Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho biết trong hai niên vụ 2021-2022 và 2022-2023, ước tính tổng sản lượng cà phê thiếu hụt toàn cầu là 14,4 triệu bao (loại 60 kg). Niên vụ trước xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu giảm 2,8% và 10 tháng đầu niên vụ hiện tại giảm 5,7%.
Số liệu của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt tổng cộng 10,2 triệu bao trong tháng 7, giảm nhẹ so với 10,4 triệu bao của cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 10 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (22/10/2022 đến 23/7/2023) xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 103,7 triệu bao,
Trong tháng 8, giá cà phê toàn cầu được tổng hợp và theo dõi bởi ICO (I-CIP) tiếp tục giảm 2,4% so với tháng trước xuống mức bình quân 154,5 US cent/pound (do động trong khoảng 148,8 - 163,6 US cent/pound).
Trên thị trường thế giới, trong tháng 8, giá cà phê robusta và arabica giảm lần lượt 3% và 5% so với cuối tháng 7. Những ngày đầu tháng 9, giá cà phê thế giới tiếp đà giảm của giai đoạn cuối tháng 8.
Dự báo tốc độ giảm giá của cà phê trên thị trường thế giới sẽ chậm lại. Sau đợt giảm giá mạnh, người dân Brazil tập trung vào thu hoạch giai đoạn cuối vụ mùa khi mùa mưa mới năm nay cũng đã bắt đầu.
Theo báo cáo thường niên của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê Việt Nam trong niên vụ 2023 - 2024 dự kiến tăng 5% lên 31,3 triệu bao (60 kg/bao) nhờ thời nhiệt độ thuận lợi và lượng mưa cao hơn. Ngoài ra, sản lượng còn được hỗ trợ bởi xu hướng tái canh bằng các giống cây trồng có năng suất cao hơn, kháng bệnh.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái với khối lượng đạt 84.647 tấn, trị giá 258,5 triệu USD, giảm 22,3% về lượng và 16% về trị giá so với tháng trước. Đồng thời đây là tháng giảm thứ 5 liên tiếp do nguồn cung hạn hẹp.
Chúng tôi cho rằng nhịp giảm giá cà phê thời gian qua chỉ là ngắn hạn do nguồn cung từ Brazil được bổ sung. Tuy nhiên, đánh giá chung nguồn cung cà phê robusta trên toàn thế giới vẫn đang thiếu hụt.