Bản giao hưởng sắc hoa Đà Lạt

Bài và ảnh: MAI VĂN BẢO| 11/12/2024 22:07

Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã trở thành điểm đến có sức hút mạnh mẽ với du khách trong nước và quốc tế. 20 năm qua, khi tiết trời vào đông, nhiều loài hoa khoe sắc rực rỡ núi đồi nam Tây Nguyên, du khách muôn phương hội tụ về phố núi thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, tận hưởng hương sắc ngàn hoa, trải nghiệm những giá trị văn hóa và các hoạt động hấp dẫn tại Festival Hoa Đà Lạt.

Lễ khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10.Lễ khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10.

Festival Hoa Đà Lạt được tổ chức định kỳ hai năm một lần; là lễ hội văn hóa, du lịch của tỉnh Lâm Đồng, nhằm quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa, con người và du lịch Đà Lạt-Lâm Đồng đến với du khách trong nước và quốc tế.

Phố núi mùa hội hoa

Năm 2024 diễn ra Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10, với chủ đề “Hoa Đà Lạt-Bản giao hưởng sắc màu”. Qua đó, tiếp tục khẳng định Đà Lạt là thành phố Festival Hoa của Việt Nam, thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc của UNESCO và thành phố thuộc nhóm “5 thành phố Festival ấn tượng của châu Á”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái cho biết, Festival Hoa Đà Lạt lần này có nhiều khác biệt so với các kỳ trước, được tổ chức trên phạm vi toàn tỉnh và kéo dài đến ngày 31/12 với các sự kiện văn hóa, nghệ thuật mới lạ, đặc sắc, đa dạng, mang tầm quốc tế, nhằm tôn vinh ngành hoa Đà Lạt, các giá trị văn hóa, nhân văn của người dân tỉnh Lâm Đồng. Hoa Đà Lạt không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn là biểu trưng sức mạnh của 47 dân tộc anh em kiên cường trong quá khứ, bản lĩnh trong hiện tại và khát vọng vươn lên cùng kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. “Festival Hoa không chỉ là cầu nối, mà còn là điểm đến đầy lưu luyến, nghĩa tình, thủy chung cho tất cả những ai yêu hoa, yêu nghệ thuật, yêu mến vùng đất và con người Đà Lạt-Lâm Đồng”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đặt niềm tin.

Làng hoa, phố hoa, đường hoa… và lòng người nở hoa mùa hội. Đà Lạt vào mùa hội hoa. Sắc hoa tô điểm phố phường, mang đến cho người dân bản xứ và du khách những cung bậc cảm xúc của bữa “tiệc hoa” quý phái mà gần gũi. Đà Lạt, miền đất khí hậu mát mẻ quanh năm, là thành phố ngàn hoa quanh năm khoe sắc. Khí hậu, hoa, cây cỏ, thiên nhiên tươi đẹp, cùng nét duyên của người Đà Lạt tự nhiên níu chân nhiều người về phố núi.

Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10 chính thức khai hội ngày 5/12. Kỳ hội hoa lần này có các chương trình như các không gian hoa; hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”; chương trình nghệ thuật: Bảo Lộc, thành phố hương trà-sắc tơ; trưng bày giới thiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Festival Hoa Đà Lạt năm 2024; Phố rượu vang-trà-cà-phê và đặc sản Đà Lạt-Lâm Đồng; phiên chợ rau-hoa Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành; giao lưu văn hóa nghệ thuật quốc tế Đà Lạt-Chuncheon (Hàn Quốc); Carnaval đường phố hoa và di sản…, cùng nhiều chương trình hưởng ứng và hàng chục hoạt động hấp dẫn khác.

Qua 10 lần tổ chức, Festival Hoa Đà Lạt đã trở thành sự kiện văn hóa-du lịch mang tầm quốc gia và ngày càng lan tỏa ra thế giới. Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Festival Hoa Đà Lạt là ngày hội của nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng và là cơ hội gặp gỡ của du khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm những giá trị văn hóa-du lịch độc đáo, riêng có của Đà Lạt, góp phần thiết thực đạt mục tiêu của tỉnh đón du khách thứ 10 triệu vào cuối năm nay, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa kinh tế nông nghiệp đặc thù gắn với du lịch và bảo tồn di sản, thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Từ làng hoa đến xứ ngàn hoa

Với ưu thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, cách đây hàng chục năm, Đà Lạt đã chuyển đổi ngoạn mục biến vùng đại ngàn sơn cước trở thành xứ ngàn hoa quanh năm khoe sắc.

Tạm gác chuyện lập trạm nông nghiệp ở cao nguyên Langbiang do kỹ sư người Pháp quản lý và tiến hành nghiên cứu, thực nghiệm các loài cây trồng, trong đó có nhiều giống hoa, để đô thị cao nguyên trở thành xứ sở của hoa, lịch sử nghề hoa Đà Lạt phải nhắc đến công lao của những nông phu đến từ miền bắc. Vào những năm 30 thế kỷ 20, những nông dân từ các làng hoa Nghi Tàm, Quảng Bá, Vạn Phúc, Tây Tựu... thuộc tỉnh Hà Đông (cũ) đến Đà Lạt và mang theo nghề trồng hoa truyền thống của mình. Tiếp đó, những lưu dân xa xứ đến đây cùng thời với người Hà Đông từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế… đã tập làm quen với nghề trồng hoa. Đến nay, nghề trồng hoa tại Đà Lạt đã trải qua một hành trình rực rỡ và hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển hơn trong thời gian tới bởi những dự định và khát vọng đang ấp ủ.

Tạm xa nhịp điệu phố hoa mùa hội, về các làng hoa truyền thống ven đô để được trải nghiệm cùng hoa, tìm hiểu quy trình sản xuất hoa công nghệ cao Đà Lạt; để nghe những lão nông ở làng hoa truyền thống Vạn Thành kể về truyền thuyết hoa hồng, về làng hoa Thái Phiên, Đa Thiện, Xuân Thành để nghe kể chuyện hoa cúc, lily, cát tường... Và đến làng hoa Hà Đông để ngược miền ký ức, về nơi khai mở nghề trồng hoa Đà Lạt.

Khi màn sương còn giăng kín phố núi, ông Tạ Minh Quân, nông dân tại làng hoa Hà Đông (Phường 8, thành phố Đà Lạt) đã bắt đầu ngày làm việc mới. Trong khu nhà kính rộng chừng 4.000 m2, người chủ vườn tất bật với việc tưới nước, bón phân và chăm sóc vườn hoa vụ Tết. “Trồng hoa quanh năm nhưng vụ hoa Tết vẫn quan trọng nhất”, ông Quân chia sẻ. Ông Quân là thế hệ thứ ba gắn bó với nghề trồng hoa ở làng hoa Hà Đông. Ông kể, năm 1938, làng hoa Hà Đông được thành lập. Sau đó, nhiều cư dân từ các vùng, miền khác trong cả nước tới Đà Lạt lập nghiệp cũng lấy nghề trồng hoa làm kế sinh nhai, tạo nên các làng hoa khác, như Vạn Thành, Thái Phiên, Xuân Thành, Đa Thiện... Qua thời gian, ngành hoa Đà Lạt không ngừng phát triển, phủ lên khắp thành phố cao nguyên và đưa Đà Lạt trở thành “thành phố ngàn hoa” nổi tiếng.

Hiện, toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 10.000 ha hoa, tổng sản lượng hơn 4 tỷ cành/năm, chủ yếu tập trung tại Đà Lạt và vùng lân cận. Từ canh tác theo phương thức truyền thống, nghề trồng hoa không ngừng áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để trở thành lĩnh vực sản xuất nông nghiệp dẫn đầu về ứng dụng công nghệ cao. Nghề trồng hoa tại Đà Lạt đem lại lợi nhuận cao, đạt doanh thu trung bình 1 tỷ đồng/ha/năm; các mô hình trồng hoa cao cấp đạt doanh thu từ 4 đến 5 tỷ đồng. Không chỉ là sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, hoa Đà Lạt còn là “sứ giả” văn hóa, tài nguyên du lịch, nguyên liệu cho ẩm thực, thời trang, dược phẩm, là nhân tố cốt lõi tạo nên danh tiếng và sức hấp dẫn cho thành phố Đà Lạt.

Trong chiến lược phát triển bền vững ngành hoa đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm sản xuất hoa tươi hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Toàn tỉnh sẽ có khoảng 12.000 ha hoa, sản lượng 5 tỷ cành/năm. Tái cấu trúc ngành hoa, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại và chuyển đổi số, là những giải pháp nhằm khẳng định uy tín thương hiệu “Hoa Đà Lạt”. Và Festival hoa chính là “bản giao hưởng” sắc màu, chắp thêm đôi cánh cho hoa Đà Lạt bay xa.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/ban-giao-huong-sac-hoa-da-lat-post849912.html
Copy Link
https://nhandan.vn/ban-giao-huong-sac-hoa-da-lat-post849912.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Bản giao hưởng sắc hoa Đà Lạt
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO