Độc lập trong quá trình bảo dưỡng
Trong đợt bảo dưỡng này, khối lượng thi công tại phân xưởng nung hydrat rất lớn. Tại phân xưởng được chia làm 2 giai đoạn bảo dưỡng chính. Đó là, giai đoạn dừng bảo dưỡng hệ thống lọc bàn và bảo dưỡng hệ thống lò nung.
Khu vực bảo dưỡng rộng, có 5 đơn vị ngoài vào làm việc, nên phân xưởng chuẩn bị khá chu đáo cho đợt bảo dưỡng. Cụ thể, phân xưởng xây dựng và thực hiện 5 phương án khác nhau để vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, vừa an toàn trong sản xuất và sửa chữa.
Kiểm tra y tế cho người lao động thuộc đơn vị thi công trước khi vào nhà máy |
Ông Nguyễn Phi Hoàn, Phó Quản đốc phụ trách phân xưởng nung hydrat cho biết, mỗi phân xưởng được giao quản lý 1 khu vực riêng về nơi cấp phiếu công tác, phân luồng ra, vào và khu vực vệ sinh cho các đơn vị. Tại phân xưởng đã bố trí nơi sinh hoạt và khu vệ sinh riêng biệt.
Thời gian thay ca cho các đơn vị thi công cũng được phân chia hợp lý, không rơi vào cùng 1 thời điểm. "Nhờ đó đã tránh được trường hợp giữa người lao động của phân xưởng tiếp xúc với đơn vị ngoài và giữa các đơn vị ngoài tiếp xúc với nhau", ông Hoàn cho biết.
Phân xưởng khí hóa than đang thực hiện cung cấp toàn bộ khí than cho lò nung hydrat để cho ra sản phẩm alumin. Để phục phụ công tác phòng, chống dịch cho đợt dừng sản xuất, phân xưởng vẫn tiếp tục duy trì “3 tại chỗ”.
Các phương án phân bổ thời gian được phân xưởng xây dựng cụ thể. Từ đó, giúp người lao động tại đơn vị vừa tham gia bảo dưỡng, vừa vận hành nhà máy và phòng, chống dịch hiệu quả.
Phân xưởng đã tách các thiết bị quan trọng nhất nhằm phục vụ cho quá trình bảo dưỡng được diễn ra trong thời gian ngắn nhất. Trong đợt này, phân xưởng đã đưa hệ thống đường ống hơi nước, quạt tăng áp và thiết bị trừ giọt (thiết bị tách nước) trong sản phẩm ra để sửa chữa.
"Mục tiêu của kế hoạch bảo dưỡng đợt này là nhằm bảo đảm cho chất lượng sản phẩm từ giờ đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đạt cao nhất”, ông Nguyễn Văn Nhường, Quản đốc phân xưởng khí hoá than chia sẻ.
Công nhân Chi nhánh Công ty Thiết bị Sài Gòn sửa chữa thiết bị tại phân xưởng khí hóa than |
Tuân thủ các quy định về phòng dịch
Là một trong những đơn vị tham gia bảo dưỡng đợt này, Chi nhánh Công ty Thiết bị Sài Gòn tại Đắk Nông luôn tuân thủ đầy đủ các quy định khi ra, vào và làm việc tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ.
Theo ông Dương Thanh Tiến, Trưởng Đại diện Chi nhánh Công ty, tổng nhân lực của đơn vị tham gia trong đợt bảo dưỡng này là 120 người. Công việc mà đơn vị đang đảm nhiệm là vệ sinh, bảo dưỡng tại 3 phân xưởng.
Cụ thể như bảo dưỡng tại phân xưởng nhiệt điện, sửa chữa mạng đường ống tại phân xưởng khí hóa than, bảo dưỡng hệ thống quanh mỏ đốt của phân xưởng nung hydrat.
Trước khi vào nhà máy, Công ty đã cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên đến trước 21 ngày và thực hiện các quy định về y tế. Toàn bộ công nhân được bố trí ăn, ở độc lập tại khu nhà ở của Công ty.
Khu vực sửa chữa luôn được Công ty thường xuyên sát khuẩn |
Mỗi phòng ở của công nhân đều được Công ty trang bị nhiệt kế, bình khử khuẩn và dung dịch rửa tay hàng ngày. Quá trình làm việc của người lao động được Công ty quán triệt phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nhà máy.
Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đã xây dựng kế hoạch cho đợt dừng sản xuất phục vụ bảo dưỡng lần 3 cách đây gần 2 tháng. Kế hoạch vừa bảo đảm cho việc ổn định sản xuất, vừa an toàn trong phòng, chống dịch. Do lực lượng tham gia bảo dưỡng tại nhà máy rất lớn, đến từ nhiều địa phương khác, nên gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển, đi lại.
Hiện tại, đang có 10 nhà thầu, với gần 600 lao động đến làm việc cùng 1 lúc. Vì vậy, trước khi tham gia bảo dưỡng, Công ty đã thông báo cho các nhà thầu về quy trình, cách thức để tổ chức thực hiện trước và trong khi vào làm việc. Vì vậy, các nhà thầu, từng phân xưởng đã lập và triển khai thực hiện chi tiết các phương án trong quá trình ra, vào và thi công trong Công ty.
Theo ông Ngô Tố Ninh, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV, các đơn vị nhà thầu đang tổ chức cách ly độc lập. Các đơn vị ở đây đều đăng ký với Công ty để được hỗ trợ “3 tại chỗ” ngay tại nhà máy.
Một số nhà thầu khác có văn phòng riêng sẽ thực hiện nghiêm túc phương án “1 cung đường - 2 điểm đến” khi ra, vào làm việc. Tức là công nhân sẽ chỉ đến nhà máy làm việc và về lại trụ sở. Công ty sẽ có bộ phận theo dõi, giám sát chặt chẽ.