Nông nghiệp - Nông thôn

Bao giờ cắt vòng luẩn quẩn chặt trồng – trồng chặt?

Bình Minh 05/05/2023 10:49

Điệp khúc chặt trồng – trồng chặt đã được nhắc đi nhắc lại đối với ngành nông nghiệp Đắk Nông cả gần 20 năm qua. Tuy nhiên, cái vòng luẩn quẩn "chặt trồng - trồng chặt" chưa biết bao giờ kết thúc khi cả ngành chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nông dân chưa tìm được tiếng nói chung.

z4295973284324_525772baa50400f2e9191660603296e2(1).jpg
Diện tích sầu riêng ở Đắk Nông hiện nay đang vượt quy hoạch hơn 1.100 ha.

Vòng luẩn quẩn

Điệp khúc luẩn quẩn “chặt trồng – trồng chặt” cứ tái diễn theo nhận thức và suy nghĩ chủ quan của nông dân. Vì mãi chạy theo “đuôi thị trường” nên người nông dân sẵn sàng chặt bỏ nhiều diện tích điều, tiêu, cà phê, cao su để trồng các loại cây trồng khác, dù biết rằng phải mất từ 4-5 năm mới cho thu hoạch.

Giai đoạn1994 – 2002 là thời “hoàng kim” của cây cà phê, hầu hết các nông hộ trên địa bàn Đắk Nông đua nhau trồng loại cây thế mạnh này, bất kể khuyến cáo của các cơ quan quản lý Nhà nước. Kết quả là đã phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp địa phương. Thay vì chỉ dừng lại 66.000 ha, diện tích cà phê ở Đắk Nông vào thời điểm trên đã vọt lên con số hơn 135.000 ha. Hệ lụy kéo theo là cung vượt cầu, cộng thêm nhiều tác động bất lợi của thị trường cà phê thế giới lúc bấy giờ khiến giá cà phê sụt giảm thê thảm, có lúc rớt uống tận đáy 4 triệu đồng/tấn nhân xô trong những năm 2008 – 2013. Thực trạng ấy khiến đời sống của người nông dân trở nên lao đao hơn bao giờ hết, nhất là số nông hộ độc canh với cà phê.

Giá cà phê xuống thấp, hiệu quả sản xuất không cao và người trồng cà phê lại chặt bỏ để trồng loại cây trồng khác có giá cao trên thị trường lúc này. Đó là giai đoạn 2015-2018 khi cây hồ tiêu có giá lên tới 180 ngàn đồng/kg, thậm chí có lúc lên tới 200 ngàn đồng/kg nên được mọi người, mọi nhà chọn lựa để “đua nhau” trồng. Theo quy hoạch của ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, diện tích hồ tiêu quy hoạch khoảng 7.000 ha nhưng chỉ đến năm 2016, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đã lên đến 23.000 ha, gấp 3 lần so với diện tích quy hoạch. Theo Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Đắk Nông, tổng diện tích cây hồ tiêu toàn tỉnh hiện đã vượt 34.000 ha. Vì trồng tràn lan, không theo quy hoạch, không chú trọng đến kỹ thuật, chất lượng cây giống, nên loại cây được người dân Tây Nguyên ví như là "vàng đen" này đã khiến không ít hộ trắng tay vì vườn tiêu mắc bệnh. Kết cục, loại cây trồng này cũng đi vào “vết xe đổ” như cà phê - rớt giá dần, không đủ chi phí tái đầu tư và hiển nhiên người trồng không còn mặn mà với cây hồ tiêu nữa.

Cũng trong năm 2018 khi giá bơ booth lên tới từ 40.000 - 60.000 đồng/kg và có thời điểm lên tới 100.000 đồng/kg, nông dân lại chặt bỏ nhiều diện tích cây trồng khác để chuyển sang trồng bơ. Theo quy hoạch, diện tích bơ trồng tập trung đến năm 2020 là 1.200 ha. Tuy nhiên, diện tích bơ toàn tỉnh Đắk Nông vào năm 2018 đã đạt 2.590 ha, gấp đôi so với quy hoạch. Diện tích, sản lượng bơ tăng đột biến, song chất lượng không đồng đều, chưa đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Do đó, cây bơ của Đắk Nông sau đó gặp nhiều rủi ro, thiếu tính bền vững và giá rớt thê thảm .

Hiện tại, đến lượt sầu riêng lên “ngôi vương”, nhất là khi loại trái cây này được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch càng hấp dẫn người trồng hơn bao giờ hết. Người nông dân ở Đắk Nông không ngần ngại dốc vốn đầu tư cho cây trồng này. Quy hoạch phát triển sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025 là 5.000 ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã có 6.139 ha sầu riêng. Ngành chức năng dự báo, diện tích loại cây trồng này ở Đắk Nông sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Được biết với 1 ha cà phê hoặc hồ tiêu, mỗi năm sau khi trừ chi phí, thu nhập của người nông dân chỉ được khoảng hơn 100 triệu đồng, nhưng với diện tích đó, nếu trồng sầu riêng, có thể thu về 500 - 700 triệu đồng/vụ. Do vậy, tình trạng chặt bỏ (hoặc không đầu tư thêm) cà phê, hồ tiêu, bơ, mít… để tập trung “nuôi” sầu riêng đang là thực tế/xu thế không thể cản nổi tại nhiều địa phương ở Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Nguy cơ "giải cứu" nông sản

Mỗi loại cây trồng đều chỉ tồn tại được một thời gian rất ngắn. Giá cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều… nhiều năm trở lại đây lên xuống như một chu kỳ hình sin nghiệt ngã với người trồng trên địa bàn tỉnh. Tình trạng nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu tái diễn từng năm gần như chưa có cách giải quyết chủ động.

Thực tế, sau mỗi lần “đắt đồng ế chợ”, các bộ, ban, ngành và địa phương lại ngồi họp với nhau để bàn cách giải quyết. Những giải pháp như: quy hoạch vùng trồng; thay đổi tư duy sản xuất từ thông thường sang VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; tạo liên kết chuỗi, chế biến sâu, đáp ứng các quy chuẩn sản xuất quốc tế và xuất khẩu chính ngạch năm nào cũng được đưa ra như những khẩu hiệu. Thế nhưng, tình hình vẫn không cải thiện được bao nhiêu.

Trước nguy cơ vỡ quy hoạch trồng sầu riêng, Bộ Nông nghiệp-PTNT đã hai lần có văn bản gửi các địa phương đề nghị khuyến cáo bà con không nên ồ ạt trồng sầu riêng tại đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Thực tế, cơ quan quản lý Nhà nước không có quyền cấm nông dân trồng loại cây này hay cây kia, mà chỉ có thể đưa ra khuyến cáo rằng phải tuân thủ quy hoạch để đảm bảo phát triển bền vững, ổn định giá và thị trường. Tuy nhiên, tình trạng vỡ quy hoạch diện tích các loại cây trồng mà nóng nhất là sầu riêng như hiện nay thì nguy cơ phải giải cứu nông sản là luôn hiện hữu.

00002(1).jpg
Sầu riêng có nguy cơ giải cứu trong thời gian tới

Đi tìm giải pháp căn cơ

Theo các chuyên gia, để nông nghiệp Tây Nguyên nói chung, nông nghiệp Đắk Nông nói riêng phát triển bền vững, việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị ngành hàng theo hướng liên kết giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác với nông dân có vai trò rất quan trọng. Trong đó, doanh nghiệp, hợp tác xã là chủ chốt, đóng vai trò rất quan trọng cùng các bên tương tác, xây dựng và phát triển nông nghiệp. Việc sản xuất các loại cây trồng đều phải được liên kết để tạo vùng nguyên liệu, bảo đảm chất lượng, có bao tiêu sản phẩm. Các nông hộ cần tích cực tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác. Người nông dân có trách nhiệm trong liên kết sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác.

Các chuyên gia cũng cho rằng, các bộ, ngành Trung ương phải đóng vai trò trung gian trong mời gọi, kết nối các đối tác, doanh nghiệp đến Tây Nguyên đầu tư, hình thành và phát triển các vùng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh đáp ứng các yêu cầu về rào cản kỹ thuật và quy định của thị trường tiêu thụ các nước. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở khu vực Tây Nguyên còn ít nên chưa xây dựng được nhiều các chuỗi dự án tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến thì Bộ sẽ tập trung vào một số nội dung trọng điểm như tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn Tây Nguyên. Trong đó, xác định các cây trồng, vật nuôi ưu tiên, xây dựng một số trung tâm sản xuất cây công nghiệp, nông nghiệp giá trị cao. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp-PTNT sẽ phát triển mạnh, chú trọng nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nông nghiệp nội vùng và với các vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, cũng như cả nước. Triển khai thực hiện hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao, nông nghiệp số, sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ.

Tuy nhiên, điều quan trọng là nông dân phải là người quyết định trong việc điều chỉnh sản xuất nông nghiệp phù hợp với thị trường tiêu thụ, chứ không ai khác. Ngoài sự vào cuộc của Nhà nước, ngành chức năng trong việc triển khai các biện pháp mang tính vĩ mô, nông dân cũng cần thay đổi tập quán sản xuất, bỏ thói quen chạy theo phong trào.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Bao giờ cắt vòng luẩn quẩn chặt trồng – trồng chặt?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO