Doanh nghiệp bán lẻ gặp khó, “trông chờ” vào những tháng cuối nămCác nhà bán lẻ châu Âu muốn tìm nguồn cung ứng bền vững từ Việt NamNhững ngành nào được chú trọng đầu tư trong năm 2024? |
Liên tục đưa vào điểm bán mới
Ngày 23/1, Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam đã đưa vào hoạt động siêu thị mini go! Thanh Bình tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Theo Central Retail, đây là siêu thị mini go! thứ 2 của nhà bán lẻ này tại tỉnh Đồng Tháp và cũng là siêu thị mini go! thứ 10 của Central Retail trên toàn quốc.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thăm quan siêu thị mini go! Thanh Bình mới khai trương ngày 23/1 |
Nói về việc mở siêu thị mini go! Thanh Bình, ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam- cho biết, việc đưa vào hoạt động siêu thị mini go! Thanh Bình, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hoạt động mở rộng đầu tư, kinh doanh của Central Retail tại Việt Nam, và là minh chứng cho sự tin tưởng của tập đoàn vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Ngoài Central Retail, ngày 19/1 vừa qua Công ty TNHH MTV Thực phẩm Sài Gòn Co.op (Công ty Co.op Food) trực thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TP.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng đồng loạt khai trương 6 cửa hàng Co.op Food tại TP. Thủ Đức, huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh); quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) và TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Các siêu thị mới được Co.opmart vừa đưa vào hoạt động phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân dịp cuối năm |
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Vận hành chuỗi Co.opmart, kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op- chia sẻ, việc khai trương điểm bán mới là nỗ lực của Saigon Co.op nhằm đưa hàng bình ổn giá, hàng Việt Nam chất lượng cao, phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao trong dịp Tết của người dân khắp mọi miền đất nước.
Được biết, ngoài các cửa hàng Co.op Food, cuối năm 2023 nhà bán lẻ này đã đưa vào hoạt động 2 siêu thị Co.opmart tại An Giang, Tiền Giang và mở thêm nhiều cửa hàng Co.op Smile, Cheers… Theo kế hoạch, trong năm 2024 Saigon Co.op sẽ tiếp tục mở thêm các điểm bán mới ở nhiều địa phương, qua đó góp phần đưa thêm nhiều đặc sản địa phương vào hệ thống các điểm bán của Saigon Co.op phục vụ khách hàng.
"Miếng bánh" hấp dẫn…
Việc các nhà bán lẻ liên tục đưa vào các điểm bán mới được các chuyên gia nhận xét - không chỉ phục vụ nhu cầu mua sắm Tết đang tăng cao mà còn do thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn rất tiềm năng, nhất là trong dài hạn.
Thông tin cụ thể, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đánh giá, bức tranh bán lẻ của Việt Nam trong dài hạn còn nhiều tiềm năng và tiếp tục thu hút các nhà đầu tư. Minh chứng là năm 2023 vừa qua Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã tiếp hơn 60 đoàn của các tổ chức, cơ quan ngoại giao… tới Việt Nam tìm hiểu về thị trường bán lẻ; đồng thời giới thiệu, mở đường cho sản phẩm nước ngoài vào phân phối ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hợp tác ngoại giao đa phương, song phương giữa Việt Nam với các nền kinh tế rất phát triển. Qua những tuyên bố chung về APEC, ASEAN+… đã tạo nên những xúc tiến rất lớn vào thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, theo ông Đức, những chính sách vĩ mô, cụ thể là quan hệ giữa lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tỉ giá ngoại tệ trong thời gian qua đã cải thiện tích cực cũng tác động rất lớn đến ngành bán lẻ, giúp ngành này tăng trưởng khả quan trong năm 2023 (năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2022 - theo Tổng cục Thống kê).
Thực tế, theo số liệu từ Ngân hàng thế giới (World Bank), tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người Việt Nam giai đoạn 2017-2022 đạt 8,5%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và cao gần gấp đôi mức bình quân tăng trưởng của thế giới. Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng được ATKearney xếp thứ 9 trong 35 quốc gia về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2021.
Về quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam, theo Bộ Công Thương đã vượt con số 180 tỷ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo.
Những yếu tố trên đã khiến cho Việt Nam trở thành "mảnh đất" màu mỡ cho các nhà bán lẻ. Do vậy, không chỉ nhà bán lẻ ngoại như Aeon (Nhật Bản), Lotte Mart (Hàn Quốc), Central (Thái Lan)… mà các nhà bán lẻ nội như Saigon Co.op, Satra, Masan… đều đang rất tích cực trong mở rộng thị phần nhằm chiếm lĩnh thị trường bán lẻ. Điều này cũng đang tạo áp lực cạnh tranh rất lớn, buộc các nhà bán lẻ nội địa phải có chiến lược để có thể tồn tại. Bởi lẽ, theo ông Nguyễn Anh Đức, các doanh nghiệp bán lẻ ngoại ngoài tiềm lực mạnh về vốn còn có lợi thế công nghệ - trong khi đó đây lại là những điểm yếu của doanh nghiệp bán lẻ nội địa.
Từ đó, ông Đức đề xuất, cần quy hoạch tổng thể lại cung cầu nguồn nguyên liệu trên bình diện quốc gia để các nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau mà phát huy giá trị cốt lõi. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết của các ngành, các hiệp hội để tạo nên sức bật tổng thể cho nền kinh tế hơn là cạnh tranh cục bộ trong từng ngành. Ví dụ, du lịch hợp lực với thương mại để phát triển. Và để làm được những nội dung này, cần bàn tay vĩ mô nhằm cấu trúc lại giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro, tránh rơi vào khủng hoảng.