cổ trên youtube, nhiều trường hợp tự hành hạ bản thân hay trốn trong tủ, trong máy giặt học theo mạng...

Nhiệm vụ cấp bách

Bảo vệ "măng non" trên không gian mạng là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Để bảo đảm sự an toàn và phát triển lành mạnh, tỉnh Đắk Nông đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.

mang.jpg

Tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh việc đẩy mạnh công tác truyền thông và giáo dục để nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi các em tham gia môi trường mạng. Một trong những giải pháp quan trọng là tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng về an toàn mạng đến từng trường học, lớp học, thôn, bon, tổ dân phố và khu dân cư. Các chương trình giáo dục này sẽ giúp trẻ em tương tác sáng tạo và lành mạnh trên không gian mạng, đồng thời giúp phụ huynh, người chăm sóc trẻ nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đồng hành cùng con em mình trong quá trình sử dụng internet.

UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng mô hình, quy chế quản lý việc dạy học trực tuyến và hướng dẫn cho nhà trường, giáo viên về nội dung bảo đảm an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với các hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục. Triển khai các giải pháp kỹ thuật tại trường học nhằm giám sát, chặn lọc truy cập nội dung vi phạm pháp luật, nội dung không phù hợp với học sinh theo từng lứa tuổi. Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục về hỗ trợ, bảo vệ trẻ em tương tác sáng tạo lành mạnh trên môi trường mạng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và có biện pháp xử lý đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại địa phương. Đơn vị tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại các cấp, các ngành; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng.

Sở Thông tin và Truyền thông tiếp nhận, xử lý các phản ánh, thông tin có ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em trên không gian mạng thông qua hoạt động của tổ theo dõi, xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng tỉnh Đắk Nông.

Sự tham gia tích cực của các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường và toàn xã hội sẽ là nền tảng vững chắc để trẻ em được phát triển toàn diện trong thế giới số, tận dụng tối đa lợi ích từ internet mà vẫn được bảo vệ trước những mối nguy hại tiềm ẩn.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Bảo vệ “măng non” trên không gian mạng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO