
Đây là hoạt động nằm khuôn khổ dự án “Yêu lắm Việt Nam” do Báo Nhân Dân phối hợp các đối tác công nghệ triển khai thực hiện nhằm hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và tuyên truyền, quảng bá các địa danh lịch sử, văn hóa trên mọi miền Tổ quốc, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của Việt Nam.
Tại Quảng Ngãi, dự án triển khai ở 3 địa điểm gồm: Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải tại huyện đảo Lý Sơn (điểm đến du lịch tiêu biểu của tỉnh); Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ (Di tích quốc gia đặc biệt-Địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ) ở huyện miền núi Ba Tơ; Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh (Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh) tại thị xã Đức Phổ.
Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải trên đảo Lý Sơn
Lý Sơn, hòn đảo được mệnh danh là “thiên đường giữa biển khơi”, không chỉ nổi tiếng với đặc sản hành, tỏi vang danh cả nước mà nơi đây còn chứa nhiều tầng văn hóa kế tiếp nhau: Sa Huỳnh-Chăm Pa-Đại Việt.
Đặc biệt, đến với Lý Sơn, du khách không thể bỏ qua một địa điểm văn hóa lịch sử vô cùng quan trọng và thiêng liêng của Tổ quốc, đó là Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải.

Đảo Lý Sơn được mệnh danh là "thiên đường giữa biển khơi".
Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải nằm trên khuôn viên thoáng đãng, phía trước nổi bật là cụm tượng đài được làm bằng chất liệu đá xanh đứng hiên ngang, sừng sững, uy nghiêm.
Cụm tượng đài này là hóa thân của các vị chỉ huy nổi tiếng một thời như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Biện... đã được sử sách lưu danh cùng binh phu đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa.

Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải, địa điểm tham quan không thể bỏ qua đối với du khách khi đến với đảo Lý Sơn.
Cùng với cụm tượng đài là Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải trưng bày những hình ảnh, tư liệu xác thực và khoa học, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau trong việc tiếp nối cha ông giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông.
Toàn bộ hình ảnh, tư liệu trưng bày tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải được chia thành 3 ba nội dung chính: Lý Sơn-Tịnh Kỳ-Quảng Ngãi quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa; hoạt động của đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa và sự tôn vinh của nhân dân huyện đảo Lý Sơn nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đối với những hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa; phát huy truyền thống của đội Hoàng Sa, Trường Sa, nhân dân ta tiếp tục thực hiện chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Di tích quốc gia đặc biệt - địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ
Quần thể các địa điểm di tích về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nằm trên địa bàn các xã Ba Vinh, Ba Động, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ (huyện Ba Tơ) gồm 11 điểm di tích: Khúc sông Liêng; Lò gạch Nước Năng; Nhà đồng chí Trần Quý HaI; Chòi canh Suối Loa; Đồn Ba Tơ; Nha kiểm lý; Sân vận động Ba Tơ; Bãi Hang Én; Bến Buôn; Chiến khu Nước Lá- Hang Voọt Rệp; Chiến khu núi Cao Muôn.

Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ.
Đối với Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ hiện đang lưu giữ, trưng bày 150 hiện vật, 85 hình ảnh, 26 tư liệu quý liên quan đến Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ. Đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ và góp phần khắc họa rõ nét về hình ảnh người Việt Nam kiên cường, bất khuất trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh
Văn hóa Sa Huỳnh, 1 trong 3 nền văn hóa tiêu biểu của Việt Nam, không chỉ có giá trị của riêng Việt Nam mà còn tiêu biểu cho cả khu vực Đông Nam Á, có giá trị quốc tế. Với những giá trị lịch sử đặc biệt của Văn hóa Sa Huỳnh, ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ.

Di tích gồm 6 địa điểm được khoanh vùng bảo vệ, đó là: Địa điểm Long Thạnh hay còn gọi là Gò Ma Vương, thôn Long Thạnh 2 (phường Phổ Thạnh); địa điểm Phú Khương, thôn Phú Long (xã Phổ Khánh); địa điểm Thạnh Đức, thôn Thạnh Đức 2 (phường Phổ Thạnh), là nơi M.Vinet phát hiện đầu tiên khu mộ chum vào năm 1909, đánh dấu mốc năm phát hiện đầu tiên Văn hóa Sa Huỳnh trên đất nước ta; quần thể di tích Champa; địa điểm đầm An Khê và lạch An Khê-sông Cửa Lỗ.

Các điểm di tích trên tạo nên một không gian sinh tồn, sinh thái nhân văn của cư dân cổ Sa Huỳnh, tiếp nối là cư dân Chăm-pa và sau này là Đại Việt, đã để lại rất nhiều di vật trên mặt đất trong dưới lòng đất. Đây là một không gian lịch sử, sinh thái, văn hóa nhân văn quý hiếm, rất có giá trị cần được bảo vệ.
Đối với Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh hiện trưng bày 700 hiện vật, hình ảnh, tài liệu có giá trị, là địa điểm tham quan, tìm hiểu thú vị về nền văn minh tồn tại 2.000-3.000 năm trước.
Tại các địa điểm nêu trên, dự án “Yêu lắm Việt Nam” triển khai lắp đặt các bảng gắn chip được thiết kế hai màu vàng đỏ lấy cảm hứng từ quốc kỳ Việt Nam và có thể hoạt động tự động mà không cần nguồn điện.
Tại đây, du khách sử dụng điện thoại tương tác với bảng gắn chip NFC sẽ được chứng nhận đã check in tại địa danh, lưu giữ hình ảnh cá nhân, nhận thông tin hữu ích về địa danh, di tích hoặc điểm đến.

Mỗi bảng gắn chip sẽ cung cấp câu chuyện, hình ảnh, video hoặc mô hình 3D về địa điểm, di tích nơi bảng gắn chip được đặt; đồng thời cung cấp tính năng tra cứu, dẫn đường, tìm hiểu thông tin để khám phá các địa điểm du lịch tại nơi đang đứng và các khu vực lân cận. Khi du khách trải nghiệm hết các điểm có gắn chip tại một địa phương sẽ nhận được quà của chương trình và chứng nhận số khi hoàn thành khám phá ở đó.
Theo anh Trần Minh Tuấn, Trưởng Dự án “Yêu lắm Việt Nam”, Công ty cổ phần Phygital Labs, dự án nhằm quảng bá các địa danh lịch sử, văn hóa, điểm đến trên mọi miền đất nước, từ Hà Giang tới Cà Mau; tạo trải nghiệm khám phá độc đáo cho du khách, hỗ trợ, thúc đẩy du lịch các địa phương cũng như cả nước.

Hướng dẫn người dân thao tác trải nghiệm dự án tại Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải.
Sắp tới, dự án sẽ phát triển tạo ra những game thử thách mới để du khách check-in, cũng như tối ưu nhất các tính năng để phục vụ cho du lịch như: hướng dẫn, hỗ trợ phân luồng khách sang các địa điểm khác khi một địa điểm quá đông; thông báo đến du khách những sự kiện quan trọng ở các địa phương... Dự án cũng sẽ chuẩn hóa các nội dung để chuyển sang các ngôn ngữ khác, góp phần quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam ra thế giới.

Người dân Ba Tơ trải nghiệm dự án tại Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, việc đưa vào sử dụng bảng gắn chip NFC này sẽ là một trong những công cụ để tỉnh thực hiện chiến lược chuyển đổi số, kết hợp thông tin, dữ liệu chính thống với công nghệ và các ý tưởng sáng tạo nhằm tuyên truyền sinh động, hiệu quả về các sự kiện lịch sử, văn hóa quan trọng, các sản phẩm du lịch của địa phương.