Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là một bộ phận trọng yếu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Đây là nội dung rất quan trọng, được khẳng định trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
Trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia phải quán triệt, thực hiện tốt mục tiêu “Xây dựng hệ thống chính trị các cấp ở khu vực biên giới vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng nền tảng chính trị, tinh thần “thế trận lòng dân” vững chắc ở khu vực biên giới. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nền tảng cho sự nghiệp tăng cường quốc phòng, an ninh và quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nhanh, mạnh và bền vững khu vực biên giới”; “Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới”…
Nghị quyết chỉ rõ, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng - lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia rất toàn diện và phức tạp, bao gồm: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa…
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh luôn sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình dân cư, nhất là đồng bào DTTS, có đạo. Trong đó, tích cực tham mưu Đảng ủy, UBND các xã vùng biên phối hợp, quản lý chặt chẽ chủ quyền an ninh biên giới, vận động quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, bảo vệ trị an thôn, bon, bản; tăng cường vận động Nhân dân chấp hành tốt các quy định về nội quy biên giới, chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới…
Các tổ tự quản đường biên, cột mốc, đặc biệt là các tập thể, hộ gia đình, các cá nhân thường xuyên làm ăn, sản xuất ở các khu vực sát biên giới, có mối quan hệ dân tộc, thân tộc hai bên biên giới đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm. Qua đó, kịp thời phát hiện, cung cấp cho các lực lượng chức năng nhiều thông tin liên quan đến hoạt động xâm phạm lãnh thổ và tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp trên biên giới, góp phần giữ vững chủ quyền, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển…