PV: Thưa đồng chí, đồng chí đánh giá như thế nào về sự phát triển và đóng góp của báo chí đối với địa phương trong thời gian qua?
Đ/c Điểu K’Ré: Phát huy truyền thống của nền báo chí cách mạng Việt Nam, trong những năm qua, đội ngũ những người làm báo Đắk Nông không ngừng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, đạo đức, chuyên môn, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để ngày càng vươn lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn phát triển của tỉnh nhà.
Trước sự phát triển không ngừng của xã hội, báo chí Đắk Nông tiếp tục có những bước phát triển đáng ghi nhận. Báo chí có sự đổi mới hình thức thể hiện và ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng nội dung.
Báo chí đã góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như thông tin, quảng bá về kinh tế - xã hội của Đắk Nông.
Báo chí địa phương ngày càng làm tốt nhiệm vụ là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân, phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội. Báo chí tôn vinh những giá trị đạo đức, nhân văn tốt đẹp trong cuộc sống và cổ vũ, động viên những điển hình dám nghĩ, dám làm. Báo chí cũng mạnh dạn phản ánh những trì trệ, tồn tại; đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, báo chí đã thực sự đồng hành, chung sức cùng với tỉnh phản ánh kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo, những nỗ lực của tỉnh về phòng, chống dịch. Việc tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên liên tục của báo chí đã góp phần rất quan trọng để người dân toàn tỉnh vững tin, đồng lòng, chung sức, quyết tâm cùng với ngành Y tế và chính quyền khống chế dịch bệnh. Báo chí góp phần quan trọng để toàn tỉnh thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Ðồ họa: Phan Tân |
PV: Cảm ơn đồng chí đã đánh giá cao vai trò và đóng góp của báo chí địa phương. Thưa đồng chí, Đảng ta chủ trương xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Với Đắk Nông, chúng ta cần phải làm gì để báo chí phát triển, nâng cao vai trò, vị thế, nâng cao hiệu quả hoạt động trong giai đoạn mới?
Đ/c Điểu K’Ré: Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại là chủ trương được đề cập tại Đại hội XIII của Đảng. Chủ trương này hoàn toàn phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí và công nghệ thông tin.
Để báo chí, truyền thông chuyên nghiệp thì phải coi trọng chỉ đạo, định hướng, sắp xếp, quản lý, tổ chức hoạt động báo chí phù hợp, hiệu quả hơn. Chúng ta đã có quy hoạch, sắp xếp báo chí nên cần chú ý thực hiện nghiêm túc. Từng cơ quan báo chí phải tiếp tục coi trọng và thực hiện nghiêm tôn chỉ, mục đích. Với báo chí địa phương phải đổi mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm để bảo đảm là dòng thông tin chủ lưu, chính thống, bảo đảm sự định hướng dư luận.
Người làm báo ngày càng phải có kiến thức chuyên môn, có năng lực thực tiễn và thường xuyên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, tỉnh táo, tâm huyết để chuyển tải thông tin và định hướng đúng đắn, thuyết phục dư luận.
Xây dựng nền báo chí nhân văn thể hiện ở việc báo chí hướng tới xã hội nghĩa tình, mọi người nhân ái, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển.
Báo chí phải hết sức chú ý, bảo đảm tính trung thực, khách quan, hài hòa về nội dung. Báo chí phát hiện, phê phán, đấu tranh với những biểu hiện, hiện tượng yếu kém, trì trệ, tiêu cực, vi phạm ...trong xã hội nhưng phải luôn ghi nhận, biểu dương, lan tỏa những xu hướng, hành động, những nỗ lực, cố gắng, những điều tích cực trong xã hội. Báo chí không được thiên kiến mà phải truyền đi thông điệp, năng lượng tích cực từ thực tiễn cuộc sống, góp phần xây dựng con người và xã hội nhân ái, nghĩa tình, văn minh.
Hiện nay, công nghệ thông tin rất phát triển. Đây vừa là điều kiện, cơ hội cho báo chí phát triển nhưng cũng là đòi hỏi, là áp lực và thách thức rất lớn đối với các cơ quan báo chí và người làm báo. Với địa phương như Đắk Nông, trong bối cảnh ấy, đòi hỏi báo chí và người làm báo phải nỗ lực mạnh mẽ hơn. Các cơ quan báo chí và người làm báo phải tiếp cận, bắt nhịp và phát huy những xu hướng, công nghệ làm báo hiện đại. Các cơ quan báo chí và những người làm báo cần phải đổi mới tư duy, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm báo trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình thông tin mới, hiện đại.
PV: Thưa đồng chí, hiện nay, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, được triển khai liền mạch, chặt chẽ, thống nhất Trung ương đến địa phương. Vậy đồng chí đánh giá vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh này như thế nào?
Đ/c Điểu K’Ré: Trong cuộc đấu tranh tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí luôn được coi là lực lượng quan trọng, là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, vào cuộc mạnh mẽ và có hiệu quả to lớn.
Báo chí đã góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí cung cấp thông tin, phát hiện, đề cập những tồn tại, hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong đời sống, nhất là của cán bộ để góp phần giúp các cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý. Báo chí còn là kênh giám sát, theo dõi, thông tin quá trình xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí đã được phát hiện.
Đồng thời, báo chí biểu dương, cổ vũ các tấm gương, nhân tố mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhân rộng những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực; phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch…Thông qua các tác phẩm báo chí về đề tài phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà niềm tin của người dân vào các cấp ủy, chính quyền ngày càng được củng cố, nâng lên.
Tuy nhiên, báo chí vẫn còn những hạn chế, thiếu sót trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí có lúc chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời, khách quan những hiện tượng, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Một số cơ quan báo chí còn thông tin thiếu chính xác, thiếu khách quan, làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức…
Để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết cần coi trọng hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và bảo đảm điều kiện cho báo chí hoạt động đúng pháp luật và tôn chỉ, mục đích. Dù báo chí ở cấp trung ương hay địa phương đều phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, chấp hành nghiêm pháp luật, mục đích, tôn chỉ hoạt động. Báo chí phải bảo đảm tính chính trị, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, thực sự là tiếng nói của Đảng, chính quyền và diễn đàn của Nhân dân.
Các cơ quan báo chí phải luôn chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập sâu rộng, góp sức vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí và những người làm báo luôn nỗ lực, phấn đấu cao hơn.
Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, kính chúc các đồng chí, những người làm báo ở Đắk Nông luôn nhiệt huyết, đam mê nghề nghiệp, “tâm sáng, bút sắc”, tiếp tục cùng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững. Chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!