Khu BTTN Nam Nung rộng 23.300 ha, trải rộng trên 10 xã thuộc các huyện Krông Nô, Đắk Glong và Đắk Song. Đây là một trong những vùng rất phong phú, đa dạng về tài nguyên rừng, hệ sinh thái, thành phần loài động vật, thực vật và các nguồn gen.
Cụ thể, Khu Bảo tồn có khoảng 881 loài thực vật, trong đó có 75 loài quý hiếm có trong “Sách đỏ” Việt Nam và thế giới như: cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật, sao đen, dầu mít, sến mủ, sồi ba cạnh...
Về động vật, tại đây có hơn 58 loài thú, trong đó 24 loài có tên trong “Sách đỏ” đang có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo tồn như: bò tót, voọc chà vá chân đen, vượn đen má vàng, cầy mực... Ngoài ra, ở đây còn có 173 loài chim, 66 loài cá, 37 loài bò sát…
Khu BTNN Nam Nung có hệ động thực vật đa dạng, phong phú |
Thời gian qua, Khu BTTN Nam Nung đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ rừng tại các xã vùng đệm; ký cam kết với các hộ dân.
Đơn vị đã xây dựng quy chế phối hợp với các chủ rừng giáp ranh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, động vật hoang dã. Đặc biệt, Khu BTTN Nam Nung đã tổ chức cho người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo tồn thông qua chương trình khoán bảo vệ rừng.
Lực lượng này đóng góp tích cực vào các hoạt động bảo tồn như: tuần tra bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn các hoạt động xâm hại đến các loài động, thực vật, các tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái rừng, môi trường.
Hoạt động bảo vệ rừng hiệu quả góp phần bảo tồn đa dạng sinh học |
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Khu BTTN Nam Nung cho biết, thời gian qua, Khu BTTN Nam Nung đã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Nhờ đó, rừng được giữ tương đối nguyên vẹn, hệ sinh thái của khu bảo tồn ngày một phát triển, đa dạng. Trong các đợt tuần tra rừng, cán bộ, nhân viên trong đơn vị luôn thực hiện công tác gỡ bẫy, ngăn chặn các đối tượng vào rừng săn bắn thú rừng.
Cùng với đó, đơn vị thường xuyên tổ chức các đợt thả động vật hoang dã về rừng để bổ sung số loài trong khu bảo tồn...