Bảng xếp hạng điểm chuẩn cho thấy năm 2023 chỉ có 27 ngành học của các trường đại học có điểm chuẩn từ 28 điểm trở lên nhưng năm nay đã tăng hơn 4 lần. Ngoài ra có nhiều ngành có thay đổi lớn
Tính đến nay, hầu hết trường đại học đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển đại học chính quy theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Bức tranh toàn cảnh cho thấy, điểm chuẩn nhóm ngành sư phạm và những ngành có xét tuyển tổ hợp ở khối C đều có xu hướng tăng cao.
Trong đó, điểm chuẩn cao nhất năm 2024 là ngành sư phạm ngữ văn và sư phạm lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng lấy 29,3 điểm.
Xếp sau đó là các ngành: Trung Quốc học của Học viện Ngoại giao (29,2); Quan hệ công chúng của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (29,1).
Ba ngành kế tiếp cùng lấy 29,05 điểm chia đều cho 3 trường trên lần lượt là: sư phạm địa lý, truyền thông quốc tế và Hàn Quốc.
Ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) của Đại học Bách khoa Hà Nội vốn ở vị trí số 1 năm 2023 khi lấy 29,42 điểm đã tụt xuống hạng 44 khi chỉ lấy 28,53 điểm.
Nếu như năm 2023, các ngành thuộc nhóm sư phạm chỉ được "gọi tên" 5 lần thì năm nay, số lượng này lên tới 43 lần, gấp gần 9 lần. Những ngành thế mạnh vẫn là: Sư phạm lịch sử, sư phạm ngữ văn, sư phạm lịch sử - địa lý, sư phạm địa lý, sư phạm tiếng Anh, giáo dục tiểu học,...
Chia sẻ về mức điểm chuẩn tăng đột biến, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng không riêng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhìn chung điểm chuẩn năm nay ở các trường sư phạm đều tăng.
Một phần nguyên nhân do chính sách đãi ngộ học phí thu hút nhiều thí sinh. Đặc biệt lý do lớn nhất, năm nay số thí sinh đăng ký vào sư phạm tăng vọt nhưng chỉ tiêu có hạn, do đó chỉ thí sinh top trên mới đủ điểm vào.
Về việc một số thí sinh đạt 9,65/môn điểm vẫn trượt, ông Sơn cho rằng, nếu so sánh điểm chuẩn năm nay với năm trước có thể thấy quá cao nhưng nếu đánh giá việc xét tuyển đại học theo hướng lựa chọn từ trên xuống dưới sẽ thấy hợp lý. Cụ thể, một khi có nhiều người top trên, chắc chắn những thí sinh top dưới sẽ không còn cơ hội, đấy là quy tắc của việc xét tuyển.
"Các em không đỗ ngành yêu thích nhất sẽ có ngành khác, đấy là điều bình thường của cuộc sống bởi có thể mình giỏi nhưng vẫn còn nhiều người khác giỏi hơn", ông Sơn nói.
Tiếp tục mạch nối của những năm trước, nhóm ngành báo chí truyền thông, quan hệ công chúng xuất hiện liên tục trên bảng xếp hạng. Trong đó, có tới 12 lần được nhắc tên ở mức điểm 28,04-29,1.
Dẫn đầu nhóm này vẫn thuộc về Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội với ngành quan hệ công chúng lấy 29,1 điểm.
Nhóm ngành ngôn ngữ góp mặt với 7 đơn vị, trong đó là các ngành: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là sự xuất hiện của ngành Hán Nôm. Ngành Trung Quốc học của Học viện Ngoại giao có điểm chuẩn cao thứ 3 toàn quốc khi lấy 29,2 điểm ở khối C00.
Điểm cần lưu ý nữa của năm nay là nhóm ngành tìm hiểu về văn hóa cũng xuất hiện với tần xuất dày đặc. Các ngành đó là: Đông phương học, Hoa kỳ học, văn hóa học, nghệ thuật học, quản lý văn hóa, du lịch, xã hội học...
Năm nay, nhóm ngành công nghệ thông tin, kinh tế, quản trị có sự tụt hạng rõ rệt. Các vị trí trong top 30 không xuất hiện những ngành thuộc nhóm này. Ngành khoa học máy tính vốn rất "hot" cũng chỉ ngậm ngùi xếp hạng 44 trở đi.
Sau 1 năm 2023 "biến mất" khỏi bảng xếp hạng điểm trên 28, năm nay, Trường Đại học Y Hà Nội là đơn vị duy nhất của khối y dược góp mặt với 2 ngành là: tâm lý học (C00) xếp thứ 20 với 28,83 điểm, ngành y khoa xếp thứ 72 với 28,27 điểm.
Điều này gây sốc khi đứng đầu ngành y dược không phải là cái tên quen thuộc y khoa đã chiếm giữ vị trí này hàng chục năm qua.
Nhìn chung, với mức điểm chuẩn cao như năm nay, nhiều thí sinh giỏi, đạt trung bình 9 điểm/môn vẫn sẽ "rụng như sung".