Báo Đắk Nông và “cuộc chiến” ứng dụng AI
Báo Đắk Nông có những bước tiến mạnh mẽ về chuyển đổi số. Mô hình tòa soạn hội tụ, ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động chuyên môn đã mang lại cho Báo Đắk Nông những kết quả nổi trội trong hệ thống báo Đảng địa phương.
Báo Đắk Nông có những bước tiến mạnh mẽ về chuyển đổi số. Mô hình tòa soạn hội tụ, ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động chuyên môn đã mang lại cho Báo Đắk Nông những kết quả nổi trội trong hệ thống báo Đảng địa phương. Để có kết quả ấy, tập thể đơn vị đã trải qua một “cuộc chiến” về nhận thức và hành động. Những trao đổi với Tổng Biên tập Báo Đắk Nông sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về những khó khăn, thách thức và kết quả ứng dụng AI trong hoạt động của Báo Đắk Nông.
PV: Thưa anh, Báo Đắk Nông đã ứng dụng AI trong sản xuất tin, bài như thế nào?
Ứng dụng AI được triển khai từ khi Đảng ủy Báo Đắk Nông ra nghị quyết về nâng cao chất lượng, hiệu quả các sản phẩm báo chí, bao gồm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị tòa soạn, quản trị nội dung. Ứng dụng AI là một phần trong nội dung đó. Sau khi có nghị quyết, có kế hoạch, Báo Đắk Nông tiến hành từng nhóm ứng dụng. Nhóm đầu tiên là liên quan đến text. Một phần ứng dụng này tích hợp hệ thống quản trị nội dung để soát lỗi, gợi ý SEO, gợi ý đặt tít tin, bài. Chúng tôi đang chuẩn bị để AI giúp ứng dụng tóm tắt văn bản…
Nhóm ứng dụng khác liên quan video, audio… để giúp gỡ băng, làm báo nói trên báo điện tử, thực hiện các tin video do MC ảo đọc, lên hình.
Một nhóm ứng dụng nữa làm đồ họa, biểu đồ, tạo hình ảnh minh họa. Chúng tôi ứng dụng thông qua các phần mềm như canva, Dall-e, Copilot… để làm infographic, biểu đồ, hình ảnh minh họa…
Việc ứng dụng AI bắt đầu từ đầu năm 2022, khá vất vả bởi phải vượt qua sức ì của tư duy làm báo in. Sau khoảng 6 tháng, từ những sản phẩm đầu tiên của một nhóm 2- 3 người thực hiện, các phòng chuyên môn mới thực hiện đại trà. Đến nay, sau 2 năm thực hiện, nhiều ứng dụng đã được mọi người thực hiện khá thuần thục, hoặc phối hợp thực hiện rất tốt.
Một nhóm ứng dụng khác, không dễ nhận thấy trên mặt báo là các ứng dụng liên quan thu thập thông tin bạn đọc, thu thập thông tin liên quan đến nội dung, chủ đề, xu hướng…Nhóm này giúp tòa soạn đánh giá khách quan về hiệu quả của các sản phẩm báo chí, giúp tổ chức các tin, bài sát hơn với đời sống và bạn đọc.
PV: Điều thôi thúc và cản trở khi ứng dụng AI vào tòa soạn?
Chúng tôi nhận thức báo chí địa phương hiện nay không còn gò bó trong địa giới hành chính của mình mà phải mở rộng phạm vi lan tỏa hơn. Qua đó, giúp bảo đảm và nâng cao vai trò, vị thế trong giai đoạn mới. Do vậy phải đổi mới, phải ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại.
Công nghệ, trong đó có AI, giúp cơ quan báo chí, dù quy mô nhỏ như Báo Đắk Nông cũng có thể ứng dụng được các công nghệ hiện đại như bất cứ cơ quan báo chí nào khác. AI giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí… sản xuất tin, bài. Những tòa soạn, dù nhỏ, nguồn lực về con người, tài chính eo hẹp, nếu mạnh dạn ứng dụng sẽ có điều kiện để vươn lên, tạo thêm những giá trị cho chính những công việc của mình.
Đó là những thuận lợi. Nhưng khi thực hiện đã vấp phải không ít trở ngại. Trở ngại đầu tiên và lớn nhất là tư duy ngại thay đổi của nhiều người vốn quen làm báo in, quen với tư duy “an toàn”. Thay đổi nào cũng tiềm ẩn những rủi ro, và nhiều người không muốn. Mặt khác, cơ quan báo chí địa phương vốn được bao cấp nên ít chịu sức ép, áp lực “bắt buộc” phải đổi mới.
Một trở ngại nữa - đôi khi là cái cớ để nhiều người không muốn, không dám ứng dụng công nghệ AI vào tòa soạn là hiện nay chưa có bộ quy tắc hay quy định chính thức nào cho các tòa soạn về ứng dụng AI.
Công nghệ lại mới, hầu như không có người làm rồi để mình học và làm theo. Nên mình xác định phải thuộc nhóm tiên phong, chứ không chờ đi theo ai đó đã làm. Xác định phải nhảy xuống nước thì mới biết bơi. May mắn là tập thể đã đồng thuận và nỗ lực vượt qua những trở ngại và sức ì.
PV: Thế mình bắt đầu “bơi” từ đâu?
Ban Biên tập, nhất là người đứng đầu mang tính quyết định nhưng thay đổi và ứng dụng AI phải đồng bộ, chứ không chỉ mỗi dựa vào một nhóm “chuyên gia”. Ví dụ ứng dụng Canva vào làm infographic thì từ phóng viên, biên tập viên, các phòng và Ban Biên tập đều phải cài đặt và ứng dụng Canva thì mới phát huy được công nghệ. Nghĩa là phải thay đổi cách thức tổ chức tòa soạn, tổ chức quản trị nội dung.
Các phòng ban trước đây chia theo ngành, lĩnh vực và chỉ làm báo in, nay phải tổ chức theo sản phẩm báo chí (báo in, điện tử, mạng xã hội). Dù chia như vậy nhưng tòa soạn lại phải hội tụ (về nội dung, không gian…).
Để tất cả cùng “bơi” được, Ban Biên tập lo các công việc sắp xếp, tổ chức, bố trí nguồn lực. Viên chức lo học tập trao dồi thêm về công nghệ và ứng dụng vào các sản phẩm báo chí.
Chúng tôi tổ chức học tập về ứng dụng AI trong tòa soạn thông qua các chương trình hội thảo, tập huấn… Ban biên tập mời những nhà báo có kinh nghiệm về ứng dụng AI về tập huấn cho toàn thể cơ quan. Một số ứng dụng tích hợp trong hệ thống quản trị nội dung (CMS), chúng tôi lập nhóm nhóm hỗ trợ (gồm những người thuộc đơn vị đối tác và viên chức trong cơ quan), rất nhiều khi “cầm tay chỉ việc”, có khi đến từng thao tác người dùng để “vỡ vạc” hoặc tránh bỡ ngỡ, sai sót.
PV: Có lo ngại AI thay thế, làm mất việc?
Khi ứng dụng trường quay ảo và MC ảo cho truyền hình thì trường quay thật của chúng tôi ít sử dụng, tiết kiệm khá nhiều chi phí, thời gian liên quan trường quay thật. Khi ứng dụng AI làm MC ảo cho các tin truyền hình, có mấy MC thật mất việc thật. Nhưng MC ảo không thay thế hoàn toàn được con người.
Ở truyền hình, chúng tôi chỉ cho MC ảo đọc các tin thời sự hoặc các bài mang tính thông tin sự kiện. Những phóng sự thì người thật đọc sẽ thu hút hơn và chúng tôi vẫn dùng người thật đọc các phóng sự ấy.
Các ứng dụng khác cũng trên nguyên tắc, dù AI làm nhưng con người trong tòa soạn vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung, hình thức. Tôi nghĩ AI chỉ là công cụ và trợ giúp chứ không thay thế tuyệt đối công việc của con người.
PV: Những điểm tích cực khi báo sử dụng công cụ này trong quá trình sản xuất tin, bài?
Dễ nhận thấy là tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí hơn. Từ đó đẩy nhanh được tiến độ sản xuất tin, bài. Nội dung được kiểm soát kỹ hơn, ít sai sót và hiệu quả thông tin tốt hơn (nhờ ứng dụng soát lỗi, làm SEO...) Hình thức sản phẩm cũng tốt hơn nhờ ứng dụng về đồ họa, hình ảnh... Toàn tòa soạn có không khí làm việc năng động, sáng tạo và đổi mới hơn.
PV: AI vẫn đang có những luồng ý kiến trong quá trình sản xuất tin, bài của phóng viên. Vậy Báo Đắk Nông có xây dựng quy tắc ứng xử gì để công cụ này hoạt động song song với phóng viên không?
Thực tế chúng tôi đã gặp phải những vấn đề cần xử lý liên quan đến ứng dụng AI để khai thác tin, bài theo từ khóa (bản quyền, tính chính xác của thông tin), gắn quảng cáo tự động vào các tin, bài (quy định về quảng cáo…). Nhưng theo tôi không vì vậy mà e ngại hoặc không ứng dụng AI nhưng cũng không “khoán” hết cho AI. Nguyên tắc, quy tắc ứng xử quan trọng nhất là con người vẫn phải chịu trách nhiệm 100% về sản phẩm báo chí của mình. Các tin bài, sản phẩm có ứng dụng AI hỗ trợ trong quá trình xử lý thông tin… vẫn phải thông qua quy trình biên tập, quản trị nội dung tương tự như tin, bài, sản phẩm khác. Chúng tôi đang hoàn thiện quy định về ứng dụng AI, trong đó có bản quy tắc ứng xử và hệ thống lại phần mềm, các ứng dụng.
PV (t.h)
Trình bày: Việt Dũng