Bảo đảm chăn nuôi an toàn khi tái đàn lợn

Hồng Thoan| 22/04/2020 08:59

Sau khi dịch tả lợn châu Phi được dập tắt, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang tập trung thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trở lại. Việc chăn nuôi lợn được người dân, doanh nghiệp thực hiện theo hướng an toàn về dịch bệnh, hiệu quả về kinh tế.

Theo Chi cục Phát triển Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - PTNT), hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi  (DTLCP) trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết có nhiều thay đổi như hiện nay, nguy cơ xuất hiện dịch bệnh này trở lại vẫn còn.

Bên cạnh đó, các bệnh thông thường khác như tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển... trên lợn rất có thể xảy ra. Chẳng hạn như cuối tháng 3/2020 vừa qua, bệnh DTLCP đã tái diễn đối với đàn lợn của một hộ dân ở thôn 4, xã Quảng Khê (Đắk Glong), buộc phải tổ chức tiêu hủy. Vì vậy, trong thời gian tới ngành chức năng, các địa phương vẫn phải luôn chú trọng phòng, chống dịch bệnh trong quá trình phát triển đàn lợn.

Gia đình ông Hoàng Văn Mười, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) đang nuôi lứa lợn thứ 2 sau DTLCP

Cũng theo Chi cục Phát triển Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - PTNT), hiện nay, các địa phương vẫn duy trì các hoạt động phòng, chống DTLCP và các bệnh khác trên đàn vật nuôi. Ngành chức năng, các địa phương vẫn đang duy trì các chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông; tăng cường kiểm tra các lò mổ, xe vận chuyển lợn giống, lợn thịt, sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn.

Tại các điểm phát sinh bệnh DTLCP trước đây, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đã tổ chức tiêu hủy nhanh, đúng quy trình bảo đảm các yêu cầu vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt vùng dịch. Đặc biệt, một số điểm tái phát bệnh DTLCP đều được các địa phương khống chế thành công, không để lây lan diện rộng.

Gia đình ông Hoàng Văn Mười, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc chuồng trại sạch sẽ chuồng trại trước khi tái đàn lợn

Bệnh DTLCP cơ bản được khống chế, nên nhiều khu vực, người chăn nuôi bắt đầu tái đàn trở lại. Để bảo đảm tái đàn, tăng đàn hiệu quả, hoạt động hướng dẫn Nhân dân tuân thủ các quy định, quy trình về chăn nuôi an toàn sinh học được ngành Nông nghiệp, các địa phương coi trọng. Theo ông Lê Xuân Hướng, cán bộ thú y xã Đắk Wer (Đắk R’lấp), kể từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn xã đã không còn xuất hiện DTLCP.

Hiện nay, tất cả các hộ từng có lợn mắc bệnh DTLCP đều đã nuôi trở lại, một số hộ đã có lợn xuất bán. Tuy nhiên, với tinh thần không chủ quan, với vai trò của mình, ông vẫn thường xuyên bám sát từng hộ dân để tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học. Tháng 3 vừa qua, xã Đắk Wer cũng đã sử dụng 60 lít hóa chất tiêu độc, khử trùng các điểm có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh trên toàn xã, qua đó tạo sự an tâm cho người dân khi phục hồi chăn nuôi lợn.

Theo ngành Nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, các hộ chăn nuôi, các trang trại trên địa bàn tỉnh đã và đang bắt tay vào tái đàn, tăng đàn lợn. Tính đến hết quý I/2020, đàn lợn toàn tỉnh đã tăng trở lại được 232.910 con, đạt 109% so với kế hoạch năm; thấp hơn khoảng 17.000 con nhưng so với cùng kỳ năm ngoái (thời điểm chưa xuất hiện DTLCP). Đến nay, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã hỗ trợ tổng cộng hơn 6,2 tỷ đồng cho các hộ dân, trang trại có lợn bị tiêu hủy do DTLCP.

Thời gian qua, bà con các địa phương đều làm tốt việc vệ sinh, bảo đảm môi trường chăn nuôi an toàn hơn. Chẳng hạn, tháng 10/2019, ông Hoàng Văn Mười, ở thôn 6, xã Đắk Wer, từng bị DTLCP tấn công làm chết 190 con lợn. Hiện nay, ông Mười bắt đầu tái đàn, nuôi lợn trở lại. Cụ thể, gia đình ông đã mua 100 con lợn giống về nuôi và xuất bán được 1 lứa. Ông đã có lãi trung bình khoảng 2 triệu/1 con lợn. Hiện nay, gia đình đang tiếp tục nuôi lứa thứ 2, với khoảng 100 con lợn và hy vọng sẽ tăng thêm thu nhập.

Ông Mười cho biết: “Để chăn nuôi an toàn, gia đình cho rằng vấn đề con giống sạch bệnh, chất lượng là yếu tố quyết định thành công. Tôi mua con giống của một trang trại được cơ quan chuyên môn chứng nhận sản xuất giống đạt chuẩn. Cùng với đó, hàng ngày, gia đình luôn chú trọng thực hiện tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, sử dụng nguồn thức ăn của các đơn vị cung ứng uy tín”.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/bao-dam-chan-nuoi-an-toan-khi-tai-dan-lon-79329.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/bao-dam-chan-nuoi-an-toan-khi-tai-dan-lon-79329.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Bảo đảm chăn nuôi an toàn khi tái đàn lợn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO