Công nghệ

Bão số 3: Cảnh giác các chiêu trò lừa đảo quyên góp hỗ trợ đồng bào thiên tai

Minh Sơn 12/09/2024 10:00

Bên cạnh những tình cảm, tấm lòng hướng về miền Bắc, trong khoảng thời gian này, không ít đối tượng lợi dụng từ thiện thành cơ hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Fanpage giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh để lừa đảo tiền từ thiện. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Fanpage giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh để lừa đảo tiền từ thiện. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cơn bão số 3 đã gây ra những thiệt hại to lớn cả người và tài sản. Cùng với đó, mưa lũ sau bão cũng đã gây ra nhiều tổn thất nghiêm trọng trên nhiều địa phương. Hiện nay, những thông tin về tình hình mưa lũ tại miền Bắc đang là thông tin nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ nhất trên mạng xã hội.

Thế nhưng, bên cạnh những thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng thì vẫn có tình trạng một số kẻ lợi dụng tình hình thiên tai đã cố tình đưa ra các thông tin sai sự thật. Thậm chí một số đối tượng đã giả mạo các đơn vị, tổ chức để kêu gọi quyên góp lừa đảo.

Tràn lan hình thức lừa đảo mùa bão

Lợi dụng tình hình bão lũ, một số fanpage giả được lập lên để kêu gọi ủng hộ từ thiện. Ngày 7/9 vừa qua, trang Facebook của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đăng cảnh báo về tình trạng fanpage lừa đảo, mạo danh để kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Đến nay, dù đã bị nhiều người report (báo cáo) và báo chí đưa tin, fanpage giả mạo trên vẫn tồn tại, tiếp tục kêu gọi mọi người chuyển tiền từ thiện.

Ngày 11/9, trên mạng xã hội xuất hiện trang fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) để lừa đảo, bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu.

Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.

Ông Nguyễn Mạnh Toàn - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao khẳng định thông tin kêu gọi ủng hộ những người bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu trên fanpage là không chính xác. Người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân trên trang fanpage giả mạo.

Không chỉ tạo fanpage giả để kêu gọi từ thiện, mạng xã hội những ngày qua còn lan truyền nhiều tin giả về việc người dân vùng bão lũ, mất điện, không có mạng có thể nhập cú pháp gửi 191 để được dùng Internet miễn phí của Viettel.

Screenshot 2024-09-11 at 22.53.04.png
Viettel Telecom lên tiếng xác nhận đây là thông tin sai sự thật. (Ảnh chụp màn hình)

Để tăng tính thuyết phục, các đối tượng còn lưu ý cú pháp chỉ áp dụng cho những khu vực bị bão lũ, mất điện, mất kết nối Internet. Đại diện Viettel Telecom đã bác bỏ thông tin sai sự thật trên.

Trong những ngày gần đây, một số người dùng mạng xã hội cũng phản ánh tình trạng bị lừa đảo tiền từ thiện đóng góp cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Cụ thể người này đã chuyển số tiền lên cả trăm triệu đồng cho một người mua 2.000 chiếc áo phao để chuyển lên Tuyên Quang. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền, người kia đã biến mất "không dấu vết."

457804713_1139763297809034_8882972157668615352_n.jpg
Một trường hợp lừa đảo qua mạng. (Ảnh chụp màn hình)

Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) cũng nêu ra một số trường hợp lừa đảo mới trong những ngày gần đây. Cụ thể, lợi dụng lúc cả nước đang hướng về các tỉnh miền núi phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, nhiều kẻ xấu sẽ đăng tải các bài viết trên mạng xã hội kèm theo những hình ảnh rất đáng thương được tạo ra bằng AI. Sau đó kẻ xấu sẽ lợi dụng lòng thương để lừa người dùng chuyển tiền từ thiện.

photo_2024-09-11 21.04.52.jpeg
Một hình ảnh được tạo ra bằng AI để kêu gọi lòng thương của người dùng mạng xã hội. (Ảnh: Hiếu PC cung cấp)

Chưa hết, một số đối tượng lợi dụng sự quan tâm của người dân đã phát tán thông tin giả mạo, tin tức sai sự thật trên các trang mạng xã hội về tình hình lũ lụt như tin giả về vỡ đê Yên Lập (Phú Thọ), vỡ thủy điện ở Bát Xát (Lào Cai), vỡ đê Sông Cầu, vỡ đê ở Bắc Giang,... Các cơ quan chức năng đã phát đi cảnh báo tin giả, khẳng định các thông tin nói trên, được lan truyền trên mạng xã hội là không đúng sự thật.

Mặc dù cơ quan chức năng đã triệu tập, xử lý nhiều trường hợp về hành vi đăng tải, chia sẻ những thông tin giả, tin sai sự thật trên nhưng nhiều người dùng mạng xã hội vẫn còn xem nhẹ, chưa ý thức hết trách nhiệm và hậu quả của việc phát tán những thông tin không đúng sự thật lên môi trường mạng.

Người dùng cần cẩn trọng khi làm từ thiện

Theo các chuyên gia, người dùng nên cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, tránh chuyển tiền từ thiện nhầm. Đặc biệt trong tình hình bão lũ phức tạp, người dân cũng không nên làm theo các hướng dẫn chưa được kiểm chứng trên Internet đồng thời chủ động cập nhật tin tức từ các kênh chính thống hoặc tổng đài hỗ trợ khi cần.

Chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ An ninh mạng Quốc gia (NCS), Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết, lợi dụng các thảm hoạ, thiên tai để lừa đảo là tình trạng khá phổ biến trên thế giới.

Tại Việt Nam, trong mấy ngày vừa qua, trong khi cả nước đang hướng về các đồng bào phải "gồng mình" chống chịu trước bão lũ thì các đối tượng lừa đảo cũng liên tiếp dựng lên các kịch bản lừa đảo như giả danh người gặp nạn trong vùng bị lũ lụt để vay mượn tiền, hay hướng dẫn gửi tin nhắn tới các đầu số dịch vụ để kết nối mạng, thực chất là chiếm đoạt tiền trong tài khoản điện thoại, thậm chí lừa bán nhu yếu phẩm hay phương tiện cứu hộ như áo phao, nhận tiền nhưng không giao hàng…

Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn cảnh báo, người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn mới này của các đối tượng lừa đảo. Khi nhận được thông tin trên mạng kêu gọi tài trợ hay bán hàng phục vụ chống bão lũ, cần phải kiểm chứng nội dung kỹ càng. Cần theo dõi trên các phương tiện truyền thông chính thống để biết các tổ chức chính thống, các địa chỉ tin cậy tiếp nhận tiền, hàng hoá ủng hộ người dân các địa phương chịu hậu quả nặng nề của bão. Trong trường hợp người dùng không nắm rõ thông tin thì có thể tham khảo thêm ý kiến của người thân trong gia đình hoặc cơ quan.

Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu lại nhấn mạnh mọi người cần cảnh giác đối với tất cả mọi người là chỉ chuyển tiền vào tài khoản đóng góp cho các nạn nhân trong vùng bão lũ ở miền Bắc, của Nhà nước và của Mặt trận Tổ quốc.

"Cần cẩn trọng với những nguồn tin chưa được xác thực. Chưa kể các đối tượng xấu có thể tung ra thông tin xấu độc làm hoang mang dư luận xã hội để mà chia rẽ tình đoàn kết của dân tộc," ông Ngô Minh Hiếu cho biết.

Để không bị lợi dụng lừa đảo tiền từ thiện, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Đồng thời, người dân, cơ quan tổ chức cần đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin cảnh báo rộng rãi để mọi người cùng nêu cao tinh thần cảnh giác. Việc phát hiện và báo cáo các trang mạo danh, lừa đảo cũng là một cách để góp phần bảo vệ cộng đồng.

Tại Hướng dẫn 38/HD-MTTW-BTT năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hướng dẫn hình thức ủng hộ và tiếp nhận nguồn đóng góp cho đồng bào vùng lũ lụt.

Cụ thể, với tình hình hiện tại, người dân có thể quyên góp, ủng hộ cho người dân bị thiệt hại bởi bão lũ bằng những cách sau:

Quyên góp, ủng hộ bằng hình thức chuyển khoản qua Kho bạc Nhà nước

- Tài khoản tại Kho bạc nhà nước

+ Tên tài khoản: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

+ Số tài khoản: 3713.0.1058784.00000

+ Mã đơn vị QHNS: 1058784

+ Tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước

Quyên góp, ủng hộ bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng

- Tài khoản tiền Việt Nam

+ Tên tài khoản: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương

+ Số tài khoản: 001.1.00.193241.8

+ Tại Sở giao dịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam

- Tài khoản ngoại tệ

+ Tên tài khoản: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương

+ Số tài khoản: 001.1.37.193253.8

+ Tại sở giao dịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam

Quyên góp, ủng hộ tiền mặt

Đơn vị tiếp nhận: Phòng Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phòng 109 và 111 nhà B, số 46 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Quyên góp, ủng hộ bằng hiện vật

Trường hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân ủng hộ bằng hàng (chưa sử dụng) thì phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Hội Chữ thập đỏ các cấp để phân bổ và chuyển trực tiếp các địa phương bị thiệt hại do lũ lụt.

Ủng hộ qua chương trình vận động quyên góp của địa phương

Người dân có thể Liên hệ trực tiếp tại địa phương qua các chương trình vận động quyên góp của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cứu trợ các tỉnh, thành phố báo cáo với cấp ủy phối hợp với chính quyền tổ chức.

Số tiền vận động quyên góp được chuyển về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ban Cứu trợ Trung ương) để cân đối phân bổ cho các địa phương bị thiệt hại.

Ngoài những cách như trên thì người dân cũng có thể quyên góp, ủng hộ thông qua các đơn vị, cơ quan làm việc; trường học; tổ chức, đơn vị uy tín có đứng ra kêu gọi ủng hộ, quyên góp./.

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/bao-so-3-canh-giac-cac-chieu-tro-lua-dao-quyen-gop-ho-tro-dong-bao-thien-tai-post976092.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/bao-so-3-canh-giac-cac-chieu-tro-lua-dao-quyen-gop-ho-tro-dong-bao-thien-tai-post976092.vnp
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Bão số 3: Cảnh giác các chiêu trò lừa đảo quyên góp hỗ trợ đồng bào thiên tai
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO