Thời sự

Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?

PV 20/09/2024 09:50

Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?” sẽ làm rõ vì sao báo chí giải pháp là một xu hướng cùng hướng tới.

ADQuảng cáo

Diễn đàn Tổng Biên tập “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?” do Báo Nhà báo & Công luận tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 21/9/2024, tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Diễn đàn 2024 là nơi lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí... cùng trao đổi, bày tỏ quan điểm, xung quanh vấn đề vì sao đã đến lúc báo chí giải pháp nên là một trong những xu hướng mà các cơ quan báo chí Việt Nam cùng hướng tới.

Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - đã có những chia sẻ với báo chí trước thềm diễn đàn.

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, bây giờ thông tin tràn ngập nên “nhiều” không phải là ưu thế của báo chí nữa. Người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là được cung cấp đủ loại thông tin, tức thời và từ bất kỳ đâu.

Báo chí cũng không đua tranh được với mạng xã hội về tốc độ. Nhưng thông tin báo chí khác biệt ở chỗ chuyên nghiệp và đa chiều, đặc biệt trong thời kỳ hiện nay thì báo chí đang đi theo xu thế không chỉ phản ánh mà phải cung cấp luận giải và giải pháp – những điều hầu hết người dùng bình thường không có năng lực tiếp cận thông tin và nguồn tin để tạo ra.

Báo chí cũng cần phải nhanh, cần có nhiều thông tin, nhưng yếu tố chính xác và cách thể hiện hấp dẫn mới tạo nên sự khác biệt trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay.

h2(1).jpg
Nhà báo Lê Quốc Minh. Ảnh: congluan.vn

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, báo chí thế giới giờ cũng đi theo xu hướng báo chí xây dựng, báo chí giải pháp, chứ không chạy theo câu khẩu hiệu “ở nơi nào có máu chảy là ở đó có tin” để sản xuất ra những thông tin giật gân như trước.

Nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã thử nghiệm và thấy rằng tuy những thông tin tiêu cực cũng có tác dụng cảnh báo xã hội và quy trách nhiệm cho những người nắm giữ quyền lực, nó cũng gây tác động có hại với độc giả, chẳng hạn gây ra sợ hãi, lo lắng, tức giận, hoài nghi, thậm chí lãnh cảm.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng báo chí xây dựng cải thiện tâm trạng của người tiêu dùng tin tức, thúc đẩy họ có những việc làm mang lại lợi ích cho xã hội, và khích lệ họ tương tác nhiều hơn với các cơ quan báo chí.

Nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh, Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiều năm qua đã khuyến khích các cơ quan báo chí đi theo xu hướng báo chí giải pháp, báo chí xây dựng và cũng đã có những bước chuyển biến quan trọng.

Tuy nhiên, không ít tờ báo vẫn có tư duy cũ, loay hoay với nỗi lo sụt giảm lượng truy cập đi kèm với sụt giảm doanh thu quảng cáo, hoặc vẫn đo hiệu quả của một bài báo bằng lượng “view” – một quan niệm không chính xác đối với báo điện tử, khi mà số lượt xem bị phụ thuộc vào thuật toán và những thứ bắt “trend” trong mạng xã hội.

"Từ những kinh nghiệm và con số thực tế trong đợt thông tin về bão lũ vừa qua, tôi hy vọng những người đứng đầu và cả đội ngũ nhà báo của các cơ quan báo chí thấy rằng báo chí tử tế, nhân văn mới là điều mà xã hội cần và nội dung tích cực đạt hiệu quả cao chẳng kém gì, thậm chí có lúc còn hơn cả những thông tin gây sốc", nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ.

Cũng theo nhà báo Lê Quốc Minh, điều quan trọng hơn khi đi theo con đường này không phải là việc hơn thua về lượng truy cập, mà là việc nó sẽ giúp cho xã hội của chúng ta tốt đẹp hơn, con người suy nghĩ tích cực hơn, thấy thêm yêu cuộc sống và muốn đóng góp nhiều hơn cho cuộc sống đó.

h3.jpg

Tham dự diễn đàn có gần 100 Tổng Biên tập các cơ quan báo trên cả nước. Chủ trì diễn đàn gồm các đồng chí: Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; Nguyễn Đức Lợi - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Diễn đàn bao gồm 2 phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có chủ đề: Báo chí giải pháp - Xu hướng và tiềm năng; Phiên thứ hai có chủ đề: Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?

Những vấn đề nóng, thời sự, những câu chuyện thực tế của báo chí thế giới, của Việt Nam và của từng các cơ quan báo chí trong cả nước được các đại biểu, chuyên gia cùng với lãnh đạo các cơ quan báo chí bàn luận, chia sẻ tại diễn đàn. Nhiều vấn đề chi tiết của báo chí giải pháp như: xu thế tất yếu và những vấn đề đặt ra của báo chí giải pháp, nguồn lực để triển khai báo chí giải pháp, vai trò của báo chí giải pháp trong truyền thông chính sách, báo chí giải pháp - sứ mệnh phụng sự nhân dân… sẽ được các đại biểu tập trung tham luận. Bên cạnh đó, là kinh nghiệm, bài học từ việc thực hiện, triển khai thực tế báo chí giải pháp tại các cơ quan báo chí.

Ban tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 mong muốn rằng, sự trao đổi thẳng thắn, những kinh nghiệm được chia sẻ sẽ mang đến một thông điệp ý nghĩa góp phần vào hành trình phát triển của báo chí hôm nay trước thềm kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO