Tại Sắc lệnh số 234/SL ngày 14/6/1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, xác định: “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là một quyền lợi của Nhân dân” (Ðiều 15) và “Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo” (Ðiều 13).
Trong mỗi giai đoạn, Ðảng, Nhà nước ta đều ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Tiêu biểu như Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa IX) về công tác tôn giáo; Pháp lệnh 21/2004/PL-UBTVQH11 ngày 18/6/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 22/2005/NÐ-CP ngày 1/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà đất liên quan đến tôn giáo...
Tại Hiến pháp năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào". Ngày 18/11/2016, Quốc hội đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo...
Giáo xứ Gia Nghĩa thăm, chúc Tết UBND tỉnh |
Nhờ có chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân được bảo đảm ngày càng tốt hơn, số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng.
Ðến năm 2021, Việt Nam đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với hơn 26 triệu tín đồ, 54.000 chức sắc, tăng lữ; 135.000 chức việc; 29.000 cơ sở thờ tự. Ðời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phong phú, đa dạng, nhiều lễ hội lớn trong các tôn giáo thu hút đông đảo tín đồ, người dân tham dự...
Trên địa bàn tỉnh Ðắk Nông, hiện có 3 tôn giáo chính đang hoạt động gồm: Công giáo, Tin lành và Phật giáo. Số lượng tín đồ các tôn giáo khoảng 278.000 người; chức sắc khoảng 344 người; tu sỹ, chức việc khoảng 1.000 người.
Trong những năm qua, để cụ thể hóa các quy định pháp luật về tôn giáo, tỉnh đã ban hành hàng trăm văn bản liên quan đến hoạt động của tổ chức tôn giáo. Các văn bản đều sát với thực tiễn công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo tại địa phương.
Các ngành, địa phương cũng đã ban hành 457 văn bản phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo; trả lời giáo hội tôn giáo về những nội dung liên quan đến nhu cầu tôn giáo.
Các chức sắc, tín đồ tôn giáo cũng được khuyến nghị, hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật. Hàng năm, các cấp ngành, địa phương thường xuyên thăm hỏi, động viên, gặp gỡ, trao đổi với chức sắc, người đứng đầu các tổ chức tôn giáo, tạo không khí cởi mở, gần gũi giữa các bên.
Hoạt động tôn giáo luôn bảo đảm tự do, phát triển (Ảnh: Tăng ni dự Đại lễ Phật đản 2022 tại chùa Pháp Hoa, TP.Gia Nghĩa) |
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tôn giáo cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện thường xuyên, kịp thời, phù hợp với các đối tượng khác nhau.
Việc phát động phong trào thi đua xây dựng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo văn minh, khu dân cư không có tệ nạn xã hội đã được các tổ chức tôn giáo hưởng ứng rộng rãi và duy trì thường xuyên.
Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác tôn giáo đã kịp thời giải quyết nhu cầu tôn giáo chính đáng, phù hợp pháp luật, chấn chỉnh các hoạt động sai phạm.
Chức sắc, tín đồ các tôn giáo ngày càng tin tưởng, nâng cao ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về tôn giáo; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, từ thiện nhân đạo.
Hiện toàn tỉnh có hàng trăm chức sắc, tín đồ có uy tín cao trong các tổ chức tôn giáo tham gia vào HĐND các cấp. Thời gian qua, giáo hội các tôn giáo đã quyên góp, ủng hộ hàng chục tỷ đồng để cùng với chính quyền thực hiện các vấn đề về an sinh xã hội...
Quan trọng hơn, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh hầu như không xảy ra các "điểm nóng" về tôn giáo. Tôn giáo ngày càng phát triển, có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội, giáo hội của mình.