Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Nông xứng đáng với niềm tin của Nhân dân
10 năm qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Nông phát huy tốt vai trò, vị thế, luôn trung thành, liêm chính, bản lĩnh, tận tụy, sáng tạo, xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhân dân.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Nông (20/8/2013-20/8/2023), phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Xuân Hải, UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh về những thành tựu nổi bật của Ban trong 10 năm qua.
PV: Xin đồng chí khái quát một số nét về quá trình thành lập và phát triển của Ban Nội chính Tỉnh ủy trong 10 năm qua?
Đồng chí Trần Xuân Hải: Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Nông được thành lập theo Quyết định số 856-QĐ/TU ngày 20/8/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông. Khi mới thành lập, Ban Nội chính Tỉnh ủy chỉ có 8 cán bộ, công chức, người lao động, trong đó 7 đồng chí chuyển từ Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và Phòng nội chính, tiếp dân của Văn phòng Tỉnh ủy sang.
Đến nay, nhờ sự quan tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã được tăng thêm 1 phòng và bổ sung 5 biên chế vào năm 2022; qua đó, nâng tổng số biên chế của Ban lên 18 biên chế và 2 hợp đồng lao động với 3 phòng chuyên môn. Trình độ cán bộ, công chức đồng đều, cơ bản đáp ứng yêu cầu khối lượng công việc rất lớn. Qua thực tiễn công tác, nhiều đồng chí đã phấn đấu, trưởng thành và được điều động, bổ nhiệm giữ các chức vụ cao hơn.
Được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Nội chính Trung ương, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Nông đã thường xuyên củng cố, kiện toàn, từng bước lớn mạnh về mọi mặt. Ban đã tham mưu cho Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nội dung, nhiệm vụ về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý, giải quyết tốt đơn thư, khiếu nại, tố cáo, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, vị thế, vai trò của ngành Nội chính Đảng tỉnh Đắk Nông nói chung và Ban Nội chính Tỉnh ủy nói riêng không ngừng được nâng cao và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong 10 năm qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Nông đã từng bước khẳng định vị thế, vai trò của mình, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang hơn 57 năm Ngày truyền thống của ngành Nội chính Đảng cũng như góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị qua các giai đoạn lịch sử của tỉnh Đắk Nông. Điều này khẳng định chủ trương tái lập Ban Nội chính Trung ương và thành lập ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy là đúng đắn, như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết ngành Nội chính Đảng năm 2018.
Trong 10 năm qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy luôn được Tỉnh ủy đánh giá hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền được Ban Nội chính Trung ương và UBND tỉnh tặng Bằng khen, đặc biệt trong năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua.
PV: Với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật mà ngành Nội chính đã đạt được trên lĩnh vực này?
Đồng chí Trần Xuân Hải: Qua hơn 1 năm thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh (PCTN,TC) với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã khẩn trương tham mưu, nghiêm túc triển khai thực hiện, hoàn thành nhiều công việc quan trọng, phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo. Một số kết quả nổi bật đạt được như: tỉnh Đắk Nông là một trong 28/63 ban chỉ đạo đã ban hành xong các quy định, quy trình nghiệp vụ và là một trong 24/63 ban chỉ đạo đã ban hành quy định, quy trình về kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu, chuẩn bị chu đáo nội dung, tài liệu, các điều kiện cần thiết phục vụ 7 kỳ họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo; tham mưu ban hành 57 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, TC. Đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo PCTN,TC tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo đối với 19 vụ án, vụ việc. Qua đó, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” của Đảng, Nhà nước do đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC là người khởi xướng.
Có thể nói, những kết quả bước đầu đạt được là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy. Tập thể Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo có cách thức, phương pháp làm việc khoa học, nền nếp, bài bản, "đúng vai, thuộc bài"; sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức, nhất là các cơ quan nội chính ở địa phương, trong đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là nhân tố quyết định.
PV: Trước những thay đổi từ thực tiễn, nhiệm vụ của ngành Nội chính ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu mới, xin đồng chí cho biết những giải pháp để thực hiện tốt công tác Nội chính trong thời gian tới?
Đồng chí Trần Xuân Hải: Thời gian tới, mặc dù với khối lượng công việc ngày càng nhiều, trong đó, có nhiều việc mới, việc khó, đột xuất, phức tạp, nhạy cảm, có việc đòi hỏi phải hết sức khẩn trương, phải chặt chẽ, chính xác và toàn diện. Tuy nhiên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Nông tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy tối đa sức mạnh, trí tuệ của tập thể, tinh thần trách nhiệm tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, xác định công tác nội chính, cải cách tư pháp và PCTN,TC là những lĩnh vực rất quan trọng, nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, Ban Nội chính Tỉnh ủy đề cao trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tiếp tục tham mưu, đề xuất, cụ thể hóa những chủ trương, chính sách, giải pháp lớn về lĩnh vực nội chính, cải cách tư pháp và PCTN,TC; chú trọng giữ vững nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, không làm thay nhiệm vụ của các cơ quan khối Nội chính.
Hai là, nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có phương pháp, cách làm khoa học, bài bản và phải “đúng vai, thuộc bài” như đồng chí Tổng Bí thư thường chỉ đạo. Đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ, kịp thời, trước hết trong tập thể lãnh đạo, giữa các phòng và với các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhất là các cơ quan nội chính trong thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện tốt các quy chế phối hợp, thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc dư luận xã hội, khiếu kiện đông người, phức tạp kéo dài… Qua đó kịp thời tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ba là, tham mưu xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án tham nhũng, tiêu cực, kinh tế; chú trọng nghiên cứu, tham mưu chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án phức tạp, nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm. Thực hiện công tác rà soát các kết luận thanh tra kinh tế-xã hội tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Tập trung theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra công tác tiếp dân của Bí thư cấp ủy cấp huyện; việc thực hiện các kết luận của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại các cơ quan, đơn vị, góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Bốn là, thực hiện nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo PCTN,TC tỉnh và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là những vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm. Ban Nội chính tập trung xây dựng, thực hiện tốt chủ trương của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo PCTN,TC Trung ương về việc “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” và làm cho đảng viên, cán bộ, Nhân dân thực hiện tốt quan điểm “không thể, không dám, không muốn và không cần” tham nhũng, tiêu cực.
Năm là, thường xuyên xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, trách nhiệm, có tính chuyên nghiệp và phong cách làm việc khoa học, bám sát thực tiễn, sâu sát cơ sở, đề cao văn hóa công vụ; có tinh thần quyết tâm nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, trung thành, liêm chính, bản lĩnh, tận tụy. Ban Nội chính khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!