Theo đó, ngày 19/7, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của 69 đơn vị (thành phần là lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương).
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phan Thăng An, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết: Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến', "tự chuyển hóa" đã đặt ra nhiệm vụ: "Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, đề cao thực hiện thẩm quyền tạm đình chỉ công tác của người đứng đầu đối với cán bộ cấp dưới để kiểm tra, xử lý khi có dấu hiệu vi phạm".
Để triển khai Kết luận trên, ngày 1/12/2021 Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 03-KH/TW, trong đó Ban Tổ chức Trung ương được Bộ Chính trị giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án "Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật".
Về vấn đề tạm đình chỉ công tác cán bộ, đến nay Bộ Chính trị chưa có quy định, trong khi đó các quy định về tạm đình chỉ trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn chưa được cụ thể, chi tiết, rõ ràng; chưa đồng bộ, thống nhất nên dẫn đến nhận thức khác nhau khi áp dụng, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.
Trong thực tiễn hiện nay có nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có những sai phạm về đạo đức, lối sống, "tự diễn biến', "tự chuyển hóa"… gây bức xúc trong dư luận, cần kịp thời tạm đình chỉ công tác để đảm bảo ngăn chặn tác động tiêu cực, gây cản trở việc xem xét, xử lý vi phạm, giữ uy tín, đoàn kết nội bộ, không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.
Đồng chí Phan Thăng An cũng nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành "Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật" là cần thiết để thống nhất giữa quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên đây là vấn đề mới trong Đảng, khó định lượng căn cứ, dấu hiệu. Bởi vậy tại Hội nghị này, đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung trong dự thảo Quy định, nhất là về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, căn cứ tạm đình chỉ, thẩm quyền, trách nhiệm, thời hạn, quy trình… để Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo.
Nhiều vấn đề khó, rất mới
Thay mặt Tổ Biên tập thông tin về dự thảo Quy định tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Kim Minh, Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị nội bộ (Ban Tổ chức Trung ương), Tổ trưởng Tổ Biên tập cũng cho rằng, đây là đề án khó, nêu vấn đề rất mới, lần đầu tiên tham mưu Bộ Chính trị ban hành quy định.
Trong khi để xây dựng nội dung Quy định liên quan đến rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Đảng, Nhà nước, cần đối chiếu để thực hiện thống nhất. Tổ Biên tập Đề án có sự tham gia của các đồng chí ở nhiều cơ quan, đơn vị, đã xây dựng dự thảo Quy định gồm 4 chương 10 điều.
Ban Tổ chức Trung ương đã gửi xin ý kiến và nhận được góp ý từ các tỉnh ủy, thành ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương.
Để nội dung dự thảo Quy định được bao quát và khả thi trong thực hiện, Tổ Biên tập mong muốn nhận thêm các ý kiến góp ý, trao đổi của các đồng chí để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy định mới, báo cáo Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương và sớm trình Bộ Chính trị theo kế hoạch.
Cần kiểm soát chặt chẽ để không bị lạm quyền, lợi dụng
Thảo luận tại Hội nghị, các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết ban hành Quy định để nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Tuy nhiên, việc ban hành Quy định cũng gây ra nhiều băn khoăn, nhất là việc kiểm soát việc người đứng đầu thực hiện Quy định như thế nào để không bị lạm quyền, lợi dụng Quy định để thực hiện những việc mang tính cá nhân, cục bộ.
Bởi vậy, các ý kiến đã đề xuất, góp ý nhiều ý kiến về tên gọi Quy định; giới hạn phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Quy định. Một số ý kiến đề xuất thay đổi, bổ sung từ ngữ, làm rõ hơn một số khái niệm trong Quy định.
Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một số nội dung vào các điều, khoản trong Quy định, cũng như bổ sung thêm một số căn cứ chặt chẽ hơn để thực hiện Quy định mang tính khả thi.
Các ý kiến đều thống nhất rằng, việc xây dựng Quy định có tiêu chí cụ thể, chặt chẽ sẽ tránh được việc lạm dụng quyền lực người đứng đầu trong tạm đình chỉ cán bộ.
Dự thảo Quy định được xây dựng công phu, nghiêm túc, có bố cục chặt chẽ, rõ ràng
Tiếp đó, Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục tổ chức Hội nghị dưới hình thức trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Dự Hội nghị tại các điểm cầu có đại diện thường trực tỉnh ủy, thành ủy, lãnh đạo ban tổ chức, ban nội chính, ủy ban kiểm tra, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân, công an, thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương và các thành viên Tổ Biên tập Đề án.
Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất cho rằng, việc xây dựng Quy định là cần thiết trong điều kiện hiện nay, góp phần cải cách hành chính trong Đảng.
Dự thảo Quy định được xây dựng công phu, nghiêm túc, có bố cục chặt chẽ, rõ ràng, thể hiện rõ việc phân cấp và cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, phạm vi ngày càng được mở rộng.
Các đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu, rà soát thêm một số căn cứ pháp lý, các quy định của Đảng, Nhà nước để bảo đảm sự đồng bộ, liên thông, tránh sự chồng chéo, trùng lặp.
Cần quy định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thời hạn tạm đình chỉ công tác, chế độ, chính sách đối với cán bộ trong thời gian tạm đình chỉ công tác, đồng thời cũng cần có điều khoản để kiểm soát quyền lực, tránh việc lạm quyền trong quá trình thực hiện quy định này.
Một số ý kiến cũng đề nghị Tổ Biên tập nghiên cứu lượng hóa một số nội dung; xây dựng quy trình và các mẫu biểu để tạo sự thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện...
Ban Tổ chức Trung ương sẽ tiếp tục lấy ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Phan Thăng An đánh giá cao những ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu dự Hội nghị.
Các ý kiến đi từ vấn đề khái quát, tổng thể, đồng bộ, liên thông với các văn bản của Đảng, Nhà nước, đồng thời góp ý chi tiết, cụ thể, rõ ràng vào từng điều, khoản của dự thảo Quy định. Đây là những căn cứ quan trọng để Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Quy định.
Theo đồng chí Phan Thăng An, những nội dung trong dự thảo Quy định là những vấn đề mới, khó, nhạy cảm, có ảnh hưởng nhiều mặt nên cần phải cân nhắc một cách thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng.
Sau Hội nghị, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các địa phương, cơ quan, đơn vị trước khi báo cáo Bộ Chính trị.
Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phan Thăng An cũng đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục nghiên cứu, góp ý vào dự thảo để bảo đảm tính khả thi cao khi Quy định được ban hành./.