Dòng chảy thông tin

Báo ảnh – Cẩm nang khoa học thường thức của bà con dân tộc thiểu số Đắk Nông

Nguyễn Hồng Hải, Nguyên Tổng Biên tập Báo Đắk Nông 06/01/2024 21:29

Về công tác ở Báo Đắk Nông là một sự bất ngờ của tôi và chắc cũng của nhiều người. Bởi lẽ gần 30 năm làm báo tôi chỉ quen làm truyền hình, còn báo viết và phát thanh chỉ thỉnh thoảng cộng tác.nhập tóm tắt

banner-11.jpg

Về công tác ở Báo Đắk Nông là một sự bất ngờ của tôi và chắc cũng của nhiều người. Bởi lẽ gần 30 năm làm báo tôi chỉ quen làm truyền hình, còn báo viết và phát thanh chỉ thỉnh thoảng cộng tác.

Nhận quyết định được một tuần, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Huy cho mời tôi lên trao đổi một số công việc. Đồng chí bảo, Thường vụ Tỉnh ủy chọn bạn vì tin tưởng ở sức trẻ và sự năng động sáng tạo. Tôi kỳ vọng ở cương vị mới bạn sẽ tạo ra sự đột phá hoặc là dấu ấn mới cho Báo Đắk Nông.

Muốn làm một việc gì đó mà mình chưa thực sự hiểu biết sâu về nó thì không có cách gì hơn là phải học hỏi. Vậy là tôi quyết định thành lập đoàn đi học hỏi kinh nghiệm ở một số báo bạn trong khu vực.

Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Tổng Biên tập Báo Đắk Nông giai đoạn 2010-2020

Tôi về suy nghĩ mấy đêm liền và gọi điện cho một số bạn bè làm các báo Đảng mà tôi quen biết, đồng thời trao đổi với nhiều anh em trong cơ quan để tìm ra khâu đột phá hoặc dấu ấn nào đó cho Báo Đắk Nông. Nhiều người bảo tôi là chọn khâu nhuận bút. Đúng thực lúc đó nhuận bút Báo Đắk Nông rất thấp. Tháng đầu tiên nhận thù lao với chức danh Tổng Biên tập chỉ 3,6 triệu đồng. Nhưng khi đọc các văn bản, tôi thấy cơ chế về nhuận bút đã có, còn lại chỉ là cách làm để lấy tiền về. Có người lại nói tôi tăng số, tăng trang vì lúc đó Báo Đắk Nông chỉ có 3 số/tuần.

Nhưng tôi thấy việc tăng số, tăng trang là tất yếu khi báo đã đủ lực. Một số bạn thì bảo hay ta chọn khâu đột phá là công tác xã hội từ thiện. Vì đây vừa là xu thế của thời đại vừa đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Mấy bạn phóng viên thì nói tôi phải nâng cao chất lượng tờ báo. Báo phải có phóng sự, phải có bài nhiều kỳ. Có người thì bảo phải đi tắt đón đầu, phải đưa công nghệ thông tin vào làm báo. Vì đây là xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ thông tin. Các anh lãnh đạo của các sở, ngành thì nói với tôi đột phá khâu con người. Vì mọi chuyện đều do con người quyết định… Tôi thầm cảm ơn tất cả mọi người đã đóng góp chân tình với tôi vì sự nghiệp phát triển của tờ báo Đảng ở nơi còn nhiều gian khó.

z5467494225851_301987f9f008d7117b216bb387bbf285(1).jpg
Đồng bào dân tộc Mông, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) xem thông tin khoa học thường thức trên Báo ảnh Báo Đắk Nông

Muốn làm một việc gì đó mà mình chưa thực sự hiểu biết sâu về nó thì không có cách gì hơn là phải học hỏi. Vậy là tôi quyết định thành lập đoàn đi học hỏi kinh nghiệm ở một số báo bạn trong khu vực. Đoàn gồm tôi, anh Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Phóng viên Văn hóa – Xã hội; anh Hồ Văn Miền, Phó Phòng phụ trách Phòng Thư ký Tòa soạn và anh Nguyễn Phi Long, Phó Phòng Hành chính - Trị sự. Nhiệm vụ của đoàn là đi học hỏi để về soạn thảo quy chế hoạt động cơ quan. Trong đó rất chi tiết quy chế làm việc của từng bộ phận, từng vị trí việc làm; quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế đào tạo… Bắt đầu từ Báo Lâm Đồng, Báo Ninh Thuận, Báo Phú Yên và cuối cùng là Báo Gia Lai.

Phải làm Báo ảnh chứ không phải tờ tin ảnh như các báo đang làm. Phải xây dựng các trang mang tính định kỳ theo từng tuần hợp với dòng thời sự và định hướng tuyên truyền, đồng thời phải song song tiếng phổ thông và tiếng đồng bào dân tộc bản địa.

Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Tổng Biên tập báo Đắk Nông giai đoạn 2010-2020

Khi về, tôi suy nghĩ là tất cả các ý kiến của mọi người góp ý và bài học thực tế ở các báo bạn đều rất quý với Báo Đắk Nông. Đầu tiên là yếu tố con người phải được chú trọng. Tức là phải đào tạo và đào tạo lại để đáp ứng với xu thế phát triển của cơ quan báo chí đa phương tiện. Tức là mọi người phải biết nhiều trong một, đặc biệt là phải tác nghiệp thành thạo trên môi trường mạng.

Vấn đề nhuận bút cũng đặc biệt quan trọng vì “có thực mới vực được đạo”. Chính vì vậy, tôi đã đăng ký làm việc với đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thử xin được cấp nhuận bút theo hệ số lương lúc bấy giờ và đã được Thường trực, các sở, ngành đồng ý. Cũng tại buổi làm việc, Thường trực đã có kết luận mà chúng tôi nói vui là “nước nổi bèo nổi”. Tức là cứ lương hệ số tăng thì nhuận bút cũng được tăng tương ứng.

Các vấn đề khác thì không thể không làm. Đây cũng là xu thế chung của thời đại, như vấn đề đưa công nghệ thông tin vào làm báo. Sau khi tham khảo một số chuyên gia, Báo Đắk Nông đã xây dựng Đề án làm Tòa soạn điện tử, Thư viện điện tử và được Thường trực Tỉnh ủy, các ban, ngành chức năng chấp thuận. Vậy là từ năm 2012, Báo Đắk Nông đã làm báo 100% trên môi trường mạng. Từ khâu nộp bài, biên tập, duyệt, đọc morat … đều thông qua Tòa soạn điện tử.

Từ khi làm báo trên môi trường mạng, Báo Đắk Nông không những thay đổi phong cách mang tính chuyên nghiệp, rút ngắn thời gian làm báo, tăng độ chính xác, hấp dẫn mà còn tiết kiệm được mỗi năm 200 triệu đồng tiền mua giấy.

Công tác xã hội từ thiện cũng được Báo Đắk Nông làm tốt. Gần 10 năm, Báo đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các nhà hảo tâm xây dựng được hàng trăm căn nhà tình nghĩa, tình thương cho các gia đình chính sách, gia đình gặp khó khăn; tặng hàng chục ngàn suất quà tết cho hộ nghèo; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt cựu chiến binh, gia đình chính sách khó khăn…

z5101609681448_ca3669e421e5c184d0f9321c6f2171bc.jpg
Báo ảnh phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số của Báo Đắk Nông ngày càng phát triển về chất lượng nội dung, hình ảnh

Trong chuyến công tác, khi tới Báo Lâm Đồng và đặc biệt là Báo Gia Lai, nơi có tờ tin ảnh phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, tôi mới lóe lên là dấu ấn mới của Báo Đắk Nông là làm báo ảnh. Tôi đã đưa ra ý kiến tại cuộc họp Ban Biên tập mở rộng là báo mình có nên làm báo ảnh hay không? Phải làm báo ảnh chứ không phải tờ tin ảnh như các báo đang làm. Phải xây dựng các trang mang tính định kỳ theo từng tuần hợp với dòng thời sự và định hướng tuyên truyền, đồng thời phải song song tiếng phổ thông và tiếng đồng bào dân tộc bản địa. Lúc đầu mọi người còn hoài nghi liệu có khả thi không, ai là người biên dịch và nhất là ai là người kiểm định. Những vấn đề này tôi đã lường trước và có nhiều kinh nghiệm khi còn phụ trách nội dung bên Đài, trong đó có chương trình tiếng M'nông. Vậy là làm thêm một ấn phẩm Báo ảnh được thống nhất cao.

dsc_2845(1).jpg
Nhiều bạn trẻ vẫn yêu thích đọc tờ Báo ảnh-Báo Đắk Nông với những thông tin bổ ích

Một sự trùng hợp tuyệt vời, chiều thứ 3 tuần tiếp theo có một cuộc giao ban xây dựng Đảng và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Tôi đã báo cáo chuyến đi học tập các báo bạn cũng như chọn dấu ấn mới cho Báo Đắk Nông. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo các ban Đảng cũng như Văn phòng Tỉnh ủy đánh giá cao công việc của Báo Đắk Nông trong tháng cũng như chuyến công tác của đoàn và đồng ý chủ trương để Báo Đắk Nông xây dựng đề án làm Báo ảnh, để trình các cơ quan có thẩm quyền. Còn một số vấn đề khác giao cho Báo Đắk Nông đăng ký làm việc với Thường trực Tỉnh ủy để giải quyết theo xu thế đúng, đủ các quy định của Trung ương và của tỉnh.

z5042033003133_0e86ab44f178ded836ef80408be3d62f.jpg

Sau một thời gian tích cực và có trách nhiệm cao của cả tập thể Báo Đắk Nông, tờ Báo ảnh phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số ra số báo đầu tiên với 2 thứ tiếng là phổ thông và M’nông Pré, được in 4 màu giấy cose loại trắng đẹp. Sau đấy thấy hiệu quả của tờ Báo ảnh, thực sự là cẩm nang khoa học thường thức của bà con dân tộc thiểu số, Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo để Báo Đắk Nông chọn và biên dịch thêm tiếng dân tộc phía Bắc vì ở Đắk Nông đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc định cư rất đông. Báo đã chọn và trình Tỉnh ủy thống nhất biên dịch thêm tiếng dân tộc Mông. Ngày 17/1/2012, Báo ảnh phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Đắk Nông có 3 thứ tiếng: Phổ thông (tiếng Việt) – M’nông – Mông chính thức phát hành. Và sau này khi làm đề án chuyên viên cao cấp, tôi đã chọn đề tài “Nâng cao chất lượng tờ Báo ảnh phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số” và đã được hội đồng giám khảo đánh giá cao.

ban-sao-cua-pn-so-ldtbxh-1-.jpg

Nay cầm tờ Báo ảnh quy mô 8 trang được in 4 màu trên giấy cose trắng đẹp, phát hành mỗi tuần một số với số lượng 16.500 tờ và thực sự là tờ báo bổ ích đối với bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh mà lòng tôi lâng lâng. Thực sự cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã quan tâm tạo điều kiện, cảm ơn anh em đồng nghiệp ở Báo Đắk Nông, nhất là anh em phòng Báo ảnh đã cùng đồng tâm hiệp lực để Báo Đắk Nông có thêm 1 ấn phẩm ấn tượng, giúp ích cho đời.

Đọc tiếp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Báo ảnh – Cẩm nang khoa học thường thức của bà con dân tộc thiểu số Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO