Với đồng bào dân tộc thiểu số, Báo Đắk Nông thực sự là bạn đồng hành trong cuộc sống |
Cứ đều đặn ngày cuối tháng, anh K’Sớ ở thôn 1, xã Quảng Khê (Đắk Glong) lại tìm đến nhà trưởng thôn để mượn Báo Đắk Nông cũng như các ấn phẩm báo chí về đọc. Theo anh K’Sớ thì 5 năm về trước, khi có ý định phát triển kinh tế gia đình, anh loay hoay mãi không biết làm bằng cách nào thì được trưởng thôn cho mượn mấy tờ báo về đọc và anh đã học được cách làm là phát triển chăn nuôi bò kết hợp trồng trọt.
Nhờ chăn nuôi đúng cách, đúng phương pháp nên đàn bò của anh phát triển ổn định, ít dịch bệnh với số lượng hơn 50 con. Cuộc sống của gia đình anh từ đó khá dần lên, ngoài xây dựng được ngôi nhà khang trang thì còn mua sắm được tiện nghi sinh hoạt phục vụ đời sống hàng ngày, nuôi con cái đi học đàng hoàng. Từ đó, anh thường xuyên “làm bạn” với Báo Đắk Nông hơn.
Anh K’Sớ phấn khởi nói: “Gia đình tôi có được như ngày hôm nay là nhờ đọc và học kinh nghiệm qua Báo Đắk Nông đấy. Với kết cấu hình thức như tờ tin ảnh, bài ngắn, ảnh đẹp, nội dung bao quát cả những vấn đề thời sự trong nước, trong tỉnh, các chính sách mới, các gương điển hình tiên tiến ở các địa phương… đã giúp đồng bào nắm bắt nhiều thông tin cần thiết để áp dụng vào sản xuất. Báo Đắk Nông thực sự là kênh thông tin hữu ích cho người dân chúng tôi đấy”.
Tương tự, mặc dù có con một bề, nhưng vợ chồng chị Thị Xanh ở bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) quyết tâm dừng lại để nuôi dạy con cho tốt. Theo như lời chị Thị Xanh thì sau khi đọc được trên Báo Đắk Nông viết về những hệ lụy của việc sinh con nhiều nên vợ chồng chị đã cùng nhau bàn bạc, quyết định “kế hoạch” theo phương pháp thích hợp. Giờ đây, ngoài thời gian lên nương rẫy, những lúc rảnh rỗi, vợ chồng chị có thời gian quan tâm đến con cái và chăm sóc gia đình tốt hơn.
Chị Thị Xanh vui vẻ nói: “Tôi biết ơn Báo Đắk Nông nhiều lắm, vì có những bài viết định hướng đúng đắn mà gia đình xây dựng cuộc sống ngày càng phát triển. Không chỉ giúp tiếp cận những thông tin hữu ích về chăm sóc cây trồng, vật nuôi mà báo còn giúp chúng tôi biết đâu là lẽ phải, đâu là những hủ tục cần xóa bỏ”.
Còn chị H’Sen ở bon Bu Sốp, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cũng luôn tìm Báo Đắk Nông để đọc và tìm hiểu thông tin về chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
Chị H’Sen cho biết: “Gia đình tôi có 2 ha cà phê đã già cỗi, năng suất kém lắm. Cả nhà đang loay hoay không biết làm sao để nâng cao năng suất thì đọc trên báo thấy khuyến khích tái canh và trẻ hóa vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi. Thế là tôi đi tìm hiểu rồi áp dụng ngay, nhờ đó mà 2 ha cà phê của gia đình giờ xanh tốt, hứa hẹn năng suất cao”.
Có thể thấy, ngoài việc khuyến khích bà con lựa chọn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Báo Đắk Nông còn định hướng dư luận, hướng dẫn cho đồng bào thực hiện theo cái hay, cái đẹp như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ, lao động sản xuất, đưa con em đến trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, loại bỏ các hủ tục lạc hậu...
Đặc biệt, từ năm 2012, ấn phẩm Báo ảnh Đắk Nông song ngữ Việt - Mông- M’nông ra đời, phát hành đến tận tay nhiều độc giả là đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức của đồng bào về mọi lĩnh vực cuộc sống.
Ông Phàn Díu Nhàn ở trảng 3, xã Đắk Ha (Đắk Glong) cho biết: “Tôi thấy các thông tin được đăng tải trên Báo ảnh Đắk Nông ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, hình ảnh đẹp, sát với thực tế, phù hợp với bạn đọc, nên có tác động mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giữ gìn sự đoàn kết, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Tôi mong rằng, báo chí của Đảng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa và đồng hành cùng đồng bào trong xây dựng cuộc sống mới”.
Có thể nói, bằng hình thức chuyển tải những câu chuyện có thật, những con người cụ thể, những bức ảnh sinh động, các ấn phẩm báo chí đã thường xuyên thông tin cập nhật đến người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công khai những chính sách ưu đãi hỗ trợ cho người nghèo. Từ đó, niềm tin đối với Đảng và Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao.