Văn hóa

Bảo tồn văn hóa truyền thống Ê đê ở Cư Jút

Y Krak 30/03/2024 20:07

Qua 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh Đắk Nông đến nay, việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ê đê ở huyện Cư Jút đang có những tín hiệu tích cực. Lớp trẻ đã dần tiếp nối, kế thừa và đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

ADQuảng cáo

Điểm sáng xã Tâm Thắng

Nằm cạnh dòng sông Sêrêpốk hùng vĩ, xã Tâm Thắng được biết đến là nơi giữ gìn được nhiều nét văn hóa của đồng bào Ê đê. Xã có 4 buôn đồng bào Ê đê sinh sống, gồm buôn Nui, Buôr, Ea Pô và Trum; với khoảng 800 hộ, hơn 4.900 nhân khẩu. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, những nét đẹp truyền thống từ nhà dài, trang phục, ngôn ngữ,... đến tinh thần đoàn kết cộng đồng luôn được mỗi người dân trong buôn gìn giữ, phát huy.

dsc_9015(1).jpg
Nhiều nghệ nhân đồng bào Ê đê huyện Cư Jút biết chế tác, sử dụng thuần thục các loại nhạc cụ truyền thống

Về Tâm Thắng hôm nay, hình ảnh đầu tiên mà chúng ta bắt gặp là những căn nhà dài vững chãi bên cạnh những ngôi nhà xây hiện đại được bao bọc bởi vườn cà phê và cánh đồng lúa xanh ngát, tạo nên cảnh sắc yên bình. Không gian, khuôn viên nhà dài truyền thống của người Ê đê là nơi diễn ra các sinh hoạt thường ngày của mỗi gia đình và các lễ nghi truyền thống. Bên cạnh đó, đây còn là nơi lưu giữ những phong tục tập quán mang đậm bản sắc của buôn làng.

z5266249689533_05f99b3c7530464b2215a704752625c3(1).jpg
Nhà dài truyền thống được đồng bào Ê đê buôn buôn Nui giữ gìn đan xen với những ngôi nhà xây hiện đại, khang trang

Theo chị H Ngọc Êban, Bí thư Chi đoàn buôn Nui thì trước đây, thanh niên trong buôn ít quan tâm đến các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng như các phong trào do địa phương tổ chức. Tuy nhiên được sự quan tâm, vận động của cấp ủy, chính quyền và nghệ nhân trong buôn nên năm 2015, buôn đã thành lập được 1 đội văn nghệ dân gian với hơn 30 thành viên có tuổi đời từ 13 đến 25. Từ đó đến nay, mỗi khi địa phương diễn ra các sự kiện quan trọng thì các thành viên trong đội lại tập trung tại nhà sinh hoạt cộng đồng buôn để cùng nhau luyện tập.

dsc_8861(1).jpg
Hiện nay 6 buôn đồng bào Ê đê trên địa bàn huyện Cư Jút đều có đội văn nghệ dân gian

Nghệ nhân ưu tú Y Sim Ê ban là một trong những nghệ nhân lớn tuổi và am hiểu nhạc cụ của đồng bào Ê đê. Ông có thể chế tác và sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, đinh năm, sáo môi…

“Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về mọi mặt, đời sống của người dân đã được nâng lên. Đồng bào đã có điều kiện chăm lo đời sống tinh thần, đặc biệt là giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống thường xuyên được giữ gìn, bảo tồn và phát huy” – ông Y Sim Êban cho hay.

z5266248594398_1362e36d1065d8d376662f04adb64680(1).jpg
Nghệ nhân ưu tú Y Sim Êban là cánh chim đầu đàn trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống đồng bào Ê đê xã Tâm Thắng

Tương tự, tại buôn Buôr, cấp ủy, chính quyền xã và buôn cũng thường xuyên quan tâm tới việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Không chỉ khôi phục, truyền dạy cho thế hệ trẻ kỹ năng đánh chiêng, múa truyền thống, đan lát, dệt thổ cẩm…, hằng năm chính quyền xã còn phối hợp với huyện, ngành Văn hóa tỉnh tích cực phục dựng một số lễ hội truyền thống như: Lễ kết nghĩa anh em, cúng bến nước. Đặc biệt, buôn cũng đã thành lập đội múa truyền thống của người Êđê, thu hút đông đảo các thành viên tham gia.

z5266242506861_6bf67c21893f4b52775af554c5bdb120(1).jpg
Nghệ nhân ưu tú H Đá Êya là người tâm huyết giữ gìn và truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Ê đê huyện Cư Jút

Bà H Banh Bkrông, Trưởng Ban công tác mặt trận buôn Buôr chia sẻ: “Thông qua mỗi dịp đoàn tụ, sum vầy, các hoạt động văn hóa, lễ hội, các thành viên là những nghệ nhân, người cao tuổi sẽ dạy cho con cháu biết về phong tục của quê hương, dân tộc mình. Ban đầu, nhiều em còn e ngại, không mặn mà tìm hiểu, nhưng sau khi được nghệ nhân truyền dạy, hướng dẫn kỹ năng múa thì nhiều em đã tỏ ra thích thú".

dsc_88466(1).jpg
Đồng bào Ê đê Cư Jút càng vinh dự và tự hào giữ gìn khi cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại
ADQuảng cáo

Với người Ê đê xã Tâm Thắng nói riêng, Cư Jút nói chung, tiếng nói dân tộc được coi là tài sản quý giá cần phải gìn giữ. Ngay từ khi mới sinh ra và lớn lên, những đứa trẻ nơi đây đã được các amí (mẹ), ama (bố) dạy cách phát âm tiếng mẹ đẻ. Trước khi đi học mầm non,được tiếp xúc với tiếng Việt, những đứa trẻ đã biết nói và giao tiếp thành thạo ngôn ngữ Ê đê. Tới bậc tiểu học, học sinh còn được các trường học trên địa bàn xã tổ chức dạy đọc, viết tiếng Ê đê.

Trang phục truyền thống cũng được các gia đình Ê đê gìn giữ và truyền lại cho con cháu. Trong lao động và sinh hoạt thường ngày, nhiều phụ nữ Ê đê vẫn mặc y phục truyền thống.

dsc_8888(1).jpg
Đến với buôn làng Ê đê Cư Jút du khách được hòa mình vào nét văn hóa, ấm tình men say bên ché rượu cần truyền thống

Trong các dịp quan trọng, đặc biệt là ngày cưới, cô dâu và chú rể thường mặc trang phục của người Ê đê để giới thiệu, tôn vinh vẻ đẹp truyền thống cho khách gần xa. Ngày nay, học sinh đến trường từ bậc mầm non đến THPT, các em vẫn mặc bộ trang phục truyền thống vào đầu tuần hay những ngày lễ lớn.

Văn hóa ứng xử của người Ê đê cũng là một nét đẹp. Đó là lối sống đoàn kết giữa các gia đình với buôn làng, giữa anh em trong họ, ngoài họ khi mỗi gia đình có công to, việc lớn. Với tinh thần đoàn kết, người dân nơi đây đã từng bước xây dựng đời sống mới. Đặc biệt, với điểm dừng chân số 18 thuộc Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, đồng bào Ê đê buôn Nui đã xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, thu hút du khách đến tham quan.

dsc_8939(1).jpg
Ông Vũ Văn Bính, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút (bên phải) động viên tinh thần, chụp hình lưu niệm cùng các nghệ nhân cồng chiêng tại Lễ kết nghĩa anh em của đồng bào dân tộc Ê đê, xã Tâm Thắng

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực bảo tồn văn hóa truyền thống Ê đê

Không chỉ có đồng bào Ê đê ở 4 buôn xã Tâm Thắng mà còn có các buôn đồng bào Ê đê ở xã biên giới Đắk Wil cũng đã và đang giữ gìn nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong đó, đồng bào ở đây rất chú trọng giữ gìn và truyền nối những làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng, chứa chan tình cảm gia đình, quê hương, trai gái...

Thanh thiếu niên dân tộc Ê đê ở các buôn Knã, Trum ở Đắk Wil và các buôn khác trong huyện Cư Jút thường theo học hát dân ca vào những ngày cuối tuần, với các bài hát tiêu biểu như: Hát ru con, Đối đáp Ay Ray, Chim K’Trao cao nguyên, Ru em, Lời kêu gọi, Gọi cháu về… Đồng thời được chỉ dạy cách nghe, hiểu về những tiết tấu, nhịp điệu cồng chiêng và các loại nhạc cụ đi kèm hát dân ca Ê đê.

Các thể loại hát gồm: hát dân ca, hát điệu k’ứt, hát đối đáp ay ray… được các nghệ nhân là người dân tộc Ê đê trong các buôn trực tiếp truyền dạy. Họ cũng chính là những người “giữ lửa” tiếp bước từ cha ông đến con cháu sau này; đồng thời là “cầu nối” quan trọng cho nền văn hóa của dân tộc sẽ được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Hiện nay, đồng bào Ê đê Cư Jút còn giữ gìn nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, gồm: Hơn 10 bộ cồng chiêng cổ; hàng chục nhà dài thuyền thống, trong đó có nhiều ngôi nhà dài cổ ở buôn Buôr, buôn Ea Pô. Các buôn đều có đội cồng chiêng, đội văn nghệ, hàng chục nghệ nhân đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống với sự tích cực tham gia của các nghệ nhân ưu tú như Y Sim Ê ban, H Đá Êya...

Thiếu nữ Ê đê buôn Ea Pô uyển chuyển, thướt tha trong điệu múa truyền thống dân tộc
Thiếu nữ Ê đê buôn Ea Pô uyển chuyển, thướt tha trong điệu múa truyền thống dân tộc

Trong hành trình phát triển những năm tới, đồng bào Ê Đê ở huyện Cư Jút kỳ vọng tiếp tục được ngành Văn hóa từ Trung ương đến địa phương hỗ trợ nhằm phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là việc phục dựng lễ hội; tạo không gian diễn xướng cồng chiêng; phát triển nghề dệt thổ cẩm kết hợp phát triển du lịch sinh thái và văn hóa.

Theo ông Vũ Văn Bính, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút, những năm qua, địa phương luôn tích cực hỗ trợ, tuyên truyền đồng bào Ê đê nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) khác nói chung gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống. Hằng năm, những hoạt động văn hóa của đồng bào các DTTS luôn được duy trì, nhân rộng, qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hóa, gắn kết cộng đồng các dân tộc được khơi dậy, vun đắp tình đoàn kết. Hiện nay, một số hủ tục trong vùng đồng bào DTTS cũng đã được xóa bỏ. Việc ma chay, hiếu hỉ thực hiện đúng quy định về nếp sống văn minh.

dsc_8930(1).jpg
Dưới mái nhà chung Cư Jút, đồng bào Ê đê cùng đồng bào các DTTS khác tiếp tục gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình

Phát huy kết quả đạt được, Cư Jút tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống; tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, tạo ra các sản phẩm độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó nâng cao thu nhập cho đồng bào các DTTS. Đồng thời, địa phương vận động các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội và Nhân dân tự nguyện đóng góp nguồn lực bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc truyền thống, tạo ra được những lợi thế để phát triển du lịch, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn văn hóa truyền thống Ê đê ở Cư Jút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO