Ông Phạm Đức Lộc, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông |
PV: Thưa ông, trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin truyền thông trên địa bàn triển khai bảo đảm tốt công tác tuyên truyền như thế nào?
Phạm Đức Lộc: Từ đầu năm 2021, bám sát chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tỉnh ủy, Ủy ban bầu cử tỉnh, Tiểu ban Thông tin, tuyên tuyền về việc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021- 2026, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng bảo đảm thực hiện tốt công tác tuyên truyền.
Trong đó, Sở đã ban hành Kế hoạch hướng dẫn các cơ quan báo chí, Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa thông tin và truyền thông (VHTT&TT) các huyện, thành phố tăng cường chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về cuộc bầu cử. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp viễn thông tăng cường bảo đảm thông suốt mạng viễn thông công cộng, phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, phóng viên, báo chí trong thời gian bầu cử.
Sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn Trung tâm VHTT&TT các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền về cuộc bầu cử trên các hạ tầng truyền thông và hệ thống thông tin cơ sở. Các địa phương thiết lập banner với chủ đề “Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026” đăng trên giao diện trang chủ Cổng/trang thông tin điện tử của các đơn vị và đặt link liên kết đến Cổng thông tin điện tử tỉnh.
Sở đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin chủ động theo dõi, rà soát thông tin, nắm bắt tư tưởng, dư luận Nhân dân trên môi trường mạng. Qua đó kịp thời tham mưu cấp ủy, địa phương xử lý các thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, các thông tin tiêu cực, trái chiều về cuộc bầu cử...
Qua kiểm tra cho thấy, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử tại UBND các xã, phường, thị trấn, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố cơ bản kịp thời, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
PV: Ông có thể đánh giá về những kết quả nổi bật về công tác tuyên truyền bầu cử của các đơn vị trong thời gian qua?
Ông Phạm Đức Lộc: Các đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú, linh động...
Cụ thể như Báo Đắk Nông đã mở chuyên trang, chuyên mục “Hướng tới Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026” trên các sản phẩm báo chí và thực hiện Chương trình “Tin tức Đắk Nông” trên truyền hình internet phát tích hợp trên báo điện tử. Các sản phẩm báo chí của đơn vị đã đăng tải 702 tin, bài, phóng sự, đồ họa tuyên truyền về bầu cử...
Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh duy trì phát sóng 4 chuyên mục và 12 tiểu mục tuyên truyền bầu cử/tháng. Các chương trình thời sự hàng ngày được bố trí thời lượng đáng kể cho việc tuyên truyền bầu cử. Đặc biệt, đơn vị đã biên dịch tin, bài, phóng sự từ tiếng Việt sang tiếng M'nông và phát sóng trong Bản tin tiếng M'nông để phục vụ công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Ngoài ra, các Tạp chí Nâm Nung, các bản tin, tạp chí, cổng/trang tin điện tử của các sở, ban, ngành ưu tiên thời lượng tuyên truyền về bầu cử; đồng thời, các địa phương thực hiện chương trình phát thanh tuyên truyền về “Hỏi - đáp Luật Bầu cử”, phát trên hệ thống loa truyền thanh, xe thông tin lưu động từ huyện đến các xã, phường, thị trấn…
Đặc biệt, nội dung truyền thông trên mạng xã hội được đẩy mạnh. Tiểu ban Thông tin Tuyên truyền đã biên soạn tiểu sử tóm tắt người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh dưới dạng inisbrgraphic với 97 ảnh và 5 video clip tuyên truyền về bầu cử, phát trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút hàng trăm ngàn lượt tiếp cận, chia sẻ. Hình thức này được Ủy ban bầu cử cấp huyện, xã thực hiện giới thiệu tiểu sử tóm tắt người ứng cử đại biểu HĐND cùng cấp…
Nhìn chung, đến thời điểm này, việc tổ chức tuyên truyền cuộc bầu cử bảo đảm thiết thực, hiệu quả, thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo cử tri và các tầng lớp Nhân dân.
Tuyên truyền trên hệ thống xe loa lưu động được các địa phương đẩy mạnh |
PV: Ông cho biết những hạn chế cũng như phương hướng khắc phục cụ thể để tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về kết quả bầu cử trên địa bàn trong thời gian tới?
Ông Phạm Đức Lộc: Bên cạnh những thuận lợi, công tác tuyên truyền vận động bầu cử của tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Do tỉnh Đắk Nông có đặc thù về địa hình phức tạp. Nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, điều kiện đi lại, sinh hoạt còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các thôn, bon ít được tiếp cận, cập nhật thông tin hàng ngày với các loại hình báo chí... Những yếu tố này phần nào ảnh hưởng tới công tác tuyên truyền về bầu cử trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, trang thiết bị truyền thanh, truyền hình tại các cơ quan, báo, đài và truyền thanh cơ sở còn thiếu thốn, xuống cấp, công nghệ lạc hậu ảnh hưởng đến chất lượng công tác tuyên truyền.
Vì vậy, để tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về kết quả bầu cử trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Sở tiếp tục đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung tuyên truyền khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thành công cuộc bầu cử của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, hiệu quả trong triển khai công việc của các tổ chức phụ trách bầu cử ở các địa phương.
Cùng với đó, các đơn vị tập trung tuyên truyền, phản ánh những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả trong việc triển khai công tác bầu cử ở các khu vực, đối tượng đặc thù. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, phản ánh kỳ vọng, nguyện vọng của cử tri đối với các đại biểu trúng cử.
Thông qua công tác tuyên truyền, các đơn vị kịp thời phát hiện, đấu tranh, phản bác có hiệu quả các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc phá hoại kết quả cuộc bầu cử và sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.
Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh bố trí nguồn lực đầu tư trang, thiết bị cho các cơ quan báo, đài, truyền thanh cơ sở sang công nghệ số, truyền thanh thông minh phù hợp với công nghệ hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác tuyên truyền.
PV: Xin cảm ơn ông!