Bảo đảm an toàn cho người dân vùng động đất

Bài và ảnh: ĐÔNG HUYỀN, PHÚC THẮNG| 21/11/2024 07:58

Những năm gần đây, tại các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi liên tục xảy ra động đất với độ rung chấn ngày càng lớn. Động đất ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân vùng tâm chấn và khu vực lân cận. Để bảo đảm an toàn cho nhân dân, các tỉnh, thành phố miền trung - Tây Nguyên triển khai nhiều biện pháp ứng phó nhằm giảm thiệt hại, tăng cường bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Theo thống kê của Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, trong ba năm qua, trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và vùng lân cận đã ghi nhận hơn 700 trận động đất. Đặc biệt, cuối tháng 7/2024 xảy ra hai trận động đất lớn nhất được ghi nhận trong nhiều năm qua, với độ lớn 4.1 và 5.0. Tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi xảy ra hàng trăm vụ động đất, hoặc bị ảnh hưởng rung chấn động đất từ tỉnh Kon Tum.

Bảo đảm an toàn cho người dân vùng động đất ảnh 1

Thủy điện Sông Tranh 2 có dung tích 729,2 triệu m3 nước, là một trong những hồ chứa có dung tích lớn tại tỉnh Quảng Nam.

Xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, có 490 hộ với 1.600 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Xê Đăng. Toàn xã có 6 thôn, trong đó hai thôn trong khu vực lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Là một trong những xã chịu ảnh hưởng do trận động đất có độ lớn 5.0 trong tháng 7 vừa qua, người dân lo lắng nhất là sập nhà cửa, công trình hạ tầng.

Trong ba năm qua, trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và vùng lân cận đã ghi nhận hơn 700 trận động đất. Đặc biệt, cuối tháng 7/2024 xảy ra hai trận động đất lớn nhất được ghi nhận trong nhiều năm qua, với độ lớn 4.1 và 5.0. Tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi xảy ra hàng trăm vụ động đất, hoặc bị ảnh hưởng rung chấn động đất từ tỉnh Kon Tum.

Chị Y Ky ở xã Đăk Tăng cho biết: “Có hôm có ba đến bốn trận động đất. Gia đình tôi quen rồi, nhẹ thì không chạy chứ mạnh thì phải chạy đi. Nếu động đất xảy ra ban ngày thì còn có thể chạy tránh chứ ban đêm thì e phản ứng không kịp”.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Tăng Nguyễn Văn Bay: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã xảy ra nhiều trận động đất. Ủy ban nhân dân xã đã thành lập tổ, đội về thôn giải tỏa băn khoăn, lo lắng của người dân; kiểm tra nhà dân, công trình có nguy cơ nứt do động đất. Người dân rất mong các cơ quan chuyên môn trực tiếp hướng dẫn, diễn tập cho chính quyền, người dân để biết các kỹ năng ứng phó.

Nhiều năm qua, hai huyện miền núi Sơn Hà và Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi liên tục xảy ra động đất và chịu ảnh hưởng động đất từ các tỉnh trong khu vực, ảnh hưởng đến tài sản của nhân dân cũng như hạ tầng cơ sở ở huyện miền núi này. “Các khu dân cư, nhà dân vốn nằm ở vùng núi có nguy cơ sạt lở lớn, bây giờ thêm động đất ngày càng nhiều, cho nên cần có biện pháp cảnh báo, ứng phó kịp thời”, một cán bộ huyện Sơn Tây cho biết.

Bảo đảm an toàn cho người dân vùng động đất ảnh 2

Thủy điện Thượng Kon Tum là một trong những thủy điện lớn của tỉnh Kon Tum, có với dung tích toàn bộ hồ chứa 145,52 triệu m3 và tuyến năng lượng dài gần hơn 20 km.

Để bảo đảm an toàn cho nhân dân vùng tâm chấn động đất và khu vực lân cận, các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi đã chủ động thông tin kịp thời về động đất; hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho người dân, nhất là đối với người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, động viên nhân dân tiếp tục sản xuất và ổn định cuộc sống.

Tỉnh Kon Tum phối hợp Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ cơ sở và người dân cách phòng tránh, ứng phó với động đất. Tại huyện Kon Plông, người dân các xã Đăk Tăng, Măng Bút, Đăk Ring, Pờ Ê, Đăk Nên, Măng Cành tham gia các khóa kỹ năng ứng phó động đất; chính quyền địa phương phối hợp cơ quan chức năng thực hành, diễn tập di dời người dân khu vực tâm chấn động đất. Chị Y Kiều ở xã Đăk Nên chia sẻ: “Tôi được tập huấn, hướng dẫn để bảo vệ mình thoát khỏi nơi nguy hiểm khi có động đất, biết nơi mình cần di chuyển đến để bảo đảm an toàn”.

Bên cạnh các biện pháp ứng phó động đất, các tỉnh khu vực miền trung - Tây Nguyên đánh giá tình trạng, tính chất các vụ động đất để có cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai và công bố rộng rãi cho nhân dân; kiểm tra, đánh giá khảo sát các khu dân cư, nhà ở, công trình kiên cố, xuống cấp, sụt lún, rạn nứt để có phương án gia cố bảo đảm an toàn cho người dân.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông Lê Đức Tín: Các kỹ năng tự phòng tránh, bảo vệ được cập nhật thường xuyên để người dân nắm rõ và ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, huyện kiến nghị tỉnh có ý kiến với cơ quan chuyên môn đánh giá kỹ động đất, theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực.

Trong nhiều năm qua, việc phát triển hệ thống thủy điện, hồ chứa, tích nước ở khu vực miền núi các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi đã tác động đến địa hình, địa chất. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường kiểm soát hoạt động của thủy điện, vận hành hồ chứa, tích nước. Các nhà máy thủy điện cần quản lý, vận hành bảo đảm an toàn công trình; theo dõi, quan trắc đập và các hạng mục công trình để đánh giá về ảnh hưởng của động đất, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.

Giám đốc Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum Trần Công Đàm cho biết: Đơn vị phối hợp chặt chẽ với Viện Vật lý Địa cầu để có kết quả nghiên cứu từng bước của bản chất, quy luật, phân vùng động đất trên địa bàn, từ đó sẽ chủ động bổ sung quy trình, phương án ứng phó mới phù hợp; đồng thời, chủ động nguồn lực, phương tiện sẵn sàng xử lý kịp thời các bất thường, hư hỏng công trình nếu có.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu khẳng định: “Chúng tôi yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý thủy điện, thủy lợi tăng cường khảo sát, quan trắc trong khu vực động đất kích thích và vùng ảnh hưởng để đánh giá mức độ rủi ro, chủ động ứng phó giảm thiểu thiệt hại; đồng thời, kiến nghị bộ, ngành Trung ương hỗ trợ nghiên cứu về mối quan hệ giữa động đất và việc tích nước các hồ thủy điện ở Quảng Nam và vùng lân cận; dự báo và đề xuất các giải pháp về phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai động đất cho các công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh”.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/bao-dam-an-toan-cho-nguoi-dan-vung-dong-dat-post846041.html
Copy Link
https://nhandan.vn/bao-dam-an-toan-cho-nguoi-dan-vung-dong-dat-post846041.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Bảo đảm an toàn cho người dân vùng động đất
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO