Đời sống

Bảo Duy và hành trình 70km mỗi ngày đi học

H'Lai 22/09/2024 10:50

Hàng ngày, Nguyễn Trần Bảo Duy phải di chuyển quãng đường hơn 70km đến trường. Trên hành trình đó, em luôn đau đáu những nỗi lo, nhất là về tai nạn giao thông.

Mỗi ngày di chuyển bằng xe máy 70km

Tôi hẹn gặp Trần Nguyễn Bảo Duy ở cổng Trường THPT Gia Nghĩa (Đắk Nông). Tan học, Bảo Duy dắt chiếc xe máy dung tích 50cm3 ra khỏi cổng để về nhà.

Gặp tôi, Bảo Duy khẽ gập mình, lễ phép: "Cháu chào chú ạ".

Lời chào hơi nhỏ, nhưng qua hành động, ánh mắt của Bảo Duy, tôi cảm nhận được đây là một cậu học trò ngoan, lễ phép, được giáo dục tốt.

dc5729f8e-1-.jpg
Trần Nguyễn Bảo Duy, học sinh Trường THPT Gia Nghĩa (Đắk Nông) hàng ngày phải tự đi xe đến trường

Tôi bắt chuyện với Bảo Duy và được biết, nhà của em ở tận thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, cách trường hơn 16km. Bảo Duy có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Cả gia đình em đang mượn tạm khu tập thể Trường tiểu học Tô Hiệu, xã Đắk Nia để ở. Bảo Duy cho biết, gia đình mượn được nhà tập thể là vì mẹ của em đang làm văn thư tại Trường tiểu học Tô Hiệu.

Bố của Bảo Duy là lao động tự do, không có việc làm ổn định. Sau Bảo Duy còn có 3 em nhỏ và tất cả đều đang đi học. Gia đình em có 2 chiếc xe máy. Trong đó, một chiếc bố sử dụng để đi làm hàng ngày. Chiếc còn lại (xe có dung tích 50cm3) Bảo Duy và em trai kế mình là Trần Nguyễn Bảo Toàn, học lớp 9, hàng ngày dùng để chở nhau tới trường.

Tạm dừng câu chuyện, Bảo Duy lên xe ra về để kịp đón em trai Bảo Toàn. Tôi chạy theo sau quan sát và nhận thấy em chạy xe rất cẩn thận.

dcf72df7-1-.jpg
Mỗi ngày Trần Nguyễn Bảo Duy, học sinh Trường THPT Gia Nghĩa (Đắk Nông) phải di chuyển khoảng 70km để đi học

Bảo Duy chạy chậm. Mỗi lần qua khúc cua, ngã rẽ, em đều ra tín hiệu xi nhan, quan sát rất kỹ. Tuy nhiên, nhìn dáng dấp của Bảo Duy, tôi cảm nhận em vẫn có chút gì đó thiếu tự tin.

Tôi theo chân Bảo Duy về tới nhà. Mẹ của em niềm nở ra chào hỏi khách. Bảo Duy rót ly nước mời tôi rồi bẽn lẽn ngồi bên cạnh.
Tôi hỏi Bảo Duy: "Hành trình tới trường của cháu diễn ra như thế nào?".

Bảo Duy thoáng đưa mắt nhìn mẹ rồi đáp: "5 giờ sáng cháu đã dậy để chuẩn bị đi học. Nhà xa trường nên phải dậy sớm. Bố mẹ không thể đưa đón được nên anh em cháu phải tự lo".

Bảo Duy cho biết thêm, học buổi sáng về tới nhà là gần 12 giờ trưa. Ăn cơm xong là em lại tiếp tục đi học để kịp giờ, không có thời gian nghỉ ngơi.

db336f028(1).jpg
Bảo Duy tranh thủ ôn bài giữa trưa để đi học buổi chiều

Chỉ tính riêng việc đi học, mỗi ngày Bảo Duy phải di chuyển trên đường bình quân khoảng 70km. Tuyến đường Bảo Duy thường ngày đi học có mật độ xe cộ đi lại khá đông đúc.

Đặc biệt là đoạn quốc lộ 28 từ xã Đắk Nia đến trung tâm TP. Gia Nghĩa có lưu lượng người và phương tiện lưu thông rất đông. Điều này cũng đồng nghĩa với rủi ro cao về tai nạn giao thông.

Canh cánh những điều lo âu

Tai nạn giao thông là điều mà Bảo Duy canh cánh lo âu nhất trong lòng lâu nay. Kỹ năng xử lý tình huống, kinh nghiệm chạy xe chưa tốt, tay lái còn yếu... là những điều mà em nhận thức được.

"Cháu rất sợ xảy ra tai nạn. Mỗi ngày chạy xe đến trường cháu đều rất lo sợ. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cháu phải chấp nhận", Bảo Duy tâm sự.

263e886a09-1-(1).jpg
Gia đình Bảo Duy thuộc diện khó khăn, phải ở tạm trong khu tập thể Trường tiểu học Tô Hiệu, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa

Thực tế tai nạn giao thông cũng đã xảy ra với em. Bảo Duy kể, cách đây khoảng 2 tuần, em đang trên đường tới trường thì va chạm với một người điều khiển xe máy băng qua đường.

Tình huống quá nhanh khiến Bảo Duy không kịp xử lý. Cả người và xe ngã ra đường, nhưng may mắn là em đi chậm nên không bị thương trong vụ tai nạn đó. Tuy nhiên, vụ tai nạn đã ám ảnh Bảo Duy nhiều ngày.

Ngoài nỗi lo về tai nạn giao thông, Bảo Duy cũng tiết lộ rằng rất sợ các chú cảnh sát giao thông. Bởi vì theo em, việc chạy xe trên đường không thể tránh khỏi những lúc vi phạm quy định về an toàn giao thông.

"Cháu chỉ sợ các chú công an phạt, giữ xe thì không biết lấy gì để đi học. Vì thế, ra đường cháu chạy xe không mấy tự tin", Bảo Duy tâm sự.

d6ee2387-1-.jpg
Dù hoàn cảnh khó khăn, phải tự đi học nhưng Bảo Duy và em trai vẫn rất có ý thức trong học tập

Chị Nguyễn Thị Loan, mẹ của Bảo Duy, cho biết việc để con phải tự đi học với quãng đường xa như vậy, vợ chồng chị cũng rất xót xa. Chị lo hàng ngày con gặp những điều bất trắc trên đường.

Vợ chồng chị Loan luôn căn dặn con đi xe cẩn thận, chấp hành đúng quy định về an toàn giao thông. Tuy nhiên, Bảo Duy còn "trẻ người non dạ", nên rất khó lường hết được các tình huống.

"Lo thì lo thật, nhưng cũng không biết làm sao. Gia đình không có điều kiện để đưa đón con. Trong khi dịch vụ đưa đón học sinh cũng chưa có", chị Loan cho biết.

Chia tay gia đình Bảo Duy mà trong lòng chúng tôi có nhiều điều trăn trở về sự an toàn của học sinh Đắk Nông. Bởi vì không chỉ riêng trường hợp của Bảo Duy mà theo Ban An toàn giao thông tỉnh, Đắk Nông có khoảng 50.000 học sinh phải tự đi xe đến trường.

Phương tiện của các em học sinh chủ yếu là xe máy, xe điện và xe đạp. Trong số này, có rất nhiều em sử dụng xe máy có dung tích trên 50cm³, trái với quy định của Luật Giao thông đường bộ.

d5ea3f-1-.jpg
Đắk Nông có khoảng 50.000 học sinh phải tự đi xe đến trường

Cũng theo Ban An toàn giao thông tỉnh, phần lớn học sinh phải tự đi xe đến trường vì hoàn cảnh gia đình không có điều kiện đưa đón. Nhiều em ở xa trường hàng chục km, điều kiện đi lại rất khó khăn.

Thượng tá Phạm Quốc Lập, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, phần lớn học sinh phải tự đi xe đến trường vì hoàn cảnh gia đình không thể đưa đón được.

Tuy nhiên, dù thông cảm với hoàn cảnh của các em, nhưng nếu học sinh đi xe không đúng quy định, lực lượng CSGT vẫn sẽ xử lý nghiêm, không có ngoại lệ hay bỏ qua vi phạm.

"Xử lý vi phạm là để thượng tôn pháp luật, giáo dục ý thức về an toàn giao thông cho lớp trẻ và là biện pháp bảo vệ học sinh hiệu quả", Thượng tá Phạm Quốc Lập chia sẻ.

2 Bình luận
    Nổi bật
        Mới nhất
        Bảo Duy và hành trình 70km mỗi ngày đi học
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO