Thương mại - Dịch vụ

Bản tin kinh doanh tài chính ngày 30/1/2024: Giá vàng nhích tăng sau động thái của Fed, Giá cà phê xuất khẩu lên mức cao nhất

Thanh Tâm30/01/2024 10:20

Bản tin kinh doanh tài chính ngày 30/1: Giá vàng nhích tăng sau động thái của Fed; đồng USD tăng so với đồng euro; giá cà phê xuất khẩu lên mức cao nhất…

Bản tin kinh doanh tài chính trong nước ngày 30/1/2024

Giá vàng nhích tăng sau động thái của Fed

Hiện tại, thị trường vàng vẫn đang chờ đợi cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm 2024 sẽ diễn ra vào giữa tuần này, để có thêm manh mối về thời điểm cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm nay của Mỹ.

Ở trong nước, giá vàng hôm nay 30/1 nhích nhẹ lên gần 77 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng thương hiệu SJC niêm yết ở mức 74,3 triệu đồng/lượng mua vào và 76,82 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng miếng SJC đã được điều chỉnh tăng 100.000 đồng ở cả 2 chiều.

Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 30/1/2024: Giá vàng nhích tăng sau động thái của Fed
Giá vàng nhích tăng sau động thái của Fed

Cùng chiều diễn biến, giá vàng thế giới tăng nhẹ, theo đó vàng giao ngay tăng lên 2.030,9 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.049 USD/ounce, tăng 11 USD so với rạng sáng qua.

Giá vàng thế giới tăng khi được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn do lo ngại căng thẳng gia tăng ở Trung Đông. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ trượt dốc cũng làm tăng sức hấp dẫn của vàng thỏi không mang lãi suất.

Đồng USD tăng so với đồng euro

Rạng sáng nay, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 5 đồng, hiện ở mức 24.036 đồng. Trong khi đó, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,04%, đạt mốc 103,47.

Đồng USD dự kiến sẽ còn tăng tiếp

Đồng USD tăng so với đồng euro vào phiên giao dịch vừa qua, khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho viễn cảnh Fed có thể đẩy lùi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sắp xảy ra, sau cuộc họp kéo dài hai ngày vào ngày mai 31/1.

Dự án đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài gấp 9,3 lần

Trong tháng 1/2024, có 11 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 16,2 triệu USD, gấp 9,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5,4 triệu USD, chiếm 33,2% tổng vốn đầu tư; hoạt động xây dựng đạt 5 triệu USD, chiếm 30,9%; hoạt động khai khoáng đạt 4 triệu USD, chiếm 24,7%.

Có 6 quốc gia nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Mỹ là nước dẫn đầu với 5,9 triệu USD, chiếm 36,1% tổng vốn đầu tư; Đức 5,4 triệu USD, chiếm 33,2%; Lào 4,2 triệu USD, chiếm 26,2%.

Heo nhập lậu ồ ạt vào Việt Nam

Những ngày cận Tết Nguyên đán cũng là dịp các hộ kinh doanh nuôi lợn đang chuẩn bị xuất bán lứa cuối cùng của năm để mong thu hồi được vốn. Tuy nhiên, hiện có tới 30% lượng thịt lợn tiêu thụ tại Việt Nam đến từ nguồn nhập lậu, 6.000 - 7.000 con lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ được buôn bán trái phép vào Việt Nam mỗi ngày.

Heo nhập lậu 'rần rần', hỏi địa phương vẫn không biết

Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, heo nhập lậu từ Campuchia tràn vào qua các cửa khẩu đã làm cho nguồn cung trong nước tăng lên. Đặc biệt là giá heo nhập lậu trên thị trường có rẻ hơn nên khiến cho giá heo trong nước bị ép xuống thấp, làm người chăn nuôi thua lỗ nặng.

Giá cà phê xuất khẩu lên mức cao nhất

Theo Bộ Công Thương, trong tuần cuối của tháng 1/2024, trên bảng giá nguyên liệu công nghiệp, giá cà phê Robusta tăng 4,51%, mức cao nhất trong 16 năm qua. Nguyên do căng thẳng trên Biển Đỏ kéo dài và tồn kho quay về mức thấp kỷ lục, lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường gia tăng đẩy giá cà phê lên cao.

Với thị trường trong nước, hiện giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ điều chỉnh tăng dao động 400 - 500 đồng/kg. Cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức hơn 76.000 - hơn 77.000 đồng/kg.

Năm 2024, dự báo giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới sẽ không giảm cho đến hết nửa đầu năm, giá cà phê Arabica cũng chưa thể giảm do tồn kho đạt chuẩn vẫn đang rất thấp.

CPI tăng 0,31% trong tháng đầu tiên của năm 2024

Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 tăng 0,31% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 1 năm nay tăng 3,37%; lạm phát cơ bản tháng 01/2024 tăng 2,72%.

Một số nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 1/2024 tăng là do một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu.

Trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 1/2024 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Cụ thể, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 1,02% (làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm). Tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,56% làm CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm, do giá điện sinh hoạt tháng 1/2024 tăng 1,29% so với tháng trước và nhu cầu dùng điện để sưởi ấm tăng khi thời tiết chuyển lạnh. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,53% và giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,33%; giá gas tăng 1,69%.

Môi giới bất động sản qua... TikTok

Công nghệ ngày càng phát triển, hành vi người tiêu dùng cũng thay đổi theo. Ngành kinh doanh, môi giới bất động sản cũng không nằm ngoài xu hướng, buộc phải thay đổi để tìm kiếm khách hàng, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Kinh doanh bất động sản với TikTok: Xu hướng tạo nên tương lai! - CafeLand.Vn

Việc truyền tải các thông tin, thông điệp bằng các video ngắn trên mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube đang là xu thế mà các sàn giao dịch bất động sản áp dụng để giúp khách hàng có những trải nghiệm và góc nhìn chân thật về sản phẩm, nâng cao hiệu quả truyền thông và tìm kiếm khách hàng.

Các môi giới chia sẻ, lượt tương tác khách hàng mới tăng lên rõ rệt gấp 2 - 3 lần so với trước, tuy nhiên, tỷ lệ chốt giao dịch mua bán thành công vẫn chưa cao. Các sản phẩm như căn hộ để ở thực, có pháp lý rõ ràng, giá từ bình dân đến tầm trung dễ tiếp cận hơn các sản phẩm cao cấp, có giá trị cao.

Thu giữ gần 1.900 áo khoác đã qua sử dụng bán livestream qua Facebook

Tổng cục Quản lý thị trường ngày 29/1 cho biết, qua quá trình theo dõi livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội Facebook của cá nhân, lực lượng chức năng của tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra và phát hiện tại một hộ kinh doanh có 1.858 chiếc áo khoác nữ không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thu giữ gần 1.900 áo khoác đã qua sử dụng bán livestream qua Facebook - Ảnh 1.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với Phòng Thanh tra - Pháp chế - Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang, Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang và Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Việt Yên kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Tiến Đỉnh, thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang do ông Nguyễn Tiến Đỉnh là chủ hộ kinh doanh.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại kho hàng của hộ kinh doanh đang livestream bán áo khoác nữ người lớn đã qua sử dụng, không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa và không có hóa đơn, chứng từ với số lượng 1.858 chiếc, có giá bán được niêm yết trên sản phẩm là 30.000 đồng/chiếc. Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Ớt chuông, mì ăn liền, sầu riêng, đậu bắp, thanh long bị EU đưa vào diện kiểm soát

Đây là lần đầu tiên sầu riêng Việt Nam nằm trong danh sách các mặt hàng giám sát tại cửa khẩu của EU với tần suất 10%. Do 6 tháng cuối năm 2023, đã có 3 lô hàng sầu riêng của Việt Nam bị cảnh báo dư thừa chất bảo vệ thực vật.

Ớt chuông, mì ăn liền, sầu riêng, đậu bắp, thanh long bị EU đưa vào diện kiểm soát - Ảnh 1.
Đây là lần đầu tiên sầu riêng Việt Nam nằm trong danh sách các mặt hàng giám sát tại cửa khẩu của EU - Ảnh: VTV Online

Nói về sự việc này, một đại diện doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng sang châu Âu cho biết, giá trị lô hàng tuy nhỏ, không gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp nhưng cơ hội tại thị trường châu Âu bị mất đi.

Quy định giám sát như vậy được coi là bình thường trong thương mại nông sản, không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu. Nhưng cũng dẫn đến những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp.

"Tăng tần suất kiểm tra về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng đến thời gian sẽ tăng lên trong quá trình thủ tục thông quan xuất khẩu đối với các doanh nghiệp, đi kèm với đó là các chi phí sẽ tăng lên rất nhiều. Việc xuất khẩu về chất lượng ảnh hưởng thì nó có thể ảnh hưởng đến quả sầu riêng Việt Nam trên thị trường chung quốc tế. Nhiều doanh nghiệp muốn xây dựng lại niềm tin với người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu thì cũng phải đầu tư nhiều hơn nữa" - ông Lê Anh Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk chia sẻ.

So với thông báo 6 tháng trước, 4 mặt hàng là ớt, mì ăn liền, đậu bắp, thanh long vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra. Việc bị đưa thêm mặt hàng vào danh sách kiểm soát cũng là cảnh báo để nông dân và doanh nghiệp phải làm tốt hơn, chặt chẽ hơn trong đáp ứng tiêu chuẩn an toàn nông sản.

Giỏ quà Tết "bình dân" hút khách

Theo chủ cửa hàng, những giỏ quà có giá dưới 1 triệu đồng được ưa chuộng dịp Tết năm nay do người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, mặc dù giá giảm nhưng chất lượng vẫn được đặt lên hàng đầu.

Giỏ quà Tết bình dân hút khách - Ảnh 1.
Những giỏ quà có giá dưới 1 triệu đồng được ưa chuộng dịp Tết năm nay do người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn

"Về nhu cầu thì mọi người giảm túi tiền khi mua sắm. Như trước đây là 10 đồng thì giờ họ chỉ bỏ 7 đồng để mua một lẵng quà Tết mà phải phong phú chủng loại, nhiều loại hoa quả bày trí đẹp, có tem mác, thương hiệu rõ ràng", chị Võ Ngô Lan Phương, chủ một cửa hàng trái cây cho biết.

Đại diện các siêu thị cho biết, hiện thị trường hàng hoá tết bắt đầu vào cao điểm. Tết năm nay nhiều người có xu hướng chi tiêu những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nên giỏ quà cũng thiết kế phù hợp với túi tiền người dân hơn. Dù mức giá không phải là cao nhưng một giỏ quà vẫn đầy đủ từ nước ngọt đến bánh kẹo. Ngoài ra, phần lớn các sản phẩm trong giỏ quà là hàng Việt cũng góp phần giúp doanh nghiệp bình ổn giá cả.

Bản tin kinh doanh tài chính thế giới ngày 30/1/2024

Tình hình khó khăn của nền kinh tế châu Âu do đứt gãy chuỗi cung ứng do khủng hoảng Trung Đông

Sau các vụ tấn công của lực lượng Houthi ảnh hưởng đến tuyến đường vận tải từ châu Á sang châu Âu trên Biển Đỏ. Nhiều hãng vận tải biển đã chọn lựa hành trình thay thế qua Mũi Hảo Vọng ở châu Phi, tuy nhiên, điều này tăng thời gian và chi phí. Các doanh nghiệp châu Âu phải đối mặt với việc chờ đợi lâu hơn cho đơn hàng và trì hoãn giao hàng, gây ảnh hưởng đến sản xuất và làm tăng áp lực lạm phát.

Kinh tế châu Âu suy thoái 2 quý liên tiếp

Khảo sát với các nhà quản trị mua hàng cho thấy lần đầu tiên trong hơn một năm, thời hạn giao hàng tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp. Các tập đoàn sản xuất ô tô như Tesla và Volvo thông báo trì hoãn hoạt động giao hàng. Đứt gãy chuỗi cung ứng cũng tăng giá vận tải biển, làm gia tăng áp lực lạm phát ở châu Âu và đẩy lùi kỳ vọng về giảm lãi suất.

Tác động của khủng hoảng không ảnh hưởng nhiều đến Mỹ do họ có nhiều tuyến hàng hải thay thế. Tuy nhiên, nước Anh gặp ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Thời gian cung ứng giảm, chi phí tăng, và người tiêu dùng là người chịu thiệt hại cuối cùng. Các nhà sản xuất tại Mỹ cũng ghi nhận thời gian giao hàng chậm hơn, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện chạy xe tải khó khăn do các cơn bão.

Tuy tác động kinh tế của đứt gãy chuỗi cung ứng này nhỏ hơn so với đại dịch COVID-19, nhưng nó xuất hiện ở thời điểm quan trọng khi các nhà máy Trung Quốc đang cố gắng giao hàng trước khi đóng cửa nghỉ Tết Nguyên Đán 2024. Giá cước vận tải biển tăng đột ngột sau tấn công của Houthi, làm tăng giá hàng tiêu dùng và có thể gây thêm áp lực lạm phát toàn cầu. Các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là 40% giao dịch thương mại với châu Á, đang phải đối mặt với thách thức lớn. Tình hình còn phức tạp hơn khi kênh đào Panama cũng giảm sút do hạn hán ở Trung Mỹ.

Dầu giảm hơn 1% trước khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc

Giá dầu giảm mạnh vào ngày thứ Hai (29/01), ngay cả khi Mỹ chuẩn bị đáp trả một cuộc tấn công thương vong vào quân đội nước này ở Trung Đông, khi nhà đầu tư một lần nữa tập trung nhiều hơn về nền kinh tế Trung Quốc hơn là căng thẳng địa chính trị.

Dầu thô là gì? Cách đầu tư dầu thô hiệu quả - FTV

Giá dầu đã tăng hơn 1% vào đầu phiên sau khi tên lửa do phiến quân được Iran hậu thuẫn là thiệt mạng lính Mỹ ở Jordan vào cuối tuần trước. Tuy nhiên, mối lo ngại trên thị trường dầu về nền kinh tế Trung Quốc và sản lượng dầu thô ở Bắc Mỹ đã nhiều lần làm lu mờ những căng thẳng địa chính trị.

Mặc dù giá dầu phần lớn có phản ứng khá im ắng trước cuộc xung đột ở Trung Đông cho đến nay, Helima Croft của RBC Capital Markets cho biết điều đó sẽ thay đổi nếu cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran dẫn đến sự gián đoạn ở eo biển Hormuz, một điểm nghẽn quan trọng đối với nguồn cung dầu thô.

Vàng thế giới tăng lên mốc 2,030 USD khi căng thẳng leo thang ở Trung Đông

Giá vàng tăng vào ngày thứ Hai (29/01), khi căng thẳng leo thang ở Trung Đông làm tăng nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn, trong khi thị trường chờ đợi quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối tuần này để có thêm manh mối về thời điểm hạ lãi suất đầu tiên trong năm nay của Mỹ.

Giá vàng 14/4: Giá vàng thế giới và trong nước đồng loạt tăng vọt - Tạp chí Tài chính

Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco Metals, nhận định: “Điều đó đã khiến căng thẳng ở Trung Đông leo thang và đó là nguyên nhân khiến dòng tiền đổ vào thị trường kim loại quý trên cơ sở nhu cầu trú ẩn an toàn”.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm, làm tăng sức hấp dẫn của vàng, vốn không đem lại lợi suất.

Trung Quốc lên kế hoạch sáp nhập ba công ty quản lý nợ xấu lớn nhất nước

Chính phủ Trung Quốc đang hạn chế rủi ro trong ngành tài chính có trị giá 63.000 tỷ USD giữa bối cảnh khoản nợ của chính quyền địa phương ngày càng tăng và lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Hãng Tân Hoa xã đưa tin Trung Quốc có kế hoạch sáp nhập ba công ty quản lý nợ xấu lớn nhất nước này vào quỹ tài sản có chủ quyền China Investment Corp (CIC), như một phần trong kế hoạch cải cách các tổ chức tài chính.

Ba công ty quản lý tài sản (AMC) gồm China Cinda Asset Management, China Orient Asset Management và China Great Wall Asset Management sẽ được sáp nhập vào CIC. Bộ Tài chính Trung Quốc là cổ đông lớn nhất của ba công ty này.

Động thái trên phù hợp với cam kết của chính phủ trong việc tách biệt vai trò của cơ quan quản lý và cổ đông của các tổ chức tài chính nhà nước.

Các thượng nghị sĩ Mỹ thúc giục Fed hạ lãi suất

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren cùng với 3 nhà làm luật khác của Đảng Dân chủ kêu gọi Fed hạ lãi suất tại cuộc họp cuối tháng này. Mục tiêu là để người dân dễ dàng tiếp cận với nhà ở hơn.

Fed có thể sớm cắt giảm lãi suất - Tạp chí Tài chính

“Trong quá trình xem xét những bước đi kế tiếp trong năm mới, chúng tôi kêu gọi Fed cân nhắc tác động của lãi suất tới thị trường nhà ở”, các thượng nghị sĩ này viết trong lá thư gửi Chủ tịch Fed Jerome Powell trong ngày 28/01.

“Mức lãi suất cao ngất ngưởng này sẽ khiến chi phí mua nhà nói chung của người dân tăng lên đáng kể”, trích từ lá thư.

Phát ngôn viên của Fed cho biết: “Chúng tôi đã nhận được lá thư và đang lên kế hoạch phản hồi”.

Thanh Tâm

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Bản tin kinh doanh tài chính ngày 30/1/2024: Giá vàng nhích tăng sau động thái của Fed, Giá cà phê xuất khẩu lên mức cao nhất
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO