Báo chí cần tận dụng công nghệ internet, mạng xã hội để đưa sản phẩm tới độc giả tốt hơn

Lê Dung thực hiện| 16/06/2020 15:14

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc phỏng vấn đối với ông Trần Văn Nam, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) xung quanh các vấn đề về công tác quản lý Nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng như các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí trong thời gian tới.

Ông Trần Văn Nam, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

PV: Ông cho biết những đóng góp của các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đối với sự phát triển chung của địa phương trong thời gian qua?

Ông Trần Văn Nam: Toàn tỉnh hiện có 3 cơ quan báo chí địa phương với gần 70 cán bộ, phóng viên được cấp thẻ nhà báo; hơn 20 cơ quan báo chí Trung ương và các ngành thường trú; 175 trang thông tin điện tử và hơn 30 đầu ấn phẩm xuất bản phục vụ công tác tuyên truyền.

Thực hiện năng quản lý Nhà nước, định kỳ hàng tuần và với những nội dung chuyên đề, Sở TTTT thường xuyên có văn bản hướng dẫn các cơ quan báo chí, cơ quan hoạt động truyền thông thực hiện các nội dung tuyên truyền theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh, Bộ TTTT và các cơ quan liên quan khác.

Định kỳ hàng tháng, đơn vị đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong công tác định hướng và tổ chức đánh giá hoạt động tuyên truyền. Thông qua đó đã kịp thời nhận xét, đánh giá, chấn chỉnh công tác tuyên truyền trong tháng đối với các cơ quan báo chí, truyền thông. Nhờ đó, công tác định hướng tuyên truyền luôn bảo đảm kịp thời, đầy đủ nội dung trọng tâm trong mọi lĩnh vực của tỉnh. Các cơ quan báo chí trên địa bàn đã cơ bản thực hiện đúng sự chỉ đạo, định hướng, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, báo chí đã tập trung phản ánh nhiều khía cạnh cũng như kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh về: Công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh trong việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thu hút đầu tư của tỉnh; kết quả triển khai bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; các chính sách về y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; công tác bảo vệ môi trường; công tác xóa đói giảm nghèo; hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo…

Báo chí thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội và đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực. Một số lĩnh vực nổi cộm đã được báo chí đi sâu phản ánh thời gian qua như: Những vụ việc phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép…

Đặc biệt, các cơ quan báo chí địa phương trong thời gian qua đã có sự đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại để đưa thông tin báo chí lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau. Phần lớn các đơn vị báo chí đã đầu tư nâng cao chất lượng, bài báo, trang báo, chương trình, kênh chương trình, tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị. Nội dung các tác phẩm có sự định hướng, nêu bật được vấn đề trọng tâm của thông tin, được đông đảo dư luận quan tâm, hoan nghênh…

Phóng viên Báo Đắk Nông tác nghiệp tại một mô hình trồng bưởi ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R'lấp)

PV: Việc phản hồi thông tin báo chí nêu, thời gian qua được đơn vị phối hợp triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Văn Nam: Từ năm 2009 đến nay, Sở TTTT đã duy trì thực hiện công tác theo dõi, tổng hợp các nguồn thông tin báo chí phản ánh về tỉnh Đắk Nông thông qua hình thức ấn phẩm “Bản tin Điểm báo”. Qua đó nhằm phục vụ các cấp lãnh đạo nắm bắt thông tin một cách đầy đủ, tập trung, bao quát nhất về diễn biến tình hình chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; đồng thời, giúp các cơ quan chức năng kiểm chứng thông tin và có giải pháp kịp thời điều chỉnh, xử lý trong quản lý, điều hành.

Trên cơ sở tiếp nhận thông tin báo chí, hàng năm, sở đã kịp thời đề nghị nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, phản hồi nhiều nội dung, vấn đề nổi cộm, phức tạp, tiêu cực được báo chí phát hiện và phản ánh. Trong đó, hầu hết nội dung đã được các cơ quan xác minh, làm rõ.

Công tác phản hồi thông tin báo chí luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc chỉ đạo các các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc. Hoạt động này cũng luôn nhận nhận được sự phản hồi tích cực từ các cơ quan, đơn vị có liên quan. Nhờ vậy, báo chí đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao chức năng thông tin và tính phản biện, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trên địa bàn trong thời gian qua…

PV: Bên cạnh những đóng góp tích cực, hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn có những tồn tại, hạn chế gì, thưa ông ?

Ông  Trần Văn Nam: Bên cạnh những đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương, hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Trong đó, phương thức thông tin, tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị chưa được đổi mới. Độ lan tỏa, sức thuyết phục và tính tương tác của một số loại hình báo chí chưa cao. Các bài viết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch vẫn còn rất ít. Một số đơn vị còn chưa chủ động đề xuất với các cơ quan chức năng để định hướng dư luận xã hội đối với nhưng vấn đề xã hội quan tâm. Thông tin trên báo chí trong một số trường hợp còn chậm hơn so với tình hình diễn biến thực tế, nên chưa phát huy được vai trò định hướng dư luận xã hội…

Ngoài ra, công tác chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí trong một số trường hợp còn chậm, chưa theo kịp tính thời sự của vụ việc. Công tác phối hợp với các địa phương để nắm bắt tính hình hoạt động tác nghiệp báo chí tại cơ sở có lúc, có nơi chưa sát. Việc cung cấp thông tin lên trang thông tin điện tử của các đơn vị cũng còn rất hạn chế, không đủ nội dung thông tin phục vụ báo chí.

PV: Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí trong thời gian tới, theo ông cần thực hiện những giải pháp gì ?

Ông Trần Văn Nam: Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí, trước hết các cơ quan quản lý báo chí cần tiếp tục chủ động, kịp thời chỉ đạo, định hướng nội dung tuyên truyền gắn với nhiệm vụ chính trị của đất nước, địa phương và cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí.

Việc giao ban công tác báo chí định kỳ cũng sẽ tiếp tục được các đơn vị duy trì, nhằm cung cấp thông tin và xử lý các vấn đề báo chí nêu. Về phía các cơ quan báo chí cần tiếp tục bám sát định hướng để thông tin tuyên truyền những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, địa phương; đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác báo chí. Việc rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ nhà báo có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cũng luôn được các đơn vị tăng cường. Đặc biệt, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong quy trình sản xuất, biên tập, duyệt tin bài và phân tích xu hướng đọc, nghe, xem đế đánh giá một cách hiệu quả thông tin. Thông tin trên các bài báo phải luôn đảm bảo tính nhanh nhạy, tin cậy, chính xác và được kiểm chứng. Không chạy đua với mạng xã hội để đưa tin, nhưng các cơ quan báo chí nên tận dụng thế mạnh từ công nghệ internet, truyền thông xã hội này để đưa sản phẩm báo chí của mình dễ dàng tiếp cận hơn tới độc giả và khán, thính giả…

PV: Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí cần tận dụng công nghệ internet, mạng xã hội để đưa sản phẩm tới độc giả tốt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO