Băng trôi tại Vịnh Chiriguano, quần đảo Nam Shetland, Nam Cực, ngày 7/11/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Một nghiên cứu mới của Australia cho thấy, băng tại Nam Cực tan nhanh đang làm chậm đáng kể dòng chảy của nước qua các đại dương trên thế giới và có nguy cơ gây tác động xấu đối với khí hậu toàn cầu, chuỗi thức ăn biển, thậm chí cả sự ổn định của các thềm băng.
Các dòng chảy đại dương, với sự dịch chuyển của nước mặn đậm đặc về phía đáy biển, giúp phân bố nhiệt độ, carbon, oxy và chất dinh dưỡng trong đại dương.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới, các dòng nước biển sâu chảy từ Nam Cực có thể giảm 40% vào năm 2050. Khi nhiệt độ tăng, nước ngọt từ băng tan ở Nam Cực chảy vào đại dương, làm giảm độ mặn và độ đậm đặc của nước bề mặt, theo đó làm giảm tốc độ dòng chảy hướng xuống đáy biển.
Theo ông Steve Rintoul, đồng tác giả nghiên cứu và là thành viên của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO), các dòng chảy đại dương đẩy các chất dinh dưỡng từ dưới đáy biển lên trên, giúp nuôi sống các sinh vật biển ở nhiều vùng biển trên thế giới.
Các dòng chảy đại dương của Nam Cực đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Nam Đại Dương hỗ trợ khoảng 75% lượng thực vật phù du trên thế giới, vốn là nền tảng của chuỗi thức ăn.
Ông Rintoul cho rằng,nếu lượng nước mặn đậm đặc gần Nam Cực chìm xuống đáy biển giảm, toàn bộ dòng chảy đại dương chậm lại và lượng chất dinh dưỡng từ dưới đáy biển lên bề mặt cũng giảm theo.
Cũng theo nghiên cứu, đại dương sẽ không thể hấp thụ nhiều khí CO2 do các tầng nước mặt đại dương bị phân tầng nhiều hơn, khiến lượng lớn CO2 tồn tại trong bầu khí quyển.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy sự xâm nhập của nước biển ấm tại thềm băng phía tây Nam Cực sẽ tăng lên, song các tác giả chưa xem xét điều này có thể gây ra tác động như thế nào.
Kết quả nghiên cứu trên được công bố ngày 28/3, trên tạp chí Nature.