Thương mại - Dịch vụ

Bản tin kinh doanh tài chính ngày 31/1/2024: Giá vàng đồng loạt tăng, thu thuế qua thương mại điện tử tăng mạnh

Kiên Trung31/01/2024 11:05

Bản tin kinh doanh tài chính ngày 31/1: Giá vàng đồng loạt tăng; giá xăng dầu suy yếu; Việt Nam xuất khẩu giày dép đạt hơn 20 tỷ USD…

ADQuảng cáo

Bản tin kinh doanh tài chính trong nước ngày 31/1/2024

Giá vàng đồng loạt tăng

Giá vàng hôm nay 31/1/2024 trên thị trường thế giới tăng trong bối cảnh căng thẳng Trung Đông lên cao. Hiện tại, giá vàng miếng thương hiệu SJC niêm yết ở mức 74,9 triệu đồng/lượng mua vào và 77,42 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng miếng SJC đã được điều chỉnh tăng 600.000 đồng ở cả 2 chiều.

Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 31/1/2024: Giá vàng đồng loạt tăng; giá xăng dầu suy yếu

Ngày 31/1, hạn cuối báo cáo kết quả quản lý, điều hành thị trường vàng

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hôm nay 31/1/2024 là hạn cuối Ngân hàng Nhà nước trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng.

Ngày 28/12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã thông tin về những giải pháp nhằm ổn định thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ, nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh thời gian qua chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế. Trong những ngày giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh, giá vàng miếng SJC trong nước thường tăng với tốc độ nhanh hơn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu dịp Tết

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch, Tổng Giám đốc: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.

Công điện nêu: Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, cơ quan, doanh nghiệp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu, không để xảy ra thiếu hụt xăng dầu cho thị trường trong nước. Trong thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến giá cả và nguồn cung xăng dầu cho thị trường thế giới và trong nước. Tiếp theo Công điện số 1437/CĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch, Tổng Giám đốc: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Công điện số 1437/CĐ-TTg nêu trên và các chỉ đạo có liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, lưu ý thực hiện ngay một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Bộ trưởng Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường; chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa và có phương án bù đắp nguồn cung xăng dầu phù hợp trong mọi tình huống; tuyệt đối không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp; phối hợp các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, đồng thời có giải pháp kịp thời không để ảnh hưởng, gián đoạn nguồn cung xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu xem xét, quyết định điều chỉnh các loại chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, bảo đảm kịp thời, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với diễn biến thị trường xăng dầu; quyết liệt thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có liên quan.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chủ động xây dựng phương án sản xuất, phân phối, điều tiết xăng dầu phù hợp, khoa học, hiệu quả; có phương án chuẩn bị nguồn hàng, kịp thời cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp tại các địa phương nhằm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Công Thương, Tài chính chỉ đạo các cơ quan báo chí và phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam để thông tin chính thống, kịp thời, chính xác về việc cung ứng xăng dầu, các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, tránh đưa tin thất thiệt gây hoang mang, bất ổn thị trường. Các Bộ: Công Thương, Tài chính chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí theo quy định.

Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Công an, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, quy định về hóa đơn điện tử…

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Việt Nam xuất khẩu giày dép đạt hơn 20 tỷ USD

Hết năm 2023, xuất khẩu mặt hàng giày dép mang về hơn 20,2 tỷ USD, giảm 15,3% so với năm 2022. Như vậy 26 năm liên tiếp (tính từ năm 1998), giày dép xuất khẩu luôn nằm trong "câu lạc bộ tỷ đô" và nằm trong nhóm có kim ngạch cao.

Hiện, Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép với lượng xuất khẩu ước tính chiếm 10% của thế giới và có mặt ở 150 thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…

Xuất khẩu giày dép sang EU tăng mạnh nhờ

Việt Nam đón 1,5 triệu du khách quốc tế trong tháng đầu năm

Trong tháng đầu năm 2024, ngành du lịch nước ta đón hơn 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này tương đương với lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2019 thời điểm trước dịch. Đây cũng là tháng đón nhận lượng khách quốc tế cao nhất kể từ khi nước ta mở cửa đón khách quốc tế trở lại sau đại dịch Covid-19.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 1/2024 ước đạt 58,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

Lượng khách du lịch quốc tế tăng cao hơn thời điểm trước dịch Covid-19 - Báo Thái Nguyên điện tử

Doanh thu 5 sàn thương mại điện tử tăng hơn 50%

Theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric, tổng doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam, bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop trong năm 2023 đạt 233.200 tỷ đồng, với 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được bán ra. Doanh thu được ghi nhận tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2022, đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.

Báo cáo của Metric cũng cho thấy, thị phần doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất đã tăng từ 31,4% trong năm 2021 lên 46,5% ở năm 2023 so với tổng doanh thu toàn thị trường thương mại điện tử B2C.

So với tăng trưởng doanh thu toàn thị trường thương mại điện tử B2C, mức tăng trưởng của 5 sàn bán lẻ trực tuyến này đang cao và nhanh hơn trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong giai đoạn 2022 - 2023.

Về quản lý thuế thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay - Tạp chí Tài chính

Sức mua Tết giảm do người dân cắt giảm chi tiêu​

Thường vào tháng Chạp mọi năm hoạt động kinh doanh mua bán ở các chợ, trung tâm thương mại ở Kiên Giang sôi động hơn nhiều so với các thời điểm khác trong năm vì vào mùa mua sắm cao điểm.

Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sức mưa sắm Tết giảm mạnh do nhiều người dân cắt giảm chi tiêu Tết vì điều kiện kinh tế, thu nhập trong năm qua khó khăn.

Vào những dịp tết các năm trước, bước sang tháng Chạp, người dân nhộn nhịp đi mua sắm các món đồ và nhóm hàng như: Màn, chăn, gối; tô, chén, đĩa; xoong nồi và các món đồ gia vị; bột làm bánh… Cửa hàng của bà Thanh phải thuê thêm 4 nhân viên phụ bán. Năm nay, bà Thanh và 2 nhân viên bán hàng vẫn rảnh rỗi ngồi lướt điện thoại vì vắng khách. Những mùa Tết trước, bà Thanh phải nhập hàng mỗi ngày mới đủ bán, năm nay cả tuần mới phải nhập thêm hàng.

Tình hình kinh doanh của nhiều cửa hàng trang trí nội thất ở thành phố Rạch Giá cũng trong tình trạng tương tự. Theo ông Trần Huy, chủ cửa hàng trang trí nội thất Huy Hoàng, số lượng hàng bán ra trong tháng 11 Âm lịch đến nay chỉ tương đương những tháng trước đó chứ không tăng hơn.

Không chỉ ở thành phố Rạch Giá, tình hình kinh doanh, mua bán của các cửa hàng ở một số chợ nông thôn cũng khá trầm lắng trong nhiều ngày qua. “Cửa hàng đồ gia dụng của tôi cũng như nhiều cửa hàng kinh doanh các mặt hàng khác ở đây đều chỉ có lác đát lượng khách đến mua đồ chứ không nhộn nhịp như các mùa bán hàng Tết trước đây. Lượng khách đã ít mà họ còn cân nhắc khi mua các món đồ nữa, chứ không thoải mái mua nhiều món như trước. Tôi nghĩ do tình hình khó khăn chung, bà con tiết kiệm chi tiêu cũng đúng”, chị Nguyễn Thúy Loan, thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng cho hay.

Ngân hàng quốc doanh "sống khỏe"

Theo cập nhật mới nhất từ FiinGroup, 779 ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, chiếm 55,4% vốn hóa thị trường đã công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2023. Dù mới hé mở hơn một nửa "bức tranh" nhưng đã cho thấy nhiều điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng và doanh nghiệp.

Ngân hàng quốc doanh sống khỏe - Ảnh 1.

Cụ thể, nhóm tài chính tăng 19,7%, nhóm phi tài chính tăng 28,4%. Đáng chú ý là cả nhóm tài chính và phi tài chính tính đến hiện tại cùng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 2 con số trong quý IV năm ngoái, tương ứng 20% và 28% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhóm dịch vụ tài chính, chủ yếu là các công ty chứng khoán có mức tăng trưởng chung đến hơn 8.500%, nguyên nhân bởi mức nền thấp, thậm chí nhiều doanh nghiệp thua lỗ ở cuối năm 2022.

Điểm nhấn trong bức tranh kết quả kinh doanh năm vừa qua là sự phục hồi xuyên suốt. Nếu như quý I năm ngoái, lợi nhuận toàn thị trường sụt giảm tới hơn 20%, quý II thu hẹp đà giảm còn hơn 13% thì quý III đã đánh dấu sự tăng trưởng trở lại. Và theo cập nhật đến hiện tại, lợi nhuận quý IV của các ngân hàng và doanh nghiệp đang tăng trưởng tới gần 26% so với cùng kỳ.

Bản tin kinh doanh tài chính quốc tế ngày 31/1/2024

Nhà đầu tư mạo hiểm Mỹ ‘ôm núi tiền’ vì không thấy cơ hội giải ngân

Các nhà đầu tư mạo hiểm ở Mỹ đang nắm giữ lượng tiền mặt cao kỷ lục 311 tỉ đô Mỹ khi họ tránh đặt cược đầy rủi ro vào các công ty khởi nghiệp (startup) non trẻ ở Thung lũng Silicon. Họ đang chịu áp lực trả lại vốn cho các tổ chức đã góp tiền vào các quỹ của họ.

Theo Công ty dữ liệu thị trường tư nhân PitchBook, các công ty đầu tư vốn mạo hiểm của Mỹ mới chỉ triển khai một nửa trong số kỷ lục 435 tỉ đô la Mỹ mà họ huy động được từ các nhà đầu tư tổ chức trong thời kỳ từ năm 2020 đến năm 2022.

Điều này khiến lượng tiền mặt dự trữ chưa sử dụng của họ, thường được gọi là “bột khô”, tăng lên mức cao kỷ lục 311 tỉ đô la. Họ đang trở nên thận trọng hơn trong bối cảnh định giá các startup suy giảm. Họ chỉ ưu tiên đầu tư cho các startup đã trưởng thành hoặc hỗ trợ thêm cho danh mục đầu tư hiện tại.

Khi các quỹ đầu tư mạo hiểm “ôm” tiền mặt dự trữ quá lâu, các startup non trẻ không có con đường rõ ràng để kiếm lợi nhuận hoặc lối thoát sinh lời. Thay vào đó, họ sẽ phải đối mặt với rủi ro mức định giá suy giảm mạnh và có khả năng sụp đổ.

ADQuảng cáo

“Ở một khía cạnh nào đó, ‘bột khô’ là một ảo ảnh. Đó là một con số lý thuyết. Các công ty nằm trong danh mục đầu tư trong các quỹ mạo hiểm đang cảm thấy căng thẳng tài chính hơn bao giờ hết. Đối với họ, ý niệm về con đường tăng trưởng và phát triển mà không cần tạo ra lợi nhuận trước mắt và vòi tiền mặt luôn có sẵn không còn nữa”, Nigel Dawn, người đứng đầu toàn cầu về tư vấn vốn cổ phần tư nhân của ngân hàng đầu tư Evercore, nói.

Vàng thế giới lên cao nhất trong 2 tuần

Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần vào ngày thứ Ba (30/01), được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, trong khi sự tập trung chú ý chuyển sang cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để tìm kiếm thông tin rõ ràng hơn về lộ trình hạ lãi suất trong năm nay.

Giá vàng thế giới nhích lên đỉnh 2 tuần, rẻ hơn trong nước trên 17 triệu đồng/lượng

Daniel Pavilonis, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định: “Phần lớn biến động trên thị trường vàng là do lãi suất giảm và đồng USD suy yếu, nhưng chúng tôi đang thấy thị trường tăng cao do dự báo về quyết định lãi suất của Fed vào ngày 31/01”.

Quyết định lãi suất của Fed sẽ được đưa ra vào ngày 31/01, sau khi có bước chuyển biến “bồ câu” trong cuộc họp tháng 12/2023. Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất không đổi vào cuối cuộc họp kéo dài 2 ngày.

Fed muốn có một thị trường ổn định nên chúng ta có thể không thấy nhiều đợt hạ lãi suất, và ông Powell sẽ giữ thái độ trung lập và nói về khả năng hạ lãi suất, ông Pavilonis nói.

Dow Jones tăng hơn 100 điểm chờ quyết định lãi suất của Fed

Chỉ số S&P 500 gần như đi ngang vào ngày thứ Ba (30/01), khi Phố Wall chờ đợi quyết định về lãi suất mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Nhà đầu tư sẽ theo dõi thông tin cập nhật về cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) diễn ra vào ngày 30/01. Theo công cụ CME FedWatch, thị trường hiện dự báo xác suất khoảng 97% rằng ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất không thay đổi.

Cho đến nay, 144 công ty đã công bố kết quả kinh doanh trong mùa báo cáo lợi nhuận này, tương đương khoảng 29% số công ty thuộc S&P 500. Khoảng 79% trong số các công ty đó đã công bố kết quả vượt kỳ vọng của Phố Wall, cao hơn so với mức trung bình 76% trong 4 quý vừa qua.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Ngày 30/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới nhất, trong đó nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 lên 3,1% nhờ khả năng phục hồi bất ngờ ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi trên khắp thế giới, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Mức dự báo mới cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó của IMF vào tháng 10/2023.

Phát biểu với báo giới, nhà kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas nhận định: “Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi đáng chú ý, nhờ lạm phát giảm đều và tăng trưởng ổn định”. Tuy nhiên, ông Gourinchas cảnh báo dù khả năng hạ cánh mềm đã tăng lên, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chậm và rủi ro vẫn còn.

IMF dự báo trong năm 2024 và 2025 tăng trưởng toàn cầu sẽ vẫn ở dưới mức trung bình lịch sử gần đây là 3,8% do tác động liên tục của lãi suất tăng cao, việc chính phủ ngừng hỗ trợ ứng phó đại dịch COVID-19 và tình trạng năng suất thấp kéo dài. Trong các nền kinh tế thuộc Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7), tăng trưởng ở các nước châu Âu vẫn yếu trong khi Nhật Bản và Canada dự kiến sẽ tăng trưởng tốt hơn.

IMF dự báo lạm phát chung không thay đổi, ở mức 5,8% trong năm 2024, nhưng có sự thay đổi cơ bản đáng kể giữa các nước giàu và nghèo hơn. Cụ thể, lạm phát ở các nền kinh tế phát triển dự báo là 2,6% năm 2024, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10/2023, trong khi lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến sẽ đạt 8,1%, tăng 0,3 điểm phần trăm.

Theo IMF, Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đều có những cải thiện đáng kể về triển vọng tăng trưởng năm 2024. IMF dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1%, giảm nhẹ so với mức 2,5% của năm 2023. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà đạt tăng trưởng 4,6% trong năm nay, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước, mặc dù tốc độ này thấp hơn mức 5,2% của năm 2023.

Trong khi nhiều nền kinh tế châu Á vẫn tăng trưởng tốt, châu Âu tiếp tục phủ bóng đen lên triển vọng toàn cầu, trong đó IMF nhấn mạnh "sự tăng trưởng chậm lại đáng chú ý ở khu vực Eurozone".

Theo IMF, tốc độ tăng trưởng ảm đạm của Eurozone phản ánh "tâm lý tiêu dùng yếu kém, tác động kéo dài của giá năng lượng cao, cũng như sự yếu kém trong đầu tư kinh doanh và lãi suất cao ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất".

Ngành bán lẻ may mặc toàn cầu tìm cách "vượt bão" từ Biển Đỏ

Ngay khi các nhà bán lẻ hàng may mặc nghĩ rằng họ đã vượt qua được rào cản về chuỗi cung ứng thì họ lại gặp phải một trở ngại mới do tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ gây ra. Mặc dù chi phí vận tải tăng ở mức thấp hơn nhiều so với giai đoạn năm 2021 (vì đại dịch COVID-19), song lịch trình giao hàng không ổn định đang tạo ra nguy cơ hàng hóa được bàn giao không đúng mùa, khiến nhiều công ty buộc phải giảm giá bán.

Căng thẳng ở Biển Đỏ bùng phát kể từ tháng 11/2023, khiến nhiều công ty phải định tuyến lại các tàu chở hàng hóa bao gồm quần áo và đồ đạc quanh mũi phía Nam châu Phi. Thời gian vận chuyển qua tuyến đường dài này sẽ tốn thêm một đến hai tuần. Điều này cũng làm tăng chi phí vận chuyển trên các tuyến khác. Trong khi đó, tình trạng hạn hán đã hạn chế năng lực của kênh đào Panama. Một chuyên gia về chuỗi cung ứng và chính sách hải quan cho biết các nhà bán lẻ thường bắt đầu dự trữ hàng hóa cho cuối mùa Xuân và đầu mùa Hè vào khoảng thời gian này trong năm.

Những gián đoạn trên có tác động trực tiếp lớn nhất đến các công ty bán sản phẩm sang thị trường châu Âu. Theo báo cáo của cơ quan nghiên cứu toàn cầu thuộc ngân hàng Bank of America (BofA Global Research), khoảng 28% thương mại container toàn cầu đi qua Biển Đỏ, phần lớn các container vận chuyển hàng hóa đến và đi từ châu Âu.

Sự gián đoạn vận chuyển cũng có thể ảnh hưởng đến Nike và Adidas, hai thương hiệu đồ thể thao, mặc dù sản phẩm của họ không nhạy cảm theo mùa. Khoảng 30% và 40% doanh số bán hàng của Nike và Adidas lần lượt đến từ thị trường châu Âu.

Ở một mức độ nào đó, các nhà bán lẻ hiện được trang bị tốt hơn để đối phó với tình trạng gián đoạn vận chuyển. Nhiều nhà bán lẻ đã giảm lượng hàng tích trữ xuống mức bình thường như trước thời kỳ đại dịch COVID-19. Ngoài ra, các chi phí đầu vào khác cũng giảm, giúp hạn chế thiệt hại. Theo dữ liệu từ BofA Global Research, giá sợi bông và polyester đang có xu hướng giảm.

Nhưng nếu tuyến đường vận tải đi qua Biển Đỏ càng gặp nguy hiểm thì nguy cơ chi phí tăng trở lại ngày càng cao hơn.

Nhiều đổi thay trên thị trường gạo thế giới

Lượng gạo xuất khẩu của Pakistan có thể tăng lên mức cao kỷ lục trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2024, khi quyết định hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã buộc người mua chuyển sang nhập khẩu nhiều hơn từ Pakistan, với mức giá cao nhất trong gần 16 năm qua.

Xuất khẩu gạo cao kỷ lục của Pakistan đang góp phần xoa dịu tình trạng nguồn cung bị thắt chặt sau các quy định hạn chế của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đồng thời gia tăng dự trữ ngoại hối cho Pakistan.

Bình thường, Ấn Độ bán gạo không thuộc giống basmati với giá thấp hơn Pakistan. Khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, người mua đang chuyển sang gạo Pakistan. Ở Pakistan, giá gạo trong nước đang dần tăng lên dù sản lượng tăng. Pakistan đang bán gạo trắng 5% tấm ở mức khoảng 640 USD/tấn, và gạo đồ có giá khoảng 680 USD/tấn, tăng mạnh so với các mức lần lượt là 465 USD/tấn và 486 USD/tấn một năm trước.

Việt Nam, Thái Lan và Pakistan đang cố gắng lấp đầy khoảng trống mà Ấn Độ để lại trên thị trường gạo. Nhưng với khoảng cách địa lý gần với các nước mua gạo ở Trung Đông, châu Âu và châu Phi, Pakistan đang có được lợi thế lớn.

Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, dữ liệu từ Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) ngày 28/1 cho thấy xuất khẩu hàng hóa của nước này sang Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ hồi năm 2023, trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng và sự xoay trục chiến lược của Seoul.

Theo KITA, Hàn Quốc chiếm 6,3% lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2023, giảm so với mức 7,4% năm 2022. Các chuyên gia cho rằng sự tự lực ngày càng tăng của Trung Quốc trong sản xuất sản phẩm chủ chốt và phát triển công nghệ, do căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đang khiến cho sự hiện diện thương mại của Hàn Quốc tại thị trường quan trọng này bị giảm sút.

Sau khi Trung Quốc cắt giảm đơn đặt hàng chip, các nhà sản xuất chip Hàn Quốc đã phải chịu sự sụt giảm doanh số kéo dài trong những tháng gần đây. Chip là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Hàn Quốc sang Trung Quốc, chiếm gần 20% khối lượng xuất khẩu giữa hai nước. Giáo sư Park cho biết thêm điều quan trọng là Hàn Quốc phải tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực tương đối mới và mới nổi như chăm sóc sức khỏe sinh học và công nghệ thông tin, hơn là các lĩnh vực sản xuất truyền thống như chất bán dẫn và pin.

Sau khi Trung Quốc và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao hồi năm 1992, Hàn Quốc luôn chiếm khoảng 10% thị trường nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, thị phần của Hàn Quốc đã giảm dần trong thời gian gần đây, giảm từ 10,4% năm 2016 xuống còn 6,3% vào năm 2023, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính như điện thoại thông minh, màn hình, ô tô và hóa dầu.

Kinh tế toàn cầu hướng tới kịch bản hạ cánh mềm

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất ngày 30/1, IMF dự báo, kinh tế toàn cầu đã phục hồi tích cực, hướng tới một kịch bản hạ cánh mềm, với lạm phát giảm dần, tốc độ tăng trưởng được giữ vững. Tuy nhiên, tốc độ mở rộng còn chậm và tình trạng hỗn loạn, bất ổn còn ở phía trước.

IMF dự báo, kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,1% vào năm 2024 và 3,2% vào năm 2025. IMF cũng dự đoán các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, tăng so với dự báo 3 tháng trước do tăng trưởng mạnh hơn dự kiến của Trung Quốc. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng 5,4% của năm 2023.

Trước đó, hồi tháng 10/2023, IMF dự đoán khu vực các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tăng 4,8% trong năm 2024. Trong năm 2025, khu vực các nước châu Á mới nổi và đang phát triển dự kiến tăng trưởng 4,8%. Trong đó, tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay đã được IMF điều chỉnh tăng 0,4 điểm % lên 4,6% do chi tiêu chính phủ tăng, mặc dù vẫn chậm hơn so với mức 5,2% của năm ngoái.

Kinh tế Đức đứng trước nguy cơ suy thoái

Số liệu do Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 30/1 cho thấy, kinh tế Đức giảm 0,3% trong quý IV/2023 so với quý trước đó.

Các nhà kinh tế ở München vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng chung cho kinh tế Đức trong năm 2024 xuống còn 0,7%. Chủ tịch Ifo Clemens Fuest cho biết: "Với dữ liệu mới về GDP quý IV/2023 được công bố hôm nay, có thể chúng tôi phải hạ dự báo tăng trưởng cả năm nay xuống còn 0,3%". Trước đó, kinh tế Đức tăng trưởng nhẹ trong quý I năm ngoái nhưng lại trì trệ trong quý II và III.

Ngoài số liệu thống kê Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) yếu kém của quý cuối cùng năm ngoái, nền kinh tế còn bộc lộ nhiều mặt tiêu cực. Chỉ số môi trường kinh doanh mà Viện Ifo công bố cũng giảm mạnh một cách đáng ngạc nhiên trong tháng Một. Viện này dự đoán nền kinh tế sẽ giảm thêm 0,2% trong quý đầu tiên của năm nay. Nếu có hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Nền kinh tế Đức yếu kém chủ yếu là kết quả của lạm phát cao và sự thay đổi lãi suất. Tuy nhiên, cả hai yếu tố đều mang tính toàn cầu chứ không chỉ ảnh hưởng đến Đức. Xung đột Nga-Ukraine cũng tác động mạnh tới kinh tế nước này. Ông Ferdinand Fichtner, chuyên gia kinh tế của Đại học Khoa học Ứng dụng Berlin (HTW), cho biết: "Sự phát triển kinh tế khá bất lợi hiện nay so với thế giới phần lớn là do mức độ phụ thuộc cao vào Nga trước đây". Giá năng lượng từ lâu đã bắt đầu giảm về mức bình thường nhưng ở Đức luôn cao hơn những nơi khác.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản tin kinh doanh tài chính ngày 31/1/2024: Giá vàng đồng loạt tăng, thu thuế qua thương mại điện tử tăng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO